Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Phim như một di sản văn hoá: Quên lãng là có tội

Thứ Sáu 18/01/2019 | 09:56 GMT+7

VHO-Nhiều nhà làm phim, phê bình phim độc lập, lưu trữ phim... trong và ngoài nước đã có mặt tại hội thảo “Phim như một di sản văn hóa” do Hội đồng Anh phối hợp với Viện Phim Việt Nam tổ chức tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, trong khuôn khổ dự án Di sản kết nối của Hội đồng Anh tại Việt Nam.

Phim “Mùa ổi” của đạo diễn Đặng Nhật Minh

Khẳng định giá trị điện ảnh như những di sản văn hóa sống mãi với thời gian, nhiều nhà làm phim cũng tỏ bày lo ngại khi nhắc đến các giá trị không được nhiều người biết đến và có nguy cơ mai một.

Di sản bị cất sâu

Ông Nguyễn Như Vũ, Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học TW cho rằng, “phim cũng là di sản. Di sản quý như vàng, nhưng lâu nay chúng ta cất sâu quá!”. Nhà báo, nhà phê bình điện ảnh độc lập Lê Hồng Lâm bằng việc biên niên sử Việt Nam qua điện ảnh cho rằng, toàn cảnh điện ảnh Việt Nam như một tấm thảm Mosaic lớn. Ở đó, ta không chỉ thấy được những bộ phim tiêu biểu trong suốt bảy thập niên mà còn thấy được chân dung của lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam hiện đại. “Một “biên niên sử” Việt Nam bằng điện ảnh mà qua đó, ta thấy được những biến động và bình lặng, những chia cắt và hòa hợp, vết thương và hàn gắn, khổ đau và hạnh phúc, tan vỡ và hồi sinh, nước mắt và nụ cười, ra đi và trở về... của người Việt Nam trong gần một thế kỷ qua và những năm gần đây...”, nhà phê bình Lê Hồng Lâm nhận định.

Điện ảnh Việt Nam đã được manh nha trong những năm 30, 40 của thế kỷ trước, nhưng hầu hết là thất bại và non yếu về mặt kỹ thuật, kể chuyện; cho đến khi xuất hiện bộ phim tâm lý lãng mạn Kiếp hoa vào năm 1953. Bộ phim mang dáng dấp của một câu chuyện tình ủy mị, ngang trái gần với những vở cải lương mà đoàn hát Kim Chung thường diễn thời đó. Kịch bản của ông bầu Trần Lang cũng lấy cảm hứng từ những vở kịch mà ông là soạn giả. Chất lãng mạn, trữ tình của bộ phim còn được thể hiện qua những bản nhạc nổi tiếng đương thời như Cây đàn bỏ quên (Phạm Duy), Làng tôi (Chung Quân), Nhạc đường xa (Phạm Duy Nhượng) và đặc biệt là ca khúc Dư âm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.

Nhà phê bình Lê Hồng Lâm cũng nhấn mạnh một giai đoạn quan trọng của điện ảnh Việt Nam, phản ánh trực tiếp sự khốc liệt của cuộc chiến tranh Việt Nam. Một thế hệ đạo diễn trẻ được đào tạo tại Pháp trước 1954, Liên Xô hay tại khóa 1 trường Sân khấu Điện ảnh Việt Nam trong những năm chiến tranh như Phạm Kỳ Nam, Hải Ninh, Trần Vũ, Bùi Đình Hạc, Mai Lộc… đã trở thành lực lượng sáng tạo nòng cốt cho điện ảnh giai đoạn này. Chất sử thi và anh hùng ca được thể hiện qua một loạt phim tiêu biểu của giai đoạn chiến tranh Việt Nam 1954-1975 như Chung một dòng sông, Con chim vành khuyên, Nổi gió, Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Đường về quê mẹ... Âm hưởng của cuộc chiến cũng được thể hiện trong một loạt phim được sản xuất sau chiến tranh và kéo dài suốt trong thập niên 80. Đạo diễn Nguyễn Hồng Sến, tên tuổi nổi bật của giai đoạn này đã đưa chất anh hùng ca bi tráng, vẻ đẹp hào sảng và hồn nhiên của người dân Nam Bộ qua “bộ ba” phim tiêu biểu là Mùa gió chướng, Mùa nước nổi và đặc biệt là Cánh đồng hoang, bộ phim điện ảnh Việt Nam đầu tiên đoạt giải cao nhất tại LHP Moskva (1980). Cũng trong giai đoạn này, dù vẫn phản ánh cuộc chiến và tinh thần anh hùng ca dân tộc, nhưng một số bộ phim đã có tính chất giải trí và trở thành cột mốc của điện ảnh Việt Nam mà đến nay vẫn chưa có bộ phim nào vượt qua được, như Ván bài lật ngửa hay Biệt động Sài Gòn.

