Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc: Từ cánh cửa có “Mỵ”, biết cách tìm khán giả

Thứ Tư 02/01/2019 | 09:17 GMT+7

VHO- Từ ngày vở Mỵ ra mắt tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc khởi sắc hẳn lên. Bởi, “Mỵ” là từ khóa được nhiều người tìm kiếm trên mạng và luôn gắn theo Mỵ là cái tên Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc, đơn vị nghệ thuật đã phá cách để tạo ra dấu ấn mới trong chặng đường tiếp cận khán giả của mình.

Diễn viên múa của Nhà hát có xuất thân là con em các dân tộc ít người từ nhỏ đã quen với các vũ điệu của dân tộc

Văn hoá của dân tộc Mông được phản ánh sinh động trong vở Mỵ

 

So với các đơn vị nghệ thuật khác, Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc có thế mạnh là múa.

Thế mạnh là trẻ, đẹp và hiểu nghệ thuật dân tộc

Trẻ, đẹp, thạo nghề, lại 100% xuất thân là con em đồng bào các dân tộc ít người nên chất “truyền thống”, hay nói cách khác là “bản sắc dân tộc” trong câu hát, điệu múa đã ngấm vào máu của các nghệ sĩ từ khi chưa bước chân lên sàn diễn chuyên nghiệp. Tại những kỳ Festival, các chương trình nghệ thuật có sự tham gia của các nghệ sĩ dân gian Việt Bắc, người xem thấy rõ sự khác biệt về chất. Không phải do kỹ thuật biểu diễn cao hơn, đẳng cấp hơn; tiết mục dàn dựng kỳ công, tốn tiền hơn mà sự khác biệt nằm ở sự hồn nhiên. Xem họ diễn, cứ như thể, câu hát ấy, điệu múa ấy chảy ra từ trái tim của mỗi nghệ sĩ nhưng được chắt chiu và tỉa tót tinh tế hơn qua bàn tay dàn dựng chuyên nghiệp. Khác hoàn toàn sự “bắt chước”, hay cố thể hiện cho ra “chất dân tộc” khi mà người biểu diễn chưa thực sự ngấm văn hóa của các dân tộc ở một chiều sâu đủ để tạo ra sự hồn nhiên cần có.

Thế mạnh có sẵn nhưng để ra được với thị trường, đủ sức cạnh tranh, tiếp tục “đóng đinh” trong lòng khán giả nhất thiết phải biết tự làm mới mình. Thời của công nghệ 4.0, muốn khán giả bỏ tiền mua vé, nhất là khán giả trẻ, không thể thuyết phục họ rằng “chương trình của chúng tôi là nghệ thuật truyền thống”, là “bản sắc dân tộc hay lắm, độc đáo lắm”, mà phải cho họ thấy “chúng tôi đang phát huy vốn nghệ thuật truyền thống theo cách nghĩ của thế hệ khán giả 4.0”. Đấy là một trong những lý do mà vở kịch múa Mỵ đã khiến khán giả “phát sốt” sau khi giành được giải Ấn tượng toàn đoàn; giải Biên đạo xuất sắc tại LH Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2018.

Được chuyển thể từ truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài, nghệ sĩ Tuyết Minh và ê kíp đã “quần quật” trên sàn tập 5 tháng có lẻ. Câu chuyện không mới; cái tứ dựng kịch múa từ tác phẩm văn học được nhiều người yêu thích cũng đã có người làm. Nhưng Mỵ thành công bởi thông qua hình tượng Mỵ và chuyện tình đẹp của A Phủ, những nét đặc sắc của văn hóa Mông được khắc họa sinh động. Đó là những phiên chợ tình, các trò chơi dân gian, những điệu múa, tiếng khèn đặc trưng của người Mông bước ra khỏi trang sách, bước ra khỏi không gian gốc đến với người xem hồn nhiên, ấn tượng mà vẫn không kém sự cuốn hút, nuột nà. Hơn thế, việc sử dụng các bài hát mới viết riêng cho chương trình hay cách thể hiện âm nhạc theo phong cách Acapella (dùng dụng cụ nấu ăn như dao, thớt, nồi để tạo âm thanh thể hiện nhịp sống sôi động tại phiên chợ vùng cao) đã để lại nhiều cảm xúc cho người xem.

Có thể nói, sự sáng tạo trong ý tưởng, dàn dựng đã khiến thế mạnh của Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc cất cánh. Sự “toả sáng” đúng lúc này đã khiến chương trình được các đối tác du lịch nhòm ngó. Công ty du lịch Nam Hưng đã nhanh chân ký kết hợp tác đưa Mỵ đến với khách du lịch. 2 đêm diễn tại Nhà hát Lớn trong tháng 10 năm 2018 do Nam Hưng thiết kế đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong dư luận. Đâu đó, mọi người sực nhớ cái tên tưởng chừng đã khuất lấp trong sự lãng quên ở chốn thị thành. Số tiền thu về cho Nhà hát tuy chưa nhiều nhưng cũng đủ để các nghệ sĩ ấm lòng tiếp tục theo đuổi lối rẽ nghệ thuật mới với niềm hy vọng.

Các nghệ sĩ Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc trong đêm biểu diễn “Mỵ” tại Nhà hát Lớn Hà Nội 

Sau Mỵ... sẽ là Thạch Sanh?

Gặp NSND Nông Xuân Ái, Phó giám đốc phụ trách Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc, anh phấn chấn nói: “Chúng tôi đã tìm được con đường đến với khán giả. Đây cũng là hướng đi của Nhà hát trong năm 2019”.

Đang trong ngày nghỉ, Nhà hát vắng lặng, không gian như rộng hơn bởi cái rét tê buốt ngày cuối năm. Sau một cuộc điện thoại, chừng mươi phút, sân nhà hát rộn lên tiếng động cơ xe, một, hai, ba người bước vào phòng, NSND Nông Xuân Ái hào hứng giới thiệu từng nghệ sĩ có tham gia trong vở Mỵ. Như đang trong mạch cảm xúc, anh nói: “Để phục vụ khách du lịch, phần lớn là khách quốc tế đi theo tour chúng tôi cần khoảng 3 vở như Mỵ. Mọi thứ vẫn đang trong ý tưởng nhưng tôi nghĩ, sau Mỵ có thể sẽ là Thạch Sanh. Với khách du lịch thì một cốt truyện gắn với một tác phẩm văn học nổi tiếng như Vợ chồng A Phủ, hay một điển tích trong truyện cổ Việt sẽ là gợi hứng hấp dẫn cho khách trước khi mục sở thị vở diễn sau đó. Nếu khán giả tiếp cận và thẩm thấu văn hóa Mông qua Mỵ thì... Thạch Sanh sẽ là ý tưởng dẫn dắt người xem đến với không gian và bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Tày. Tại sao lại ấn định văn hóa dân tộc Tày cho tích Thạch Sanh mà không phải là dân tộc Kinh như cách nghĩ của nhiều người: Chuyện Thạch Sanh của dân tộc Kinh? Trên thực tế, chuyện cổ có rất nhiều khảo dị, người Tày cũng có khảo dị về Thạch Sanh. Điều quan trọng là tích chuyện chỉ là cái cớ và nếu Thạch Sanh lên sàn diễn thì đó sẽ là một không gian văn hóa Tày đặc trưng mà khách du lịch chỉ cần thông qua vở kịch múa này đã có thể phần nào cận cảnh và nắm bắt được bản sắc văn hóa người Tày ở Việt Nam”.

Cũng theo NSND Nông Xuân Ái, việc dựng vở Thạch Sanh chỉ là một trong những ý tưởng đang nằm trong đầu. Nhưng cũng có thể vở diễn sẽ được hiện thực hóa trong thời gian ngắn khi hội đủ các điều kiện về kịch bản, kinh phí và ê kíp dựng vở tâm huyết với đề tài này.

Một trong những cái khó mà Nhà hát phải đối mặt khi đưa Mỵ hay các vở diễn phục vụ du lịch đến với đối tượng người xem là khách du lịch quốc tế chính là có một điểm diễn cố định. Theo Công ty Du lịch Nam Hưng, các tour du lịch khách quốc tế phải lên kế hoạch trước cả năm; vài tháng. Vì thế, cần thiết có điểm diễn đáp ứng tour theo lịch trình và kế hoạch đặt trước cả năm; ít nhất cũng vài ba tháng. Việc chọn điểm diễn vẫn đang được phía Công ty Nam Hưng khảo sát. Và trong lúc chờ để Mỵ lại được tung tảy trên sàn diễn cùng với các thanh âm của dao, thớt, nồi, chảo, bát, đĩa... các nghệ sĩ Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc vẫn cần mẫn tham gia các chương trình lễ hội, các show biểu diễn trong vùng Việt Bắc và tập luyện vũ đạo theo tổ hợp của từng dân tộc. “Việc tập vũ đạo theo tổ hợp sẽ giúp các nghệ sĩ, diễn viên múa bắt nhịp nhanh hơn khi dựng vở diễn sử dụng vũ đạo của dân tộc nào. Nhiều tỉnh phía Nam mời chúng tôi vào biểu diễn nhưng phải tự lo kinh phí đi lại. Để thực hiện được, chúng tôi phải phối hợp với các đối tác bên ngoài, các doanh nghiệp mới hy vọng mang văn hóa vùng cao phía Bắc đến với khán giả phương Nam một cách trọn vẹn”, NSND Nông Xuân Ái chia sẻ.

Xem ra, con đường đến với khán giả của nghệ thuật truyền thống vẫn còn gian nan lắm, nhưng nhìn vào mắt các nghệ sĩ đã thấy ánh lên những tia hy vọng về một năm mới sáng đèn. 

 CHU THU HẰNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top