Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Rối Việt và những cuộc​​​​​​​ “mang chuông đi đánh xứ người”

Thứ Hai 07/01/2019 | 09:55 GMT+7

VHO- Có lạc quan đến mấy cũng không thể tin được rằng, năm qua Nhà hát Múa rối Việt Nam đã giật kỷ lục về số buổi biểu diễn xuất ngoại với 16 chuyến lưu diễn tại 13 quốc gia ở khắp các châu lục.

Diễn rối nước tại Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản: Khán giả đầy hào hứng

Nói về điều này, Giám đốc NH múa rối VN Ngô Thanh Thủy chia sẻ: “Nhà hát nằm ở địa chỉ không mấy thuận lợi, luôn phải gặp vấn đề ùn tắc giao thông nên lượng khán giả đến có phần thưa hơn. Vì vậy đơn vị quyết định tăng cường biểu diễn ở nước ngoài, vừa tạo điều kiện cho nghệ sĩ có cơ hội làm nghề, vừa quảng bá hình ảnh rối tới khán giả quốc tế”.

Cái khó ló cái khôn

Năm 2018 nhà hát đã thực hiện 16 chuyến lưu diễn tại 13 quốc gia. Có những nước diễn từ 2 đến 4 lần trong năm. Không chỉ biểu diễn giao lưu, Nhà hát còn tham gia nhiều hoạt động, liên hoan nghệ thuật và múa rối như Liên hoan Múa rối Quốc Tế Korat 2018, Chương trình Xúc Tiến Du lịch Quốc gia 2018 tại Trung Quốc, Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản, Carnival Múa rối quốc tế tại Nga, LH sân khấu kịch Trung Quốc - ASEAN lần thứ 6 tại Trung Quốc... Điều đặc biệt là, phần lớn trong các chuyến lưu diễn chủ yếu biểu diễn rối cạn, vốn không phải là “đặc sản” rối nước truyền thống.

NSND Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Nhà hát cho biết: “Đưa một chương trình biểu diễn rối nước truyền thống ra nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi khối lượng sân khấu, đạo cụ rất nặng. Hơn nữa, các chuyến lưu diễn của Nhà hát lại phụ thuộc vào đơn đặt hàng đối với đối tác. Trong cái khó ló cái khôn, chúng tôi bắt buộc phải lựa chọn diễn các chương trình rối cạn và phải dàn dựng lại các chương trình khác cho phù hợp”. Để đảm bảo chất lượng và thời gian của chương trình biểu diễn, Nhà hát sẽ phải lựa chọn những nghệ sĩ thật giỏi và đa năng diễn được nhiều thể loại rối cũng như phải có hình thể tốt, có khả năng biểu diễn trên sân khấu, hát múa...

Chính điều này đòi hỏi nghệ sĩ của Nhà hát phải tự trau dồi nghề nghiệp để thích ứng. Top nghệ sĩ luôn được Ban giám đốc “ngắm” đến mỗi khi có chuyến lưu diễn có thể kể một loạt những cái tên quen thuộc như NSƯT Thế Khiển, NSƯT Quý Quốc, NSƯT Thu Hằng, NSƯT Kim Thoa, Quang Hợp, Ngọc Trìu, Lan Hương, Thu Hương, Thu Hoàn, Thúy Lan, Thùy Trang, Hữu Hiệp, Đạt Hiển, Minh Hồng, Thanh Tùng, Thế Long..

 Các nghệ sĩ mang rối cạn ra biểu diễn cho khán giả nước ngoài phải là những nghệ sĩ có tay nghề giỏi, đa năng

Như những sứ giả ngoại giao

Rối cạn không phải là mảnh đất thuận của các nghệ sĩ rối Việt Nam nhưng lại trở nên “đắt hàng” với khán giả quốc tế, thậm chí vượt qua nhiều cường quốc như Trung Quốc, Thái Lan, Pháp, Nga..., bà Ngô Thanh Thủy “bật mí”: Trình độ và kỹ thuật điều khiển con rối thì giống nhau nhưng chương trình của VN luôn được đánh giá cao nhất là bởi tư duy sáng tạo rất riêng. Chương trình của Nhà hát được dàn dựng xuyên suốt, có chủ đề, có nội dung và mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Con rối Việt cũng rất sáng tạo khi sử dụng những chất liệu tạo hình bằng mây, tre đan. Điều này đã tạo nên sự khác biệt của rối Việt.

“Bạn rất thích xem rối nước nhưng vì kinh phí tổ chức diễn rối nước ở nước ngoài rất tốn kém khi hầu hết đơn vị phải chuyên chở toàn bộ sân khấu, trang trí và con rối bằng con đường máy bay. Với những chuyến lưu diễn như ở Nga vừa kết hợp diễn rối nước và rối cạn, nghệ sĩ có 16 người, nghệ sĩ kiêm luôn làm hậu đài, dựng sân khấu rất vất vả”, giám đốc Ngô Thanh Thuỷ chia sẻ thêm. Đa phần các chuyến lưu diễn xuất ngoại của Nhà hát đều do nước ngoài mời tài trợ ăn ở, đi lại. Cát sê biểu diễn ở nước ngoài của nghệ sĩ chẳng có gì khác so với với diễn ở trong nước. Việc đi nước ngoài đối với nghệ sĩ nhà hát là chuyện bình thường, vấn đề là được làm nghề, được đưa nghệ thuật rối nước khoe với bạn bè khắp năm châu.

Những hồi âm, những đánh giá từ ban tổ chức và quốc tế trở thành những động lực giúp các nghệ sĩ sẵn sàng để lên đường. Ông Phan Ninh, Giám đốc Liên hoan Sân khấu Trung Quốc và ASEAN nói: “Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng khi mời Nhà hát Múa rối Việt Nam sang tham dự. Bởi lẽ không bao giờ phải lo lắng về chất lượng cũng như nhiệt tình sáng tạo của các nghệ sĩ các bạn”. Năm 2018, Nhà hát tham dự Liên hoan Múa rối thế giới lần thứ 8 tại TP Ekaterinburg (Nga) và xuất sắc giành giải Nhất và giải “Trang trí và tạo hình con rối đẹp nhất”. Liên hoan thu hút sự tham dự của các đoàn đến từ 30 quốc gia với hơn 40 chương trình biểu diễn ở tất cả các thể loại múa rối.

Bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Bí thư thứ nhất, phòng chính trị Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga nhận định: “Các nghệ sĩ múa rối Việt Nam đã trở thành những sứ giả ngoại giao khi cống hiến cho khán giả ở Nga những chương trình biểu diễn rất hấp dẫn. Chúng tôi rất mong năm 2019, Nhà hát lại tiếp tục sang biểu diễn tại Nga để phục vụ khán giả Nga và kiều bào nhân 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nga”.

Khó có thể chia sẻ hết những cảm xúc của cán bộ, nghệ sĩ trong các chuyến xuất ngoại, chỉ biết rằng rất nhớ cái rét lạnh căm căm mà họ dầm mình dưới bể nước được dựng ở giữa quảng trường rất rộng ở Ekaterinburg, nhớ tới sự chào đón, trân trọng từ các ban tổ chức khi mời nhà hát biểu diễn liên tục mà không chán, nhớ những bữa cơm thân mật tại gia đình Việt kiều ở Nga chiêu đãi nghệ sĩ chỉ vì yêu nghệ thuật rối...

Những cảm xúc tự hào về nghề, về dân tộc đã khiến các nghệ sĩ có thêm động lực để “đem chuông đi đánh xứ người”. 

 THÚY HIỀN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top