Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Xây dựng văn hoá đọc: Nhiều trường phải “lén lén lút lút”!

Thứ Tư 26/12/2018 | 09:34 GMT+7

VHO- Đó là sự chia sẻ rất thật của một số Hiệu trưởng trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM trong một tọa đàm gần đây về phát triển văn hóa đọc trong các trường tiểu học. Xây dựng văn hóa đọc, hình thành thói quen đọc sách cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng nhưng tiếc là công việc này hiện nay còn bỏ ngỏ.

 Học sinh tham quan tìm hiểu sách tại một thư viện

 Hà Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định, quận 7, TP.HCM tâm tư: “Tôi thấy rất nhiều hiệu trưởng cứ nói đọc sách đi nhưng bản thân hiệu trưởng đó lại rất lười đọc. Bản thân tôi cũng vậy”.

Đừng nghĩ đọc sách là trách nhiệm

Ông kể lý do khiến ông phải “chịu” đọc sách từ một lần “xấu hổ” với vị lãnh đạo: “10 năm trước tôi gặp thầy Điệp, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học của Sở GD&ĐT TP.HCM. Thầy có tặng tôi một quyển sách, nhưng tôi không đọc. Lần sau gặp lại thầy, thầy hỏi tôi đã đọc cuốn sách đó chưa, tôi ngại nên nói bừa là đọc rồi. Thầy hỏi, vậy anh tóm tắt cho tôi biết sách nói gì. Từ đó tôi thấy rất xấu hổ và ép mình đọc sách, rồi đam mê đọc tới ngày hôm nay”.

Theo nhiều trường tiểu học, việc xây dựng văn hóa đọc cho học sinh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là không có thời gian để xếp thời khóa biểu. Bên cạnh đó, một số lãnh đạo không tâm huyết nên không thể thực hiện được, điều này dẫn đến nhiều hệ lụy là văn hóa đọc trở nên xa lạ với học sinh. PGS.TS Hoàng Thị Tuyết, Trung tâm Phát triển văn hóa đọc, Kỹ năng sống Hướng dương Việt cho rằng, qua tìm hiểu cho thấy học sinh bây giờ gặp khó khăn về năng lực viết do thiếu vốn từ. Các em cũng không đủ câu chữ, ý tứ khi thể hiện một chính kiến, bày tỏ một mong muốn, trình bày một câu chuyện của mình. Nếu học sinh được hướng dẫn trở thành người đọc sách thì sẽ khắc phục lỗi này. PGS.TS Tuyết nói thêm, các trường đừng nghĩ văn hóa đọc là chủ trương mà hãy biến đó thành ước mơ của học sinh và của chính giáo viên.

Cô Allison Ruttger, giáo viên Trường Quốc tế Nam Sài Gòn bày tỏ, các thầy cô hãy truyền cảm hứng cho học sinh dù đang có những thách thức hiện tại. Theo giáo viên này, có nhiều nghiên cứu cho thấy đọc sách sẽ thay đổi kết quả đầu ra, chẳng hạn khi vào học các em có xuất phát điểm thấp, chỉ cần chuyên cần đọc sách sẽ tiến bộ rất nhiều. “Mỗi người cần cống hiến thời gian thực sự cho việc đọc, đây là việc cực kỳ quan trọng trong

 cuộc sống hối hả ngày nay. Đối với trẻ, cần thành lập nhiều điều kiện cần thiết cho việc hứng thú đọc sách. Không nên để trẻ nghĩ rằng đọc là trách nhiệm mà nên để các em nghĩ đó là món quà để không áp lực. Giáo viên cần làm gương, dẫn dắt học sinh đọc sách, cần tạo nền văn hóa đọc trong nhà trường”, cô Allison nói.

Xây dựng văn hóa đọc là việc làm vô cùng cần thiết, sao phải lén lút như kiểu đây là hành vi xấu. Trong ảnh: Học sinh tiểu học tham quan tại thư viện

Làm vì học sinh mà cứ thập thò thì mệt lắm

“Tôi nghĩ rằng nên đưa tiết học về đọc sách vào nhà trường một cách chính thống trong chương trình chính khóa. Mỗi tuần ít nhất có 2 tiết, chứ không nên lén lén lút lút như hiện nay”, ông Hà Thanh Hải nói. Hiệu trưởng này cũng cho biết, bản thân đã từng làm ban giám hiệu một vài trường, khi xây dựng văn hóa đọc nhà trường đều phải lén lút vì lịch học quá kín, phải tranh thủ để thừa tiết học khác ra rồi lén đưa tiết đọc sách vào. Cứ phải lấy giờ khác kéo qua kéo lại. Ông Hải cho hay: “Không biết các trường thế nào, chứ như trường tôi, học sinh bán trú - giờ ăn thì sớm, ngủ thì sớm, mới 10h30 đã lùa các cháu đi ngủ rồi. Đến 13h cho các cháu dậy cố gắng dạy tiết 1, tiết 2, tiết 3 để làm sao đến 16h là kết thúc. 16h ra về sau đó cũng lại lén lén lút lút để tổ chức các lớp kỹ năng, đưa tiết đọc sách vào. Chúng ta làm vì học sinh mà cứ phải thập thò không công khai như thế này thì rất mệt mỏi và trông kỳ cục lắm”.

Bà Lê Ngọc Tường Thanh, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chia sẻ lo lắng, qua dự thảo chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn sắp tới thì có một phần mới là phần đọc mở rộng. Phần đọc mở rộng này đưa ra 3 hướng dẫn mới là đọc hướng dẫn, đọc chia sẻ và đọc độc lập. Và cách đọc hiện hành của chúng ta hiện nay là đọc hướng dẫn trong khi dự thảo của Bộ GD&ĐT có đưa ra đọc mở rộng.

Đọc mở rộng theo hướng dẫn của Bộ thì học sinh lớp 1 phải đọc 20 trang mỗi 1 năm và mỗi trang 90 chữ; học sinh lớp 2 đọc 25 trang 1 năm. “Quy định mới này tôi thấy học sinh phải đọc hơi nhiều, nhưng trong cách dạy đọc mới của Bộ thì tôi thấy có cái hay, đó là thầy cô phải dạy lại cho học sinh đọc một cách đầy đủ, đọc sách thì phải bao gồm đọc tên sách, minh họa trang sách, tên tác giả và nhà xuất bản, năm xuất bản… Với cách hướng dẫn này chúng ta sẽ rèn cho học sinh kiến thức và thói quen về bản quyền sở hữu trí tuệ, biết được nhà xuất bản nào chuyên về thể loại sách gì, tác giả nào gắn với dòng sáng tác nào…, giảng viên Thanh nói.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT TP.HCM cho hay, hiện nay Sở có chỉ đạo, 1 học sinh/1 học kỳ đọc 1 đến 2 quyển sách có hướng dẫn của thầy cô giáo. Thành phố cũng đã có văn bản về phát triển văn hóa đọc trong các trường học, trong đó đề ra một số yêu cầu để các trường xây dựng được thói quen đọc sách cho học sinh, tránh những hoạt động không lành mạnh thâm nhập vào các em. 

 Không biết các trường thế nