“Yết Kiêu” rừng Sác

VH- Khoảng thời gian ở rừng Sác, ông được ví như “Yết Kiêu” khi tham gia đánh trên trăm trận và đánh cháy tàu vạn tấn của địch ở Nhà Bè, Cát Lái. Với những chiến công anh dũng của mình, ngày 20 tháng 12 năm 1969, ông vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ông chính là Trịnh Xuân Bảng, ở thôn Hòa Bình, xã Quảng Hưng (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Chí làm trai của người con làng biển

Trong ngôi nhà nhỏ, nằm sát ngay quốc lộ 1A, ông Trịnh Xuân Bảng chậm rãi kể: Năm 1965, lúc mới 20 tuổi, ông tình nguyện tham gia bộ đội địa phương, thuộc Đại đội 365 Quảng Bình. Sau đó, ông được Binh chủng Hải quân nhân dân Việt Nam đưa vào đào tạo ở đơn vị đặc công nước. Bởi ngay từ nhỏ, Trịnh Xuân Bảng đã giỏi bơi lội lại tham gia hoạt động vận chuyển lương thực từ ngoài biển vào đất liền. Gần một năm huấn luyện tại Hải Phòng, ngày ngày ông ngụp lặn trong nước, bò trên bùn, di chuyển trên cây không kể ngày hay đêm… Sau thời gian rèn luyện ở Đại đội 2 (Đoàn 126 Hải quân), Trịnh Xuân Bảng khoác ba lô vào Nam chiến đấu.
Sau quãng thời gian ròng rã hành quân, đến tháng 8 năm 1967, đơn vị của Trịnh Xuân Bảng tập kết tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) và được phiên hiệu thành Trung đoàn 10 (Trung đoàn đặc công Rừng Sác). Đơn vị nhận nhiệm vụ thọc sâu áp sát, bám trụ bằng mọi giá chiến khu rừng Sác để tiến công liên tục vào kho tàng, bến cảng từ Cát Lở, Rạch Dừa đến Nhà Bè, Cát Lái, Thành Tuy Hạ, đánh sâu vào nội đô; khống chế ngăn chặn các tuyến đường sông huyết mạch từ Sài Gòn ra biển...
Thực hiện nhiệm vụ này, những người lính như Trịnh Xuân Bảng phải chấp nhận muôn vàn khó khăn nguy hiểm, đương đầu với sự vây hãm của địch, chung sống với thú dữ, đối mặt với thiếu thốn và ý chí bản thân. “Rừng Sác là một vị trí chiến lược quan trọng, muốn bám trụ được nơi đó, đòi hỏi người lính phải có ý chí và thần kinh thép”, ông Bảng cho biết.

“Yết Kiêu” rừng Sác - Anh 1

Anh hùng đặc công rừng Sác Trịnh Xuân Bảng


Trận đánh “xuất quỷ nhập thần” vào cảng Nhà Bè
Câu chuyện về những trận đánh cảm tử và những khó khăn, gian khổ của đội quân rừng Sác cứ tuôn chảy theo mạch kể của ông Bảng. Người Anh hùng đặc công rừng Sác kể tiếp: Từ khi Trung đoàn 10 được thành lập, rừng Sác trở thành căn cứ “nổi” của cách mạng. Vào cuối năm 1967, đơn vị đặc công nước của ông được giao nhiệm vụ đánh tàu Mỹ ở cảng Nhà Bè, Cát Lái…
Làm thế nào để đưa được khối thuốc nổ đủ để đánh chìm tàu trên vạn tấn của giặc Mỹ mà không bị phát hiện. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông Bảng đưa ra sáng kiến, phải gò chiếc thùng tôn kín như cái cổ quan tài và làm một cái lỗ để điều tiết nước rồi cho khối thuốc nổ vào trong đó. Kíp hẹn giờ thì được làm bằng đường phèn, lợi dụng sức nước người lính đặc công tính toán đặt kíp dày hay mỏng để có thời gian rút lui an toàn. Những sáng kiến tưởng chừng đơn giản như vậy nhưng đã được đặc công rừng Sác áp dụng và đánh thắng nhiều trận, gây khiếp sợ cho quân thù.
Vào cuối năm 1967, 4 anh em trong đơn vị gồm có Trịnh Xuân Bảng (Quảng Trạch, Quảng Bình), Nguyễn Chất Xê (Tiền Hải, Thái Bình), Trần Dần (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) và Trần Công Nghĩa (Thọ Xuân, Thanh Hóa) dũng cảm đánh cháy tàu Mỹ 1,3 vạn tấn ở cảng Nhà Bè. “Sau khi trinh sát, xác định mục tiêu, tối hôm đó khoảng 19 giờ, bốn anh em xuất phát tại rừng Sác, sau khi vượt gần 30 km đường thủy trên sông Chanh, sông Lòng Tàu để di chuyển theo thuốc nổ C4 với trọng lượng khoảng 300 kg (thuốc nổ hợp chất C4 dẻo như nhựa đường, có sức công phá như một tấn thuốc nổ thường). Khoảng 2 giờ sáng, sau khi đã gài được thuốc nổ vào chân vịt con tàu, tôi chèn kíp nổ hẹn giờ, rồi nhanh chóng giật dây liên lạc để anh em trở ra khu vực an toàn”, ông Bảng kể lại.
Và đúng như dự báo, khoảng một tiếng đồng hồ sau, một tiếng nổ long trời lở đất vang lên, lửa bốc cháy ngùn ngụt trên thân tàu 1,3 vạn tấn của giặc, vụ nổ đã làm con tàu chở vũ khí của Mỹ gãy đôi…

“Yết Kiêu” rừng Sác - Anh 2

Lấy bom địch đánh tàu địch
Sau Tết Mậu Thân 1968, địch điên cuồng vây bắt, bố ráp, lập vành đai trắng xung quanh Sài Gòn. Trung đoàn rừng Sác bị cô lập, lương thực và vũ khí kiệt quệ. “Chúng tôi chỉ cầm hơi với một ít gạo rang, cả trung đội tôi chỉ còn một quả B40 và mỗi người một băng đạn AK. Anh em gặp địch chỉ có tránh chứ không đánh, mấy tháng trời rừng Sác không một tiếng súng. Trên bầu trời, máy bay suốt ngày tuyên truyền Việt cộng rừng Sác đã bị tiêu diệt hết gây hoang mang trong quần chúng nhân dân”, ông Bảng nhớ lại.
Để củng cố niềm tin cho nhân dân, Tư lệnh Đặc khu rừng Sác - Lương Văn Nho (Hai Nhã) và Trung đoàn trưởng Lê Bá Ước xuống động viên Đại đội 5 và yêu cầu thực hiện cho được một vụ nổ ở cảng Nhà Bè như một lời khẳng định rằng Việt cộng rừng Sác vẫn luôn ở bên cạnh bà con nhân dân. Khốn nỗi, quyết tâm thì ai cũng có nhưng thuốc nổ không còn một cân, lấy đâu ra bây giờ mà đánh.
Khi được biết kế hoạch, ông Bảng đã đề xuất ngay: “Chuyện đó dễ chứ không khó đâu thủ trưởng. Bom Mỹ thả xuống nhiều quả bị câm, nhờ công binh đào một quả chừng 5 tạ tháo hạt nổ bị câm đặt kíp hẹn giờ của mình vào là xong”.
Tiếp đó, ông Bảng xung phong nhận nhiệm vụ và yêu cầu cho ông chọn thêm hai người nữa là Trần Dần quê ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cùng với Nguyễn Chất Xê ở Tiền Hải (Thái Bình) để đánh trận. Trước giờ xuất trận, ba con người cùng ngồi ăn bữa cơm với các thủ trưởng. Coi như là làm “giỗ sống”, mọi người dồn hết gạo nấu bữa cơm cho ba anh em ăn no nê rồi lên đường. Khoảng 7 giờ tối, ông Trịnh Xuân Bảng đẩy khối thuốc nổ bơi ra giữa lòng sông đi đánh trận. Ba người đều vai trần, quần xà lỏn, nút bông nhét mũi, miệng ngậm ống tre; bơi sâu dưới những đám lục bình lững lờ trôi...
Khi mục tiêu chiếc tàu chở dầu của Mỹ nặng hơn 15.000 tấn hiện ra như một quái vật dưới lòng sông, được lính Mỹ canh phòng nghiêm ngặt với hàng chục tàu nhỏ tuần tiễu bên ngoài, người nhái lượn lờ bảo vệ, thi thoảng những loạt súng được bóp cò quanh tàu nhằm tránh đặc công Việt cộng xâm nhập. Hơn 7 giờ ở dưới nước, khi tiếp cận được mục tiêu, Trịnh Xuân Bảng cùng anh em nhanh chóng phối hợp triển khai công việc.
Gần một tiếng sau, khi đang bơi lặn trên mặt sông để trở về đơn vị, ông Bảng giật bắn mình khi nghe một tiếng nổ vang trời ở khu vực cảng Nhà Bè. Chiếc tàu chở dầu 1,5 vạn tấn của Mỹ bốc cháy ngùn ngụt. Ngay lập tức, bọn địch bao vây chặn tất cả lối ra.
Hơn một tuần sau, Trịnh Xuân Bảng và đồng đội về tới đơn vị, gặp lại nhau, mọi người ôm nhau khóc trong niềm vui sướng… Sau trận đó, ông Bảng vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Sau này, hai ông Trần Dần và Nguyễn Chất Xê cũng được phong tặng Anh hùng đặc công rừng Sác.
Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm, nhưng với người lính đặc công rừng Sác - Trịnh Xuân Bảng những ký ức về những trận đánh, những con người đã làm nên nhiều kỳ tích như huyền thoại vẫn sâu đậm trong trái tim ông.


Phú Bình
 

Ý kiến bạn đọc