Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Phát triển văn hóa đọc: Nhiều dự án đẹp đến khó tin

Thứ Hai 31/12/2018 | 09:52 GMT+7

VHO- Giữa hàng loạt lời “kêu cứu” bởi sự xuống dốc của văn hóa đọc thì những mô hình, dự án điển hình được nhắc đến tại Hội nghị sơ kết một năm triển khai thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Bộ VHTTDL tổ chức cuối tuần qua lại khiến người nghe hoàn toàn tin tưởng về sức sống và sự tồn tại không thể thay thế của văn hóa đọc trong đời sống cộng đồng.

 Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy xem trưng bày một số sản phẩm và hình ảnh hoạt động khuyến học của các thư viện

Có thể kể đến những chương trình, dự án đã được triển khai trong thời gian qua như: Sách ơi mở ra, Dự án sách hóa nông thôn, chương trình “Bán trái cây xây tủ sách”… Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ.

Bứt phá mạnh mẽ

Theo Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thuý Ngà, kể từ khi Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhiều hoạt động đã được triển khai, góp phần xây dựng môi trường đọc thân thiện, nhiều tiện ích cho người dân có thể tiếp cận, khai thác và sử dụng thông tin, tri thức có hiệu quả.

Cụ thể, sau hơn một năm thực hiện Đề án, hoạt động thư viện cả nước đã chuyển mình mạnh mẽ, thiết thực phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước cũng như nhu cầu đọc sách của nhân dân. Đáng chú ý là sự đổi mới trong phương thức hoạt động, ngoài phục vụ tại chỗ, các thư viện đã triển khai phục vụ lưu động và phục vụ qua không gian mạng; cải cách và đổi mới việc cấp thẻ thư viện bằng nhiều hình thức; đẩy mạnh luân chuyển sách báo đến các điểm thư viện xã, điểm bưu điện văn hóa xã, trường học, đồn biên phòng, trại giam...

Bên cạnh đó, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ thư viện, phát triển các loại hình dịch vụ mới và làm mới những dịch vụ truyền thống, chú trọng các dịch vụ ứng dụng CNTT, dịch vụ hướng đến các đối tượng như thiếu nhi, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa, phạm nhân... “Việc đa dạng hóa các loại hình dịch vụ thư viện đã tạo điều kiện tiếp cận thông tin, hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần, phục vụ học tập suốt đời của nhân dân, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”…”, bà Ngà nhấn mạnh.

“Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt đến phát triển văn hóa đọc, thể hiện qua các văn bản chỉ đạo cụ thể về việc kiện toàn, củng cố hệ thống thư viện công cộng. Tại Hội thảo phát triển và đổi mới hoạt động thư viện trong thời kỳ mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đặt ra phương hướng cho sự phát triển của thư viện trong thời kỳ mới: Ngành Thư viện cần thay đổi nhận thức để thư viện không chỉ là nơi lưu giữ, bảo quản tài liệu mà còn phải là nơi trao truyền tri thức, thu hút người dân đến với thư viện bằng nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo, ứng dụng CNTT để đáp ứng nhu cầu đọc của người dân trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, tăng cường liên kết để chia sẻ nguồn dữ liệu số”, Vụ trưởng Vũ Dương Thúy Ngà nhấn mạnh.

 Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy trao Giải thưởng Phát triển Văn hóa đọc năm 2018 cho các tập thể

Những dự án đẹp đến… khó tin

Không “sung sức” như thời kỳ trước nhưng văn hóa đọc luôn luôn khẳng định vị trí không thể thay thế trong đời sống cộng đồng. Chính bởi vậy mà giữa thời đại 4.0, khi không ít diễn đàn lên tiếng rằng sự phát triển của công nghệ sẽ lấn át và thậm chí giết chết văn hóa đọc truyền thống thì trong cộng đồng vẫn luôn hiện lên những điểm sáng, qua đó bạn đọc hoàn toàn tin tưởng vào sự tồn tại theo một cách riêng của văn hóa đọc thời hiện đại. Nhiều tổ chức, cá nhân đã tích cực chung tay phát triển văn hóa đọc với nhiều mô hình khác nhau: thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, không gian đọc sách, tủ sách dòng họ… Đến năm 2018, cả nước đã có trên 100 thư viện tư nhân. Điển hình như Thư viện tư nhân Dương Liễu (huyện Hoài Đức, Hà Nội), Thư viện thôn Bình Vọng (Thường Tín, Hà Nội), Thư viện tư nhân Phạm Thế Cường (TP Hồ Chí Minh)…

Nhiều chương trình, dự án có ý nghĩa nhân văn cũng đã được các tổ chức, cá nhân triển khai như: Sách ơi mở ra, Dự án sách hóa nông thôn, chương trình “Bán trái cây xây tủ sách”… Chắc hẳn sẽ có nhiều người khó tin rằng vẫn còn có rất nhiều cá nhân tâm huyết đến vậy, với tình yêu với sách đã lặn lội khắp mọi vùng miền, dùng tiền túi để tạo dựng những tủ sách, gây dựng và phát triển các mô hình đọc sách trong cộng đồng. “Những chương trình, dự án đó đã tạo ra nhiều điểm sáng phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, mở ra nhiều cơ hội cho người dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có cơ hội để tiếp cận với sách, báo và văn hóa đọc...”, theo bà Vũ Dương Thúy Ngà.

Nhiều ý kiến cũng chỉ rõ, cùng với những kết quả đạt được thì vẫn còn đó những khó khăn mà văn hóa đọc đang phải đối diện. Nhiều thư viện cơ sở vật chất nghèo nàn, kinh phí hoạt động thiếu thốn. Hiện còn 5 thư viện cấp tỉnh chưa có trụ sở độc lập; khoảng 40% thư viện cấp huyện không được cấp kinh phí hằng năm để bổ sung sách báo và tổ chức các hoạt động khác. Thư viện cấp xã, thư viện trường phổ thông chưa được quan tâm.

Hiện đại hóa thư viện đáp ứng yêu cầu cách mạng CN 4.0 còn chưa được quan tâm đầu tư phát triển. Một số thư viện còn thụ động, thiếu sáng tạo, dẫn đến thu hút bạn đọc còn nhiều hạn chế. “Trong năm 2018, khi sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, một số địa phương chưa nghiêm túc trong thực hiện yêu cầu và tinh thần của Nghị quyết 19- NQ/TW, chủ trương và triển khai sáp nhập thư viện cấp tỉnh, cấp huyện với các cơ sở văn hóa khác như Bảo tàng, Quản lý di tích, Trung tâm Văn hóa... Việc sáp nhập cơ học này đã dẫn đến nguy cơ xóa sổ thiết chế thư viện ở nhiều nơi”, theo bà Vũ Dương Thúy Ngà.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ đã trao Giải thưởng Phát triển Văn hóa đọc năm 2018 cho 13 tập thể. 6 cá nhân có thành tích tiêu biểu cũng đã được trao thưởng trong dịp này. Đây cũng là lần đầu tiên Giải thưởng Phát triển Văn hóa đọc được Bộ VHTTDL trao tặng cho các cá nhân, tập thể sau khi Bộ trưởng ký quyết định ban hành quy chế giải thưởng. 

 NGÂN ANH; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top