Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

“Xóm không chồng” trên đồi C5

Thứ Hai 25/02/2019 | 09:30 GMT+7

VHO- Nằm cheo leo trên sườn đồi C5, “xóm không chồng” thuộc xã Ia Krái, huyện Ia Grai (Gia Lai), là nơi những người phụ nữ nhiều năm qua đã phải vừa làm cha vừa làm mẹ dạy dỗ các con nên người.

Đổi thay ở “xóm không chồng”

Những ngày đầu năm, chúng tôi men theo con ngõ nhỏ đi lên lưng chừng ngọn đồi C5 nơi những phụ nữ không chồng sinh sống. Dường như tiếng cười nói, từng câu hát ru của những người phụ nữ này đã xua tan cái lạnh cuối đông nơi đây.

Trước đó, năm 1980 một số đơn vị quân đội trên địa bàn đã lập nên các nông trường cà phê. Sau đó, họ tuyển hàng nghìn thanh niên từ Hải Dương và miền Trung về làm công nhân, trong đó có nhiều đội sản xuất đều là nữ chưa chồng. Năm 1993, do nông trường làm ăn thua lỗ và thay đổi phương thức quản lý, canh tác cà phê nên các công nhân này dần dần bị cho thôi việc.

“xom khong chong” tren doi c5 hinh anh 1

Vào những dịp lễ tết, họ nhận được khá nhiều sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền như hỗ trợ gạo, cấp giống cây, cho vay vốn… Ảnh: Trần Hiền

Quá lứa lỡ thì, những nữ công nhân chưa chồng chẳng dám ngó mặt về quê nên đành ở lại. Thời gian thấm thoát trôi qua, nông trường cà phê năm nào còn lại 6 người phụ nữ là bà Trần Thị Bổng (SN 1969), bà Nguyễn Thị Dựng (SN 1968), Trần Thị Ngoan (SN 1963), Nguyễn Thị Thảnh (SN 1969), Trần Thị Nụ (SN 1964), Trần Thị Bé (SN 1971). Sáu người phụ nữ này cũng chẳng lấy chồng mà chỉ đi “xin” con rồi nuôi các cháu khôn lớn, nên người.

Sâu trong con ngõ nhỏ ấy có 6 ngôi nhà nằm cạnh nhau. Thấy chúng tôi hỏi thăm, cô Trần Thị Bé (47 tuổi, quê Hải Dương) vội vàng mời chúng tôi vào nhà. Nhanh tay rót ly nước chè xanh mời khách, cô Bé bộc bạch: “Không giấu gì các cô chú, hoàn cảnh của tôi cũng giống như các chị em quanh đây đều không có chồng. Thời con gái chúng tôi đã chôn chặt tuổi thanh xuân với nông trường. Đến khi nông trường giải thể, chúng tôi cũng đã có tuổi nên không có mối nào để ý nữa. Chúng tôi đành cắn răng, nhịn nhục đi "xin" vài đứa con về nuôi cho đỡ hiu quạnh lúc về già... Thật ra thì tôi cũng chẳng có đòi hỏi gì chỉ xin họ đứa con thôi, ngược lại lại cũng chẳng phá vỡ gì cuộc sống êm ấm của họ. Một mình nuôi con, cuộc sống cũng vất vả khó khăn lắm nhưng những năm qua được sự quan tâm của chính quyền, các con ngoan ngoãn, mấy chị em khi nào cũng có nhau nên cũng đỡ đi phần nào…”.

 "Với sự quan tâm của Mặt trận Tổ quốc huyện Ia Grai và Hội Phụ nữ đã xây 3 căn nhà tình thương và đại đoàn kết vào năm 2011 và 2012, xóa bỏ những ngôi nhà tranh dột nát trước đây. Với sự hỗ trợ từ các cấp ngành, giờ đây cuộc sống của các cô đã ổn định, không phải lo cơm ăn áo mặc hay cái đói, cái rét…”.Ông Lý Minh Hoàng  - Phó Chủ tịch xã Ia Krái

