Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Đề xuất tịch thu vĩnh viễn giấy phép lái xe của tài xế vi phạm nghiêm trọng

Thứ Sáu 11/01/2019 | 21:28 GMT+7

VHO-Phải có những giải pháp, quy định đủ mạnh để kìm chế TNGT đối với xe khách, xe container bằng việc điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật như nghị định, thông tư hiện hành, đồng thời nghiên cứu hình thức thu hồi vĩnh viễn giấy phép lái xe (GPLX) của tài xế say rượu bia, nghiện ma tuý, bên cạnh đó, sẽ siết chặt việc cấp giấy phép lái xe, đó là những nội dung được lãnh đạo Bộ GTVT đặt ra nhằm kéo giảm tai nạn giao thông tại hội nghị mới diễn ra tại Hà Nội.

Siết chặt cấp giấy phép lái xe để hạn chế những vụ tai nạn giao thông đau lòng như thế này

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể , cần nghiên cứu bổ sung vào nghị định, luật theo hướng lái xe nếu uống rượu, sử dụng ma túy, không chấp hành hiệu lệnh gây tai nạn chết người phải thu hồi bằng vĩnh viễn. Đối với chủ phương tiện, trách nhiệm chủ xe là phải giám sát lái xe. Doanh nghiệp không quản lý được lái xe phải chịu trách nhiệm. Phải tập trung xử lý trách nhiệm của cả doanh nghiệp, tránh tình trạng doanh nghiệp khoán trắng cho lái xe. Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ phải lưu lại hồ sơ của người học lái xe, để khi lái xe vi phạm, sẽ có chứng cứ xử lý cơ sở đào tạo, cơ sở sát hạch và hội đồng sát hạch, nếu vi phạm phải xử nghiêm.

Về thời gian nâng hạng GPLX, phải quy định lại theo hướng tăng độ tuổi nâng hạng; đồng thời cần quy định trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải sử dụng lái xe xác nhận. Nếu xác nhận sai thời gian điều khiển phương tiện của lái xe sẽ phải chịu trách nhiệm. Ông Thể khẳng định sẽ siết chặt công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe: Sẽ đánh trượt ngay các thí sinh vi phạm một số lỗi trong sát hạch như: không dừng đèn đỏ, vi phạm đường đèo, vi phạm tại các gác chắn đường sắt… Vừa qua, Bộ GTVT vừa phê duyệt đề án nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về chất lượng đào tạo, sát hạch và quản lý GPLX đảm bảo an toàn giao thông. Đề án đưa ra nhiều giải pháp nhằm quản lý chặt, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, cấp GPLX.

Theo đó, Bộ GTVT sẽ tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất và giám sát công tác đào tạo lái xe tại tất cả các Sở GTVT trong toàn quốc. Xử lý nghiêm, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi giấy phép đào tạo các cơ sở đào tạo lái xe ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn. Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp giữa Bộ GTVT, Bộ Công an và các địa phương trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ người lái xe khi tham gia giao thông cũng như khi tham gia học, sát hạch, cấp GPLX.

Trao đổi với P.V Báo Văn Hóa, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, chương trình đào tạo sát hạch lái xe hiện nay của Việt Nam đã tiệm cận với chương trình tiên tiến của thế giới, tuy nhiên khi thực hiện thì một số nơi còn có bất cập, đặc biệt là việc cắt xén thời gian học lý thuyết và thực hành, thời lượng thi thực tế chưa nhiều...đây là những nội dung cần được bổ sung điều chỉnh trong thời gian tới. Có tình trạng trên là do một số cơ sở cá nhân cố tình vi phạm quy định pháp luật, trong khi đó một bộ phân người dân chưa hiểu đúng đầy đủ ý nghĩa của bằng lái xe, muốn tiện muốn nhanh mà không biết mình đang vi phạm rất nghiêm trọng, đánh cược với tính mạng sự an toàn của bản thân, gia đình và cộng đồng. Thực tế này đòi hỏi tăng cường chất lượng công tác đào tạo sát hạch lái xe, tăng cường sự giám sát thanh tra kiểm tra và nâng mức xử phạt nếu vi phạm.

Theo  Bộ GTVT, trong  năm 2018 (tính từ ngày 16.11.2017 đến 15.11.2018), toàn quốc xảy ra hơn 18.700 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 8.200 người, bị thương hơn 14.800 người. So với cùng kỳ năm 2017, số vụ TNGT giảm 1.348 vụ (giảm 6.71%), số người chết giảm 33 người (giảm 0.40%), số người bị thương giảm 2.238 người (giảm 13.13%). Số nạn nhân trẻ em dưới 18 tuổi bị tử vong do TNGT là 1.442 người (chiếm 6,6%), giảm 194 người (giảm 11,85%) so với năm 2017 (1.636 người)

Ý thức mới là điều quan trọng

Đánh giá về vấn đề đạo đức, ý thức khi tham gia giao thông của lái xe ô tô hiện nay, ông Trần Hữu Minh cho biết vừa rồi có những vụ TNGT cho thấy một số lái xe có vấn đề nghiêm trọng về đạo đức: gây tai nạn nhưng bỏ chạy, chỉ va chạm nhẹ mà xuống gây gổ đánh nhau dẫn tới chết người, gây TNGT nhưng không xuống cấp cứu người bị nạn dưới gầm xe mà lên xe tiếp tục nổ máy cán chết nạn nhân... Đây là những hành vi mặc dù không phổ biến nhưng cần phải bị lên án mạnh mẽ, để tiến tới loại bỏ các hành vi như vậy khỏi cộng đồng. Điều đó cho thấy phải tăng cường giáo dục đạo đức trong xã hội. Chất lượng lái xe mà chỉ tập trung mỗi khâu đào tạo sát hạch thì chưa đầy đủ toàn diện. Nền tảng kiến thức, ý thức đạo đức văn hóa của con người đó hết sức quan trọng.  Có đạo đức văn hóa tốt, chỉ học thêm kỹ năng và pháp luật là lái xe rất tốt. Ngược lại nếu thiết hụt nghiêm trọng về nền tảng văn hóa đạo đức thì đến khâu đào tạo lái xe dạy bao nhiêu cũng không đủ. Tuy nhiên giáo dục đạo đức ý thức là cả một quá trình dài từ gia đình – nhà trường –xã hội....bởi vậy cần tiếp tục tăng cường trách nhiệm của gia đình, nhà trường trong việc giáo dục ý thức công dân, trách nhiệm xã hội trong tham gia giao thông. Liên quan đến những vụ “xe điên” tông người hàng loạt thời gian gần đây, ông Minh cho rằng phải thực hiện những biện pháp toàn diện để làm người lái xe không muốn vi phạm: khi họ học phải hiểu bản chất của quy định, khi đó họ sẽ tự giác hơn, ngoài ra phải làm cho lợi ích của tuân thủ (đặc biệt bảo hiểm) phải lớn hơn rất nhiều so với lợi ích từ vi phạm. Chính bởi vậy, công cụ tài chính kinh tế phải được triển khai. Hiện nay nghị định bắt buộc bảo hiểm trách nhiệm dân sự đang là một rào cản lớn, vì quy định mức bảo hiểm đồng đều, lái xe an toàn hay không đều cào bằng, bởi vậy không khuyến khích được lái xe an toàn. Thứ hai là làm cho người lái không thể vi phạm (thông qua các quy trình giám sát, công nghệ, nhắc nhở, cưỡng chế tốc độ...). Thứ ba là làm cho người lái không dám vi phạm. Tăng mức xử phạt, quy trách nhiệm lớn hơn, lái xe gây TNGT phải qua quy trình đi học lại thi lại rất khắt khe... Ngoài ra, phải xác định rõ trách nhiệm các bên có liên quan (doanh nghiệp, cơ quan quản lý) và xử lý trách nhiệm, đồng thời tăng cường phối hợp, chia sẻ trong quản lý, ứng dụng KHCN, Cách mạng công nghiệp 4.0 trong quản lý, cũng như kiên trì tuyên truyền... “Đây là thời điểm vào cuộc quyết liệt để tổng kiểm tra sức khỏe các lái xe kinh doanh vận tải, xây dựng hệ dữ liệu quốc gia về sức khẻo và lịch sử vi phạm trật tự ATGT để quản lý hiệu quả lực lượng lao động này.Từ một vụ TNGT liên quan tới xe container và xe máy vừa qua tại Long An, có rất nhiều giải pháp cần phải được xem xét thực hiện, tuy nhiên cần khẳng định khi thực hiện các giải pháp này thì không chỉ nâng cao ATGT cho xe máy và xe container trên quốc lộ mà sẽ giúp nâng cao ATGT trên toàn quốc, góp phần đắc lực vào tăng trưởng kinh tế, xây dựng một xã hội phát triển bền vững”, ông Minh nói.  

 Mới đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh tình trạng không học cũng có bằng lái xe, chỉ cần nộp tiền, chụp  ảnh là có thể nhận bằng, về vấn đề này, ông Minh cho biết cần có cơ quan chức năng kiểm tra và kết luận. Những hành vi như vậy nếu có là hết sức nghiêm trọng và chúng ta cần sớm sửa đổi quy định pháp luật để có thể tăng cường giám sát, ngăn chặn, xử phạt nặng hơn, vì nếu để xảy ra có nghĩa là người lái không đủ kiến thức và kỹ năng điều khiển phương tiện thì các hậu quả có thể gây ra hậu quả rất lớn về người và tải sản. Liên quan đến dư luận này, P.V Văn Hóa đã đặt lịch làm việc với Sở GTVT Hà Nội hơn 2 tuần để tìm hiều thông tin nhưng chưa có sự phản hồi.

Theo thống kê của Cục CSGT, chỉ tính riêng năm 2018, CSGT xử lý 176.585 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tăng 13,1%.Hiện nay, tính trên 1.000 người dân thì có trên 40 ô tô và 600 mô tô nhưng tốc độ phát triển hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được. Bên cạnh đó, tính hỗn hợp của giao thông ở Việt Nam còn rất cao. Nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông do ý thức người điều khiển phương tiện chưa đáp ứng được yêu cầu thượng tôn pháp luật. Để đảm bảo ATGT, Cục CSGTcùng các đơn vị đang thực hiện cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp Tết và sau Tết 2019, theo đó, các chuyên đề về nồng độ cồn luôn là trọng tâm xử lý.

HOÀNG ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top