 Thảo luận Phim như một di sản văn hóa

Khẳng định giá trị phim như một cỗ máy thời gian, đưa đến cơ hội để nhìn lại các ký ức và quá khứ tái hiện trên màn ảnh rộng, qua đó có một cái nhìn thú vị vào tương lai. Nhưng theo nhiều chuyên gia, trên thực tế, di sản điện ảnh Việt Nam phần nào đó đang dần bị vùi lấp bởi thời gian. Đơn cử như điện ảnh Sài Gòn trước 1975, một giai đoạn có vai trò quan trọng bởi trong hơn 20 năm phát triển, đã có hàng trăm bộ phim được sản xuất, có những năm đỉnh cao, số lượng lên đến 40 - 50 phim/năm nhưng sau 1975, những bộ phim đó ngày càng biến mất. “Đó là sự thiếu công bằng trong việc nhìn nhận, đánh giá về di sản văn hóa điện ảnh”, nhà phê bình Lê Hồng Lâm nói.

Để không bị lãng quên

Bà Donna McGowan, Giám đốc quốc gia, Hội đồng Anh tại Việt Nam khẳng định, điện ảnh là di sản lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa, lát cắt con người, cuộc sống, thời cuộc... Nhưng trên thực tế tại Việt Nam, di sản này lại ít được quan tâm, thậm chí bị quên lãng. Bà Donna McGowan cũng nhắc đến bộ phim Mùa ổi của đạo diễn Đặng Nhật Minh, bộ phim Việt Nam khiến cho khán giả trong và ngoài nước có thể biết về Hà Nội những năm 1990. “Dự án Di sản kết nối sẽ làm việc với di sản nhạc và phim của Việt Nam, đặc biệt chú trọng đến các giá trị không được nhiều người biết đến và có nguy cơ mai một. Tuy không được chính thức nhìn nhận như một di sản văn hóa phi vật thể nhưng phim, video và các dạng thức hình ảnh động khác đóng vai trò như một phương tiện quan trọng của cuộc sống thường ngày, đóng góp vào các nỗ lực của chúng ta trong việc ghi lại và diễn giải lịch sử - của cộng đồng cũng như của cá nhân. Việc bảo tồn và lan tỏa các tư liệu lịch sử này phụ thuộc nhiều vào các quy trình lưu trữ, phục chế và quảng bá phim và video...”.

Thế nhưng, hầu hết kho phim tại Việt Nam chưa đảm bảo điều kiện bảo quản dài hạn, đó là vấn đề đã được các chuyên gia nhìn nhận. Theo đạo diễn Phan Đăng Di, phim của anh được lưu trữ tại Pháp, Nhật và Singapore. Tại Nhật, Viện Lưu trữ phim còn chiếu phim lưu trữ cho công chúng. Đó là cách làm khiến các nhà điện ảnh Việt Nam rất hứng thú, bởi điện ảnh chính là cây cầu kết nối mỗi nền văn hóa ra thế giới vô cùng hiệu quả.

Đối chiếu với Việt Nam, không chỉ có vấn đề về lưu trữ mà việc chiếu phim trong kho lưu trữ cũng rất hiếm hoi. Viện Phim Việt Nam chỉ giới thiệu một số bộ phim gắn với các ngày lễ kỷ niệm lớn, thêm nữa là chỉ chiếu trong phạm vi hẹp là phòng chiếu của Viện. Trong khi đó, theo ông Frank Gray (Giám đốc lưu trữ Screen Archive South East, Đại học Brighton, Anh), di sản muốn sống cần có sự tương tác với cộng đồng. 

 BẢO ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top