Tương tự cô Bé, bà Nguyễn Thị Thảnh (quê Hải Dương) cũng không có chồng. Tâm sự với chúng tôi, bà Thảnh trải lòng: “Chúng tôi vào đây từ khi những cây cà phê còn chưa có quả, giờ đây cũng đã gần 30 năm trời. Cũng như những chị em khác, tôi “xin” được 2 cháu gái, chúng nó ngoan lắm. Bên cạnh tình cảm của các chị em dành cho nhau thì tôi cũng nhận được sự giúp đỡ từ chính quyền nên cuộc sống bớt kham khổ. Vì không có đàn ông trong nhà nên mọi chuyện từ bé đến lớn, 6 chị em vẫn thường làm cùng nhau. Ngay cả đêm giao thừa cũng vậy, sau khi đã cúng xong xuôi ở nhà, các chị em thường bày bánh chưng, cơm nếp, gà, bánh kẹo ra sân cùng nhau ăn và tâm sự đến sáng…”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Minh Hoàng  – Phó Chủ tịch xã Ia Krái cho biết, “xóm không chồng” đã thành lập khá lâu, ở đây chủ yếu là những người phụ nữ lớn tuổi là công nhân cà phê. Nhận thấy cuộc sống của họ khá vất vả nên những năm gần đây chính quyền thường xuyên quan tâm động viên, hỗ trợ họ trong việc phát triển kinh tế trên vùng đất mới. Hội Phụ nữ xã cũng xây dựng “Hũ gạo tình thương” và cho các chị em vay vốn nhằm mở rộng sản xuất để cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống ấm no.

“xom khong chong” tren doi c5 hinh anh 2

Những ngôi nhà dột nát trên “xóm không chồng” đã được thay thế bằng những ngôi nhà xây vững chãi. Ảnh: Trần Hiền

Những cuộc tình không tên…

Sống một mình nơi “rừng thiêng, nước độc”, những người phụ nữ không chồng đều mong muốn sẽ có một chỗ nương tựa lúc tuổi già, nhưng nhân duyên có lẽ vẫn chưa đến với họ. Quá lứa lỡ thì, những người phụ nữ chỉ có nguyện vọng xin một đứa con để ấm lòng, nương tựa khi tuổi xế chiều. Và rồi bỏ qua những lời nói bông đùa, chỉ trích của hàng xóm, những người phụ nữ này cũng nhịn nhục đi tìm cho mình được những đứa con. Nhưng đổi lại là cảnh một mình trải qua “9 tháng thai nghén” rồi vượt cạn. Lủi thủi chăm những đứa con trước lời đàm tiếu của xóm làng. Thời gian thấm thoát trôi đi, những đứa con của họ đều đã lớn khôn, có đứa cũng vào đại học. Chúng chính là động lực, niềm hy vọng để họ tiếp tục với cuộc sống, bỏ qua nhưng lời đàm tiếu, dị nghị của người làng…

Chia sẻ về cuộc tình “không tên” và ao ước được làm mẹ, cô Bé tâm sự: “Phận người phụ nữ ai cũng ao ước được làm mẹ, nhưng tuổi đã lớn nên cũng không có ý định đi thêm bước nữa. Những đứa con cũng từng hỏi cha đâu, cũng chẳng giấu giếm gì tôi lặng lẽ chia sẻ thật lòng để con hiểu và thông cảm. Thấu hiểu được lòng mẹ nên những đứa con của tôi đều chăm ngoan, ngày học, ngày đi làm giúp mẹ. Hiện đứa lớn đã đi làm có thu nhập và đứa nhỏ đang học tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Những đứa con chính là mùa xuân của chúng tôi, chúng đã thay đổi cuộc đời của chúng tôi…”.

Niềm hạnh phúc hiện rõ lên khuôn mặt của bà Trần Thị Ngoan (55 tuổi), bà vui sướng vì những đứa con của bà đã trưởng thành và đã có công việc ổn định, một đứa đã lập gia đình. “Tôi vui lắm, giờ đây trong những ngày quan trọng các con thường về quây quần bên tôi, quan tâm và chăm sóc tôi. Cuộc sống tôi chỉ mong vậy…” - bà Ngoan hạnh phúc nói.

“Cả 6 người phụ nữ ở “xóm không chồng” đều có hoàn cảnh khó khăn và có một nửa là hộ nghèo. Hằng năm chính quyền xã có nhiều chính sách hỗ trợ như cấp phát về giống, phân bón và vật nuôi để họ phát triển kinh tế. Các cháu nơi đây, dù sinh ra thiếu vắng sự dạy bảo của cha, nhưng chưa bao giờ vi phạm pháp luật. Trái lại, chúng còn chăm lo học hành và làm ăn, có hiếu với mẹ nên kinh tế gia đình đang ngày một tốt hơn, đã có một số hộ thoát nghèo…” - ông Lý Minh Hoàng - Phó Chủ tịch xã Ia Krái cho biết thêm.

Rời con ngõ nhỏ, để lại cuộc sống thường nhật cho những người phụ nữ tần tảo nuôi các con ở xóm không chồng, chúng tôi càng thấm thía hơn về tình cảm của những người làm mẹ. Sau những vất vả, giờ đây xóm không chồng đã nhộn nhịp tiếng cười. Những đứa con chính là niềm hy vọng vươn lên của những người mẹ đã chịu nhiều tổn thương và vất vả trong cuộc sống.

Theo Trần Hiền/Dân Việt

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top