Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Ngày càng có nhiều trường tuyển sinh bằng đánh giá năng lực

Thứ Sáu 22/02/2019 | 10:23 GMT+7

VHO- Tính đến thời điểm này, đã có hàng chục trường ĐH, CĐ thông tin việc tuyển sinh bằng phương thức kết hợp với kiểm tra đánh giá năng lực. Đây cũng là một trong những phương thức các trường hướng đến nhằm tuyển được những thí sinh có chất lượng, năng lực và sở thích phù hợp với ngành, nghề đào tạo.

 Học sinh tham gia thi thử bài thi kiểm tra năng lực do Trường ĐH Quốc tế ĐHQG HCM tổ chức vừa qua

 Lựa chọn những thí sinh có tố chất

Đại diện Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết, quy trình tuyển sinh năm 2019 gồm 2 bước: Bước 1 là xét tuyển sơ bộ: Căn cứ số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển, Hội đồng tuyển sinh Trường sẽ xét điểm trung bình ở 6 học kỳ THPT của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển, (đây là tiêu chí 1, dự kiến chiếm tỷ trọng 10% điểm trúng tuyển) và điểm thi THPT quốc gia năm 2019 (đây là tiêu chí 2, dự kiến chiếm tỷ trọng 60%), chọn từ cao xuống thấp để xác định những thí sinh đạt yêu cầu. Theo đó, số lượng thí sinh được xét đạt yêu cầu xét tuyển sơ bộ không quá 300% so với chỉ tiêu dự kiến. Bước 2 là xét trúng tuyển: Chỉ những thí sinh đạt yêu cầu xét tuyển sơ bộ mới được Trường thông báo tham gia làm bài kiểm tra đánh giá năng lực (tiêu chí 3). Bài kiểm tra này dự kiến chiếm tỷ trọng 30% điểm trúng tuyển. Trường xác định điểm trúng tuyển theo từng ngành và theo từng tổ hợp môn xét tuyển.

Về hình thức, thời gian và số lượng câu hỏi của bài kiểm tra đánh giá năng lực, ông Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết, thí sinh thực hiện bài trắc nghiệm trên giấy, với thời gian làm bài 75 phút cho 100 câu hỏi. Nội dung các câu hỏi xung quanh 4 nhóm kiến thức: Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt; Kiến thức xã hội tổng hợp (gồm kiến thức phổ quát về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình, giới tính, lịch sử, địa lý, nông thôn; quan niệm của thí sinh về công bằng xã hội, quyền con người; đạo đức công dân); Kiến thức về pháp luật; Tư duy lôgic và khả năng lập luận. Ông Hiển cũng lưu ý thêm, nhà trường không tổ chức phỏng vấn trực tiếp thí sinh. Để làm bài kiểm tra, thí sinh không cần phải học thêm bất cứ môn học nào, nên sẽ không tạo áp lực gì cho thí sinh. Trường chỉ xét trúng tuyển đối với những thí sinh có tham dự làm bài kiểm tra năng lực.

Theo PGS.TS Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TP.HCM, ý nghĩa của việc tổ chức kiểm tra năng lực là nhằm giúp Nhà trường tuyển được các thí sinh có tố chất, có tư duy logic tốt, có hiểu biết sâu rộng các vấn đề về chính trị, kinh tế, xã hội…; có thêm kênh thông tin để hạn chế tối đa các trường hợp may rủi, học tài thi phận của thí sinh (nếu chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào kỳ thi THPT quốc gia); đồng thời giúp thí sinh bước đầu có thể xác định được ngành học mình lựa chọn học tại Trường ĐH Luật TP.HCM là phù hợp với khả năng và nguyện vọng của mình.

Đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH của thí sinh

Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM (ĐHQG HCM) cho biết tính đến ngày 15.2 đã có 20 đơn vị, trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG HCM năm 2019 để xét tuyển. Ngoài 8 đơn vị thuộc ĐHQG HCM còn có 12 trường khác là Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế - tài chính, Trường ĐH Lạc Hồng, Trường ĐH Nha Trang, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, Trường ĐH An Giang, Trường ĐH Thủ Dầu Một, Trường ĐH Bình Dương, Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng và Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng. Các trường, đơn vị thành viên thuộc ĐHQG HCM dự kiến dành tối đa hơn 5.000 chỉ tiêu tuyển sinh từ kỳ thi đánh giá năng lực. Trong khi các trường khác sẽ dành từ 10-20% chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả kỳ thi này.

Trong năm 2019, kỳthi đánh giá năng lực của ĐHQG HCM sẽđược tổchức hai đợt: Đợt 1 trước kỳthi THPT quốc gia (vào ngày 31.3 tại TP.HCM và tỉnh Bến Tre) và đợt 2 sau kỳthi THPT quốc gia (vào ngày 7.7 tại TP.HCM và Cần Thơ hoặc An Giang, Đà Nẵng hoặc Quy Nhơn). Thí sinh được đăng ký dự thi cả hai đợt: Đợt 1 từ ngày 18.1 đến 28.2; đợt 2 từ ngày 15.4 đến 31.5.2019. Nếu thí sinh dự thi nhiều hơn một đợt thì kết quả thi cao nhất sẽ được sử dụng để xét tuyển. Đại diện Nhà trường cho biết, chỉ tiêu tuyển sinh của phương thức đánh giá năng lực năm 2019 chiếm tối đa 40% tổng chỉ tiêu của ngành/ nhóm ngành. Thí sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng vào các trường ĐH thành viên, khoa trực thuộc của ĐHQG HCM. Bên cạnh đó, thí sinh có thể đăng ký nguyện vọng vào các trường ĐH, CĐ ngoài hệ thống ĐHQG HCM (không giới hạn số nguyện vọng) có sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh.

Bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG HCM được xây dựng theo cùng cách tiếp cận với các bài thi đánh giá năng lực phổ biến trên thế giới như SAT của Hoa kỳ và bài thi TSA của Anh. Bài thi tích hợp được các kỹ năng về đọc hiểu, phân tích vốn được nhấn mạnh ở bài thi SAT và kỹ năng tư duy phản biện - giải quyết vấn đề của bài thi TSA. Cụ thể, bài thi tại ĐHQG HCM đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH của thí sinh như: Sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm với thời gian làm bài là 150 phút. Cấu trúc bài thi chia làm 3 nội dung: Sử dụng ngôn ngữ (các câu hỏi, bài đọc đánh giá kiến thức văn học khả năng dùng từ, khả năng đọc hiểu, khả năng phân tích bài viết Tiếng Việt và Tiếng Anh); Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu (các vấn đề về toán phổ thông, các bài suy luận và xác định các luật logic…) và phần Giải quyết vấn đề (liên quan đến kiến thức khoa học xã hội và tự nhiên).

Theo đại diện các trường dự kiến sử dụng kỳ thi đánh giá năng lực tại ĐHQG HCM năm 2019, kỳ thi năm 2018 đã nhận được ý kiến đánh giá, phản hồi tích cực từ phía thí sinh, phụ huynh học sinh và xã hội. Kỳ thi đã giới thiệu cách tiếp cận mới về đánh giá năng lực, cách tiếp cận này phần nào giúp học sinh định hướng, học tập và rèn luyện hiệu quả hơn những năng lực quan trọng để học các bậc cao hơn. Kỳ thi cũng góp phần đánh giá toàn diện hơn năng lực của thí sinh, giúp tuyển chọn được thí sinh có năng lực phù hợp để học bậc CĐ, ĐH. 

 THÙY TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top