Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Đừng để Huế “đi ngủ” lúc 8 giờ tối

Thứ Tư 16/01/2019 | 11:07 GMT+7

VHO-Du lịch Huế mặc dù có tăng trưởng vượt bậc trong năm 2018 vừa qua, nhưng thời gian lưu trú của du khách vẫn còn ở mức rất thấp so với các địa phương trong khu vực. Theo các chuyên gia và nhà quản lý, cần phải xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc về đêm cho Huế để thành phố này không phải “đi ngủ” sớm.

 Khách du lịch tham quan khu di sản Hoàng cung Huế

 Năm 2018, du lịch Huế đón hơn 4,3 triệu lượt khách, tăng 14% so với cùng kỳ; khách lưu trú đạt 2,09 lượt, tăng hơn 13%. Trong đó, thị trường khách Hàn Quốc vẫn dẫn đầu với hơn 29%, Pháp 9%, Thái Lan 6,6%... Doanh thu về du lịch ước đạt hơn 4.470 tỉ đồng, doanh thu xã hội từ du lịch ước đạt 11.300 tỉ đồng.

Mặc dù được xem là năm tăng trưởng ấn tượng nhất của du lịch Thừa Thiên Huế trong thời gian dài trở lại đây, nhưng nhìn những con số kết quả đạt được lại “lép vế” hơn so với các địa phương trọng điểm du lịch trong vùng. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam cho rằng: Tỉ lệ khách lưu trú tại Huế chỉ đạt khoảng 45% là quá thấp, đặc biệt với gần 2,1 triệu lượt khách quốc tế thì chỉ có hơn 989.000 lượt lưu trú thì rất lãng phí. Mức chi tiêu của khách vào ban ngày chỉ khoảng 30% và ban đêm thì phải 70%. Nên vấn đề mà Huế cần chú ý là tăng thời gian lưu trú khách trong năm 2019 này.

Theo ông Kỳ, để giữ chân du khách ở Huế, vấn đề chính là xây dựng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch về đêm. Hiện nay, Huế đang chỉ khai thác chủ yếu ở tuyến phố đi bộ ở khu phố Tây (đường Võ Thị Sáu, Chu Văn An, Phạm Ngũ Lão) và sắp tới là không gian cầu đi bộ ven sông Hương, thắp sáng di tích Kỳ Đài và bắn súng thần công… Tuy nhiên, cần phải tính toán xây dựng sản phẩm giải trí đẳng cấp về đêm tại Huế. “Theo tôi, chúng ta cần sân khấu hóa các chương trình ở khu di sản Huế, có thể nghiên cứu xây dựng dự án thực cảnh ở không gian quảng trường từ di tích Kỳ Đài đến Ngọ Môn (Đại Nội Huế). Hiện nay, hoạt động này cũng đã được khai thác hiệu quả tại Hạ Long, Hội An… Ban ngày, có thể bắt gặp một vài hình ảnh chưa đẹp nhưng ban đêm phải làm cho Huế lung linh, rực rỡ. Đừng để Huế “đi ngủ” lúc 8h tối, hãy xem 8h chỉ là mới bắt đầu cho trải nghiệm du lịch Huế”, ông Kỳ góp ý.

Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: Năm 2018, Huế chưa hoàn thành tất cả các chỉ tiêu về kinh tế xã hội bởi hướng phát triển của địa phương là xanh - bền vững nên phải chọn lựa kỹ các dự án đầu tư. Thừa Thiên Huế cũng luôn xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và trọng điểm nhưng hiện vẫn chưa có nhiều nhà đầu tư đẳng cấp, có thương hiệu quốc tế đến với Huế. Đây là thách thức không chỉ của ngành mà của tỉnh. Chính vì thế, trước mắt sẽ chú ý xây dựng, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để thu hút khách.

 Cần có các dự án, chương trình nghệ thuật đặc sắc và đặc trưng cho Huế để thu hút khách về đêm (trong ảnh: Chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Festival Huế 2018)

“Tỉnh đã đưa ra mục tiêu mỗi năm sẽ xây dựng và khai thác một sản phẩm du lịch đặc trưng, nhưng đồng thời các doanh nghiệp du lịch cũng phải xây dựng sản phẩm. Năm 2017 đã khai thác tuyến phố đi bộ ở khu phố Tây; năm 2018 thực hiện dự án đường đi bộ ven sông Hương và vừa đưa vào khai thác. Sắp tới, ngành du lịch sẽ phải tiếp tục nghiên cứu xây dựng sản phẩm mới đặc trưng của Huế”, ông Định thông tin.

Theo ông Lê Hữu Minh, quyền Giám đốc Sở Du lịch, năm 2019 Thừa Thiên Huế sẽ phấn đấu đón từ 4,5 - 4,7 triệu lượt khách, và thực hiện nhiều giải pháp để tăng thời gian lưu trú của du khách. Trong đó, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị để hoàn thành đề án Kinh đô ẩm thực, làm tiền đề cho việc thành lập Bảo tàng Văn hóa Ẩm thực Việt Nam tại Huế như đề xuất của Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam. Ông Nguyễn Quốc Kỳ cũng khẳng định rằng: Huế là “thiên đường” của ẩm thực nên Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực luôn đồng hành cùng ngành du lịch địa phương phát triển các sản phẩm du lịch ẩm thực. Dự kiến vào tháng 9.2019, sẽ tổ chức Tuần lễ Tinh hoa Văn hoa Ẩm thực Việt Nam đương đại tại Huế. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng để “níu chân” du khách thì không phải chỉ tổ chức lễ hội nào đó thật hoành tráng, vì nó sẽ “lóe” lên rồi lại “chìm”; mà phải tổ chức các lễ hội hoặc chương trình định kỳ và liên tục quanh năm. Đó không chỉ là các kỳ Festival Huế (năm chẵn) hay Festival Nghề truyền thống Huế (năm lẻ), mà còn có các festival múa lân, festival âm nhạc…

Cũng kỳ vọng rằng, sau khi thực hiện đề án di dời cư dân ở khu vực 1 di tích Kinh thành Huế thì tỉnh cũng sẽ có nhiều sản phẩm du lịch mới ở khu vực di sản. Hiện nay, cần mở rộng khai thác tour giáo dục di sản để thu hút khách nội địa và khách trẻ trong khu vực.

Một vấn đề mà các chuyên gia góp ý cho ngành du lịch Thừa Thiên Huế là địa phương cần chú ý kích cầu ở thị trường quốc tế tại vùng Đông Bắc Á, Tây Âu và ASEAN; nhưng cũng phải lưu tâm đến việc thu hút khách nội địa, đặc biệt khách đến từ 2 đầu đất nước (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh). Cần tăng cường kích cầu, xúc tiến vào 2 thời điểm: tháng 4 trước mùa hè và tháng 11 trước Tết. Hiện nay, qua theo dõi tour của Vietravel thì tỷ lệ khách nội địa chọn đến Huế đang ít hơn so với các địa phương lân cận. 

THÙY AN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top