Việc không dễ như nói…

VHO- Chủ trương xã hội hoá (XHH) các hoạt động văn học nghệ thuật đã được đặt ra hơn 20 năm, tuy nhiên sân khấu là lĩnh vực gặp nhiều khó khăn nhất khi phần lớn các nhà hát, đơn vị sân khấu vẫn chưa thật sẵn sàng…

Việc không dễ như nói… - Anh 1

 Cảnh trong vở “Triệu Đình Long cứu chúa” của Nhà hát Tuồng VN

 Một trong những lĩnh vực nóng được đề cập tại cuộc Hội thảo “Nhìn lại quá trình XHH các hoạt động văn học, nghệ thuật ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay” được nhiều người quan tâm chính là vấn đề XHH sân khấu.

Mất phương hướng...

Sân khấu XHH TP.HCM, tiêu biểu là các đơn vị sân khấu kịch nói như Sân khấu 5B Võ Văn Tần, Sân khấu kịch Idecaf, Sân khấu kịch Hồng Vân... đã từng là những ngọn cờ đầu. Có thời điểm số lượng sân khấu kịch tư nhân được cấp phép hoạt động lên tới trên 20 điểm diễn. Nhiều vở diễn của sân khấu kịch tư nhân chạm đến những vấn đề nóng của xã hội đương thời, hoặc nỗ lực làm mới một số kịch bản kinh điển đã thu hút đông đảo khán giả và sự quan tâm của báo giới, dư luận, thậm chí còn diễn ra tình trạng vé chợ đen...

Tuy nhiên, theo đánh giá của Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM Lê Tú Lệ, kể từ năm 2014 sân khấu XHH TP.HCM đã bắt đầu tuột dốc. Ba mùa vừa qua ế khách, hiện tượng hiếm so với trước đây. Khán giả bội thực với những vở diễn nghèo nàn hời hợt, hết ma quái, kinh dị, đến hài nhảm, đồng tính nên sân khấu rơi vào tình cảnh ngắc ngoải. NSND Hồng Vân cho rằng, đây là đợt thoái trào thứ 2 của sân khấu kịch nói TP.HCM từ sau ngày giải phóng. Có nhiều ý kiến phân tích về nguyên nhân, nào là thiếu kịch bản tốt hoặc có kịch bản tốt thì chi phí dàn dựng lại cao và kén người xem; nào là gánh nặng về chi phí thuê mặt bằng, lương nghệ sĩ, bảo hiểm cho diễn viên rồi cả mức thuế doanh thu, thuế thu nhập doanh nghiệp (bằng với các loại dịch vụ văn hóa khác như karaoke, văn phòng phẩm…

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN cho biết, ngành sân khấu thực hiện XHH chưa hiệu quả. Trong quá trình thực hiện đã bộc lộ những mặt hạn chế, bất cập. Hạn chế lớn nhất là tốc độ XHH còn chậm so với tiềm năng và chỉ tiêu định hướng. “Quy hoạch phát triển NTBD chưa đi vào được đời sống. Lộ trình thực hiện chủ trương XHH ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước rơi vào tình trạng bế tắc. Các đơn vị nghệ thuật công lập ở tại một số tỉnh địa phương đã sát nhập với Trung tâm Văn hóa thành 1 đơn vị tổng hợp. Hệ lụy là nhiều đơn vị nghệ thuật đã không còn giữ được bản sắc nghệ thuật mà chạy theo xây dựng các chương trình tấu hài, kịch sex, kịch ma… để có doanh thu nuôi bộ máy cồng kềnh. Trong khi đó, chế độ nhuận bút nhà nước đã ban hành không thực hiện được vì địa phương không có kinh phí”, NSND Lê Tiến Thọ nhấn mạnh.

Việc không dễ như nói… - Anh 2

Cảnh trong vở “Người đi tìm minh chủ” của Nhà hát Cải lương VN

Cần một sự chuẩn bị sẵn sàng...

Có thể nhận thấy, những nguyên nhân khiến sân khấu giậm chân tại chỗ khi thực hiện chủ trương XHH đó là các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật và bản thân nghệ sĩ chưa chuẩn bị sẵn sàng từ nguồn nhân lực, từ cơ sở vật chất cho tới kinh phí cũng như các đề án thực hiện.

NSND Hồng Vân (Sân khấu Kịch Phú Nhuận) chỉ ra rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của sân khấu XHH TP.HCM như việc nhiều sân khấu chật vật lao tâm khổ tứ đi tìm điểm diễn, nghệ sĩ chạy sô quá nhiều không gom đủ người cho chương trình biểu diễn. “Sân khấu XHH đang thiếu chiến lược toàn diện, thiếu nền tảng thoát khỏi sự trì trệ hiện tại. Bản thân tôi chỉ có thể canh cửa 2 sàn diễn với thương hiệu mà mình dày công vun đắp. Việc chấn chỉnh cả hệ thống sân khấu kịch XHH cần một lộ trình có tâm, mang tính khả thi cao. Rất cần những đề án, chính sách cho hoạt động nếu không tôi e rằng sẽ có lúc các sân khấu kịch sẽ bị triệt tiêu”, NSND Hồng Vân chia sẻ. 

 THÚY HIỀN

Ý kiến bạn đọc