Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Khi ký ức trở về qua những lời ca hào hùng, bi tráng

Thứ Hai 25/02/2019 | 11:30 GMT+7

VHO- Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, người nhạc sĩ không chỉ viết những khúc ca mang âm hưởng hào hùng, thể hiện ý chí chiến đấu của toàn dân tộc, mà còn cho ra đời những bản tình ca lãng mạn, ca ngợi tình yêu nơi biên giới, ca ngợi cuộc sống tươi đẹp, hòa bình cho đất nước. 

 Tượng đài liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm đặt tại Trường THCS Bình Ngọc, Móng Cái, Quảng Ninh 

 Những lời ca lay động trái tim 
Ngày 17.2.1979 là một ngày không thể nào quên đối với người dân các tỉnh biên giới phía Bắc cũng như cả dân tộc Việt Nam. Đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh lại phải đương đầu với cuộc chiến đấu mới. Chính trong những ngày khói lửa đó, nhiều khúc hát thúc giục lòng người đã ra đời, lay động hàng triệu trái tim con dân đất Việt. 
Ngay trong đêm 17.2, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã cho ra đời một ca khúc mang tên: Chiến đấu vì độc lập tự do. Có thể tên bài hát ít được mọi người biết đến, nhưng những câu hát “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới. Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới…” thì đã hòa cùng nhịp đập con tim triệu triệu người dân Việt Nam. Chỉ 3 ngày sau khi ra đời, bài hát đã vang lên trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, thôi thúc, lay động trái tim 50 triệu người dân Việt Nam lúc bấy giờ. 
Đến hôm nay, nhạc sĩ Phạm Tuyên lật giở từng “trang kỷ niệm” khi nhớ về cuộc chiến ác liệt 40 năm trước. Sắp bước vào tuổi 90 nhưng ông còn minh mẫn. Ông đã từng nghĩ rằng sau ca khúc Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng sẽ không phải viết bất cứ bài hát nào về chiến tranh nữa, bởi đất nước đã hoàn toàn được giải phóng. Rạng sáng 17.2.1979, nhạc sĩ Phạm Tuyên khi ấy đang phụ trách âm nhạc tại Đài Tiếng nói Việt Nam đã lặng người đi khi nghe thông tin quân xâm lược đã tràn qua biên giới phía Bắc nước ta. Ngay trong đêm 17.2, người nhạc sĩ tài hoa ấy đã hoàn thành ca khúc Chiến đấu vì độc lập tự do ghi lại những cảm xúc không chỉ của riêng mình, mà của mọi người dân Việt Nam. Bài hát được mở đầu bằng câu: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới...”. Nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ, ông vẫn nhớ cảm giác xúc động thực sự khi ca khúc vừa lên sóng. Những anh em cán bộ, người lính trong Tây Nguyên và Khu 5 gọi điện thoại cho ông và nói rằng, nghe bài hát họ cũng muốn góp sức bảo vệ biên cương phía Bắc của Tổ quốc. Lúc này hơn lúc nào hết, ông cảm nhận rõ rệt câu nói của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước: Trong chiến đấu thì âm nhạc là một vũ khí. 
Ngoài ca khúc Chiến đấu vì độc lập tự do, nhạc sĩ Phạm Tuyên còn viết nhiều ca khúc khác trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 40 năm trước như: Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh viết về người liệt sĩ đầu tiên ngã xuống khi quân xâm lược bành trướng tiến qua biên giới; Có một đóa Hồng Chiêm viết về nữ liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm hy sinh ở biên giới thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh; Tiếng đàn bên bờ sông biên giới viết về tiểu đội tự vệ khu phố Lào Cai ở chốt bên bờ sông Nậm Thi... Đặc biệt, ca khúc Tiễn thầy giáo đi bộ đội được ông viết tặng người thầy của con gái mình khi thầy rời xa bục giảng, khoác ba lô lên đường, với những câu hát bình dị nhưng vô cùng xúc động. 
Khi được hỏi vì sao ở thời điểm đó, ông lại có thể sáng tác với số lượng nhiều, nhanh và hay như vậy, nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ: “Thời ấy, tôi đã có mặt ở nhiều tỉnh biên giới phía Bắc, sống, lao động, chiến đấu cùng với đồng bào. Trong quá trình ấy, có những giai điệu đã xuất hiện trong đầu, được tôi ghi chép lại, thậm chí có bài hát đã được tôi hoàn thành nhưng chưa công bố ngay”. Ông cho rằng đối với mỗi người sáng tác, quan trọng nhất là bài hát đã đi vào tâm trí, trở thành ấn tượng đẹp trong ký ức của người nghe, đó là nguồn động viên to lớn đối với người viết. 

 Ca khúc “Chiến đấu vì độc lập, tự do” được nhạc sĩ Phạm Tuyên lưu lại trong cuốn sổ chép tay

Chương trình giao lưu nghệ thuật “Chiều dài biên giới” 

Khi tình yêu hoá thành bất tử… 
Trong rất nhiều câu chuyện của thời kỳ chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, có một câu chuyện về cô mậu dịch viên cửa hàng thương nghiệp ở vùng biên Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, vẫn được nhiều người nhắc lại mỗi dịp tháng Hai về. Chuyện kể rằng, ngày 17.2.1979, khi lên thăm người yêu tại Đồn biên phòng Pò Hèn - đúng ngày quân xâm lược tràn sang, cô gái Hoàng Thị Hồng Chiêm đã cùng người yêu là Bùi Anh Lượng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, tạo thành những điểm chốt kiên cường ở biên cương. Tình yêu của họ đã hóa thành bất tử cùng tình yêu Tổ quốc. Và câu chuyện về người nữ anh hùng ấy cũng trở thành huyền thoại, thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhạc sĩ sáng tác, trong đó có Bài ca trên đỉnh Pò Hèn của cố nhạc sĩ Thế Song, Có một đóa Hồng Chiêm của nhạc sĩ Phạm Tuyên, Bông hoa Hồng Chiêm của nhạc sĩ Dân Huyền và Người con gái trên đỉnh Pò Hèn của nhạc sĩ Trần Minh. 
Trong những ngày tháng chiến đấu cam go đó, tấm gương anh dũng của các nữ liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm hay Lê Thị Hồng Gấm đã thôi thúc người dân tích cực tham gia hoạt động, chiến đấu đến cùng cho độc lập, chủ quyền của đất nước. Những bài hát về nữ anh hùng liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm hay Tình ca biên giới của nhạc sĩ Tôn Thất Lập khi được phổ biến đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần, ý chí chiến đấu của nhân dân, chiến sĩ. 
Nhạc sĩ Trương Quý Hải kể lại rằng khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc diễn ra anh mới 15 tuổi, đang học lớp 8, nhưng anh và bạn bè cùng trang lứa đã sục sôi khí thế xin nhập ngũ, lên đường bảo vệ Tổ quốc dù chưa đủ tuổi. Thế hệ đồng trang lứa với nhạc sĩ Trương Quý Hải đã có không biết bao nhiêu người xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ vào những mùa tựu trường... Nhạc sĩ đã dành bút lực, tâm huyết để viết về những anh hùng đã hy sinh thân mình để bảo vệ Tổ quốc, hay là lời nhắn nhủ của người đã khuất với hiện tại và tương lai như: Hát cho người còn sống, Thư về với mẹ… Giờ đây khi mái tóc đã pha màu sương khói, gần như năm nào, nhạc sĩ Trương Quý Hải cũng trở lại chiến trường xưa đôi ba lần để thăm đồng đội, những người mà anh tin rằng đã hóa thành bất tử và sống ở miền ký ức. Lần nào chia tay họ, Trương Quý Hải cũng không khỏi lưu luyến, trăn trở làm sao để sống cho xứng với những hy sinh của anh em, đồng đội. 
Ông luôn cho rằng “Hòa bình của chúng ta hôm nay được đánh đổi bằng cái giá rất đắt… Chúng ta phải làm cho cuộc sống ngày hôm nay tươi đẹp hơn để xứng đáng với cái giá của chiến tranh”. 

  Hòa bình của chúng ta hôm nay được đánh đổi bằng cái giá rất đắt… Chúng ta phải làm cho cuộc sống ngày hôm nay tươi đẹp hơn để xứng đáng với cái giá của chiến tranh. 

(Nhạc sĩ TRƯƠNG QUÝ HẢI) 

 MỸ ANH 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top