Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Bí mật về công ty chuyên tìm kiếm các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp

Thứ Hai 14/01/2019 | 09:27 GMT+7

VHO-  Art Loss Register (ALR) là công ty tư nhân đặt trụ sở ở London chuyên truy tìm tung tích của những tác phẩm nghệ thuật bị mất cắp trên toàn thế giới.

 Robert K. Wittman, nhà điều tra nghệ thuật tư nhân từng lãnh đạo Đội chống tội phạm nghệ thuật (ACT) của FBI

Theo một đánh giá của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), tổng trị giá các tác phẩm nghệ thuật bị mất cắp mỗi năm là hàng tỉ USD, trong khi cơ quan lại không đủ nguồn lực để tổ chức truy tìm chúng, và Julian Radcliffe, 65 tuổi - người khai sinh ARL và từng phục vụ trong ngành tình báo Anh – đã giúp lấp đầy khoảng trống đó.

Giúp tìm lại tác phẩm trị giá hơn 250 triệu USD

Từ khi bước vào hoạt động cách đây hơn 20 năm, ALR đã phát triển thành một trong những cơ sở dữ liệu về tác phẩm nghệ thuật bị mất cắp rộng lớn nhất thế giới, giúp tìm lại số tác phẩm trị giá hơn 250 triệu USD với chi phí điều tra được cơ quan bảo hiểm và nạn nhân chi trả.

Mark Fishstein, “cảnh sát nghệ thuật” của Sở Cảnh sát New York (NYPD) tuyên bố: “Đối với tôi, ALR là công cụ rất quan trọng và vô cùng hữu dụng”. Chính quyền các nước cũng gặp không ít khó khăn do cơ sở dữ liệu về nghệ thuật bị hạn chế và không đầy đủ. Ví dụ, cơ sở dữ liệu của Scotland Yard (Anh) chỉ chứa khoảng 57.500 vật thể bị mất cắp, còn của cảnh sát hình sự quốc tế Interpol vào khoảng 40.000 tác phẩm. Cơ sở dữ liệu của FBI chưa đến 8.000 vật thể, nhất là vì cơ quan chỉ dựa vào cảnh sát địa phương để làm đầy những chỗ còn trống.

Để so sánh, ALR báo cáo cơ sở dữ liệu về các tác phẩm nghệ thuật bị mất cắp hay thất lạc của công ty bao gồm hơn 350.000 vật thể! Ngoài đội ngũ gồm 10 chuyên gia, ALR còn sử dụng một công ty Ấn Độ để tìm kiếm phát hiện những sự tương đồng giữa cơ sở dữ liệu và những vật thể được bán tại các nhà đấu giá hay thị trường nghệ thuật trên khắp thế giới.

Truy nguồn gốc của chúng

Ngoài công việc truy tìm những tác phẩm bị mất cắp, ALR còn đảm nhận những yêu cầu truy nguyên nguồn gốc của chúng. Cảnh sát có thể tham khảo cơ sở dữ liệu riêng của ALR mà không phải đóng một khoản phí nào và công ty còn giúp huấn luyện cho Đội chống tội phạm nghệ thuật (ACT) của FBI.

Một số cơ quan cảnh sát còn phát triển mối quan hệ gắn bó với ALR và thậm chí còn khuyên các nạn nhân nên đăng ký những tác phẩm nghệ thuật bị mất cắp với cơ sở dữ liệu của công ty này. James McAndrew, cựu đặc vụ FBI từng phụ trách nhiệm vụ truy tìm tác phẩm mất cắp cho biết: “Nếu tôi tìm đến ALR và nói các anh có bất cứ thông tin nào về bức tranh này không thì tức thì họ sẽ trao cho tôi 30 tài liệu. Họ có trong tay mọi thứ cần thiết mà cảnh sát không có được”.

Một cơ sở dữ liệu tương tự như của ALR thật ra từng tồn tại, được điều hành bởi tổ chức nhỏ phi lợi nhuận ở New York gọi là Quỹ Quốc tế Nghiên cứu Nghệ thuật (IFFAR). Julian Radcliffe thuyết phục IFFAR hợp tác với ông nhưng về sau họ không còn làm việc chung nữa do những bất đồng quan điểm về chiến lược và các vấn đề kiểm soát hoạt động kinh doanh. Mặc dù vậy, IFFAR vẫn còn cho phép ALR tham khảo cơ sở dữ liệu của họ. Hiện nay, Radcliffe sở hữu 68% tài sản ALR; ngoài ra là các bên sở hữu khác bao gồm Christies, Sothebys và Bonhams. Radcliffe cho biết, năm 2012 ALR kiếm được 1,25 triệu USD, trong đó phần lớn đến từ các khoản phí tham khảo cơ sở dữ liệu và số còn lại đến từ các nạn nhân bị mất cắp cũng như các nhà bảo hiểm.

Robert K. Wittman, nhà điều tra nghệ thuật tư nhân từng lãnh đạo ACT của FBI - coi Radcliffe như là James Bond trong thế giới nghệ thuật và “ông muốn trở thành một siêu thám tử”. Nhờ những nỗ lực của Julian Radcliffe và những người khác mà khá nhiều tác phẩm nghệ thuật mất cắp cuối cùng đã tìm lại được – bao gồm sự trở về của một trong số 7 tác phẩm có giá trị cao của danh họa người Pháp Paul Cézanne bị mất cắp tại một nhà riêng ở Stockbridge, bang Massachusetts (Mỹ) vào năm 1978. Đó là bức họa “Bình đựng nước và Trái cây” và người sở hữu hợp pháp là Michael Bakwin.

ALR thu hồi bức tranh và trả về cho Bakwin vào năm 1999 và vài tháng sau người này bán nó ở nhà đấu giá Siothebys được 29,3 triệu USD, trong đó ALR của Julian Radcliffe bỏ túi được khoản phí 1,6 triệu USD. Vài năm sau, một số tác phẩm khác của Cézanne xuất hiện trên thị trường và người bán được phát hiện là Robert M. Mardirosian, luật sư về hưu ở Massachusetts từng đại diện cho kẻ đánh cắp rồi sau đó trở thành chủ sở hữu số tranh sau khi tên này bị giết chết vào năm 1979.

Năm 2008, Mardirosian bị buộc tội sở hữu tài sản đánh cắp và buộc phải trả lại những bức tranh cho người chủ đích thực. Bất chấp những chỉ trích và buộc tội cũng như mối quan hệ không mấy êm thấm giữa Radcliffe và cảnh sát, người ta vẫn tiếp tục sử dụng công ty ALR vì lý do dễ hiểu: Nếu không có ALR thì chẳng có nơi nào khác để nhờ cậy thu hồi các tác phẩm nghệ thuật bị mất cắp hay yêu cầu làm rõ nguồn gốc đích thực của tác phẩm mờ ám.

Dù thế nào đi nữa thì hiện nay ALR của Julian Radcliffe vẫn được coi là công ty thu hồi tác phẩm nghệ thuật duy nhất trên thị trường thế giới nếu không nói là quan trọng nhất.

NGUYỄN HƯNG - D.AN (Theo Time)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top