Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Hé lộ lý do “lần đầu ra sách” của họa sĩ Thành Chương

Thứ Hai 31/12/2018 | 09:43 GMT+7

VHO- Ngày đầu tiên của đợt rét đậm dịp nghỉ lễ cuối năm, họa sĩ Thành Chương đứng ngồi không yên tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA). Lác đác khách mời bước vào khán phòng mang theo hơi lạnh tê buốt. Sát giờ khai mạc tọa đàm dự án sách “Thành Chương - Hội họa và cuộc đời”, họa sĩ Thành Chương thốt lên: “vỡ trận” với gương mặt rạng ngời xúc động.

Họa sĩ Thành Chương tại buổi tọa đàm

 Khán phòng không còn ghế trống, quá nửa khách mời là các nghệ sĩ, nhà văn, họa sĩ đứng hàng giờ nghe họa sĩ Thành Chương hé lộ lý do “lần đầu ra sách”.

“Sung sướng và áy náy là cảm xúc của tôi lúc này”, họa sĩ Thành Chương mở đầu câu chuyện - “Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom VCCA đã dành trọn khán phòng lớn nhất của mình cho buổi ra mắt dự án sách nhưng cũng không đủ chỗ vì khách quá đông, dù đã dự tính. Rất rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp từ Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Huế, Quy Nhơn, Sài Gòn... không quản đường xa về tham dự. Có bạn huỷ cả chuyến bay để ở lại dự sự kiện... Điều này đã khiến cho tôi quá hạnh phúc”.

Khán phòng không còn ghế trống

Hơn nửa thế kỷ cầm bút vẽ, đã có rất nhiều bài viết về con người và tác phẩm của họa sĩ Thành Chương đăng trên báo chí, hoặc in trong các catalogue mỗi khi có triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm, nhưng một cuốn sách thực sự đúng nghĩa về hội họa và cuộc đời của người họa sĩ tài năng này thì đây là cuốn sách đầu tiên. “Vẽ tranh từ năm 7-8 tuổi nhưng đến 70 tuổi mới làm sách hệ thống lại những tác phẩm của mình, lý do đơn giản thôi, tôi dành cả đời mình cho vẽ, vẽ không ngừng nghỉ, không mệt mỏi, vẽ nhiều đến mức chỉ riêng các bức ảnh chụp lại tác phẩm hội họa cũng đến cả ngàn ngàn bức; chưa kể các bức ký họa, bìa sách... Cả một kho tư liệu ngồn ngộn, nhiều đến mức khi tôi đặt vấn đề làm sách, hệ thống lại quá trình sáng tác của mình gắn với những chặng đường, những tác phẩm tiêu biểu, tôi đã nhận được “cái lắc” của nơi tôi đề nghị họ giúp. Bởi để làm việc này ngoài tiền bạc, cái đòi hỏi nhiều hơn là thời gian, sự kỳ công, tỉ mẩn và tấm lòng với hội họa mới có thể gánh trọn vẹn”.

Về chuyện làm việc gấp 20, 30 lần người khác của họa sĩ Thành Chương, những người bạn gắn bó với anh từ thuở ấu thơ đều biết rõ anh từng vẽ tới 150 bức tranh bột màu chỉ trong một tháng, không bức nào giống bức nào. Anh bảo: “Thời còn đi học, khi thầy giao bài sáng tác hay tạo hình, mọi người trong lớp chỉ làm một bài trong thời gian một tuần, hoặc một tháng. Ai có năng lực, đam mê thì làm 2-3 bài. Vẽ một con tem hay bìa sách thì họ làm tới 3 cái, có nghĩa là họ đã làm gấp 3 người bình thường trong lớp rồi. Nhưng tôi thì từ bé đến giờ không phải làm gấp 2-3 nữa mà mình làm gấp 20-30 lần. Trong lớp làm một cái thì mình làm 30 cái. Một phần do say mê, cứ làm xong cái này thì nảy ra cái mới, tôi luôn cảm thấy không đủ thời gian để làm tất cả những gì nghĩ ra trong đầu. Sự vận động ấy khiến cho tôi chỉ muốn làm nhanh cho xong để làm cái vừa nghĩ ra. Sự vận động ấy nó liên tục và tôi cảm thấy là còn rất nhiều thứ vẫn đang vận động, đang cần được hiện thực hóa bằng tác phẩm...”.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đánh giá cao tài năng và sự kiên định trong sáng tác của họa sĩ Thành Chương

70 tuổi, vẫn đam mê vẽ như ngày còn trẻ. Anh nói: “Đến vĩ đại và thiên tài như Picasso trong hội họa thì trước khi chết, ông vẫn nói là: “Tôi vẫn đang đi tìm”. Nghệ thuật không có điểm cuối cùng, có giới hạn và người họa sĩ  giống như người nghệ sĩ đi làm nghệ thuật suốt đời đi tìm cái đẹp theo tiêu chí của riêng mình và cái đẹp đó luôn luôn đang còn ở phía trước. Tôi thì chưa bao giờ nghĩ  mình đã tìm ra được một cái gì để nói thôi không tìm nữa. Tôi vẫn cảm thấy rất thích thú, rất say sưa, thấy còn nhiều điều đang ở phía trước và phải đi tìm. Có lẽ đến hết cuộc đời, với tôi vẫn chỉ là một cuộc đi tìm kiếm cái đẹp trong hội họa thôi”.

Họa sĩ Lê Quảng Hà từng đánh giá Thành Chương là một nghệ sĩ gạch nối của hai thế hệ, như một gạch nối chừng mực của Đông và Tây, của quá khứ và hiện tại, của sự chỉn chu và tính bông phèng. Còn tác giả Nguyễn Quân đánh giá cao ý tưởng khác biệt và tài năng hơn người của họa sĩ Thành Chương. 70 tuổi, cái tuổi quá đủ trải nghiệm để tự đánh giá năng lực cá nhân và biết rõ mình đã làm được những gì, nhưng họa sĩ Thành Chương vẫn xúc động trước những lời nhận xét của các tác giả, diễn giả: Nguyễn Quân, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Trọng Chức trong buổi tọa đàm sách. “Họ đã có những phát biểu, đánh giá đúng, hay, giá trị về con người và hội họa của tôi”, họa sĩ Thành Chương khẳng định với đôi mắt lấp lánh xúc động.

Với 500 trang, in ấn kỳ công, đầy ắp tư liệu, Thành Chương – Hội họa và cuộc đời như thước phim khắc họa các giai đoạn cuộc đời gắn liền với quá trình làm nghệ thuật của một họa sĩ được mệnh danh là thần đồng hội họa Việt Nam, bắt đầu sự nghiệp từ năm 7 tuổi với sự khác biệt và kiên định. Với những đóng góp và thành tựu của mình trong nước và trên thế giới, Thành Chương được đánh giá là một họa sĩ bậc thầy của hội họa Việt Nam hiện đại, người tiên phong cóảnh hưởng đến thếhệhoạsĩtrẻsau này khi luôn khẳng định, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữgìn bản sắc dân tộc trong sáng tạo.

Đây là ấn phẩm thứ hai trong Dựán sách nghệ thuật của VCCA nhằm giới thiệu và tôn vinh các nghệ si  cùng nền nghệ thuật Việt Nam; khẳng định sự đồng hành của VCCA với giới nghệ thuật trong nước cũng như những nỗ lực phổ cập nghệ thuật và đưa nghệ sĩ tới gần công chúng. Bên cạnh việc giới thiệu chân dung nghệ sĩ, lịch sử mỹ thuật trong nước qua từng giai đoạn hoặc từng trường phái, VCCA cũng mong muốn thông qua "Thành Chương- Hội họa và cuộc đời" đem đến cho công chúng yêu nghệ thuật những ấn phẩm mỹ thuật với thiết kế và sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế.

"Cả một kho tư liệu ngồn ngộn, nhiều đến mức khi tôi đặt vấn đề làm sách, hệ thống lại quá trình sáng tác của mình gắn với những chặng đường, những tác phẩm tiêu biểu, tôi đã nhận được “cái lắc” của nơi tôi đề nghị họ giúp. Bởi để làm việc này ngoài tiền bạc, cái đòi hỏi nhiều hơn là thời gian, sự kỳ công, tỉ mẩn và tấm lòng với hội họa mới có thể gánh trọn vẹn".

(Họa sĩ Thành Chương)

CHU THU HẰNG; ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top