Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

“Đạo cũng chả sao, miễn hay là được”?

Thứ Tư 09/01/2019 | 09:26 GMT+7

VHO - Sự việc lùm xùm quanh chuyện nhạc sĩ trẻ Châu Anh Khoa bị một cựu thành viên nhóm nhạc V4Men của Hàn Quốc “tố” bài hát “Tình nhân ơi” giống “Nước mắt” 12 năm trước của họ. Những tranh cãi còn chưa ngã ngũ, nhạc sĩ trẻ này tiếp tục bị khán giả phát hiện và “tố” “đạo” thơ trong ca khúc hit mới đây “Tình nhân ơi”.

 Châu Đăng Khoa ra mắt MV “Tình nhân ơi”

 

 Đáng trách hơn cả là, thay vì thừa nhận mình sai, Châu Đăng Khoa biện minh rằng thấy thơ hay “trôi nổi” trên mạng và không biết tác giả là ai để liên hệ xin phép?

Thời đại 4.0 mà đưa ra những lời ngụy biện như vậy thì thật khó chấp nhận. Sau những lùm xùm vì tố “đạo” nhạc của Hàn Quốc, khán giả phát hiện ra nhiều điểm giống nhau đến ngỡ ngàng lời bài hát “Tình nhân ơi” với bài thơ của tác giả Linh Linh. Cụ thể bài thơ có đoạn: “Ngủ đi em đừng lo chuyện ngày mai. Ai của ai, chẳng còn quan trọng nữa. Tình yêu, suy cho cùng, cũng là một lời hứa. Nên lắm người quên, em nhớ để làm gì”. Và trong bài hát “Tình nhân ơi” cũng có những ca từ tương tự: “Hãy ngủ đi em. Lo làm gì chuyện của sớm mai. Ai của riêng ai chẳng quan trọng nữa. Tình yêu đến cuối cùng cũng chỉ là một lời hứa thôi. Ai cũng quên rồi sao em nhớ...”.

Cùng với đó, khán giả còn tìm ra nhiều điểm tương đồng, mượn ý thơ của tác giả Linh Linh trong bài hit của năm 2018 “Người lạ ơi” mà nhạc sĩ này sáng tác. Nhưng sau khi bị phát hiện, Khoa chỉ giải thích đơn giản rằng đấy là cảm hứng sáng tác chứ không phải đạo nhái. Rằng anh thường lên mạng đọc thơ để lấy cảm hứng và không biết tác giả nên không xin phép (!?). Khoan bàn đến chuyện “đạo” hay mượn ý tưởng nhưng với thái độ và lời giải thích như vậy của Châu Đăng Khoa chứng tỏ thiếu đàng hoàng. Thay vì nhận lỗi về việc làm của mình thì anh lại đưa ra lời giải thích không biết tác giả là ai và ở đâu để xin phép.

Có lẽ từ trước đến nay, thói quen cả nể, dễ bỏ qua của nhiều tác giả nên khi bị xâm phạm bản quyền, ít có sự việc nào được giải quyết đến cùng và câu cửa miệng của những người vi phạm luôn là “không biết nên không có tội”. Trường hợp của Châu Đăng Khoa cũng vậy. Khi tác giả Linh Linh liên hệ về việc vi phạm tác quyền, anh cũng cho rằng vì không biết nên chưa xin phép. Đó là lời biện minh của một người làm việc không chuyên nghiệp và thiếu sự trân trọng công sức với người khác. Bởi ở thế giới mạng chả khó để tìm ra chủ nhân của nó nếu thực sự muốn tìm. Hơn nữa những bài thơ của Linh Linh đều được in trong tập thơ “Những nỗi buồn không tên” xuất bản từ 2016. Càng chứng tỏ những lời giải thích của nhạc sĩ Châu Đăng Khoa là lời ngụy biện.

Bìa cuốn sách “Những nỗi buồn không tên” của Linh Linh

Trường hợp lấy ý tưởng, thậm chí “đạo” tác phẩm thơ trong các bài hát không phải là hiếm trong giới nhạc sĩ hiện nay. Việc “cầm nhầm” hoặc mượn ý tưởng hiểu theo một cách nào đấy cũng là sử dụng chất xám của người khác. Nhưng những tác giả thơ ấy lại không hề nhận được sự tôn trọng tối thiểu là lời xin phép. Trường hợp xôn xao ấy phải kể đến bài thơ “Khi chúng ta già” của nhà thơ Nguyễn Việt Hà bị Phạm Hồng Phước lấy trong bài hát của mình. Hay bài thơ của Thường Đoan viết về mẹ cũng bị một nhạc sĩ sử dụng mà không có lời xin phép hay đề tên... Sau khi phát hiện ra chị lên tiếng trên trang cá nhân và cuối cùng tác giả của bài hát đã phải xin lỗi và đề tên chị trong bài hát của mình.

Đó chỉ là một vài trường hợp “cầm nhầm” có chủ đích của các nhạc sĩ trẻ hiện nay. Phổ nhạc cho thơ hoặc lấy ý tưởng từ các bài thơ của người khác không phải bây giờ mới có. Có rất nhiều bài hát nổi tiếng của Phan Huỳnh Điểu, Trần Long Ẩn; Phú Quang... được phổ nhạc từ thơ. Mà các nhạc sĩ đã để tên tác giả thơ đầy trân trọng. Thì tại sao các nhạc sĩ trẻ ngày nay lại cho mình cái quyền lờ đi tác quyền và bỏ qua động tác xin phép tác giả.

Nếu có tâm và tầm thì hẳn không phải đợi khán giả vạch mặt hoặc tác giả lên tiếng. Dù biện minh thế nào thì hành động dùng chùa của người khác không thể hiện được sự chuyên nghiệp của một người hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp.

Trên facebook của Châu Đăng Khoa có rất nhiều bạn bè, người nổi tiếng lên tiếng bênh vực, thậm chí có người còn cho rằng “đạo cũng chả sao, miễn hay là được”. Có lẽ với những lời bình luận vô trách nhiệm như này nên ngày càng nhiều nhạc sĩ trẻ viết nhạc vô trách nhiệm. Lại đang thiếu những nhạc sĩ đủ tầm để hiểu rằng sử dụng chất xám của người khác cần phải có tâm và sự tôn trọng. Chứ không phải chỉ giải thích một cách phủi tay là “không biết” cho một hành vi đánh cắp bản quyền. 

 MAI LINH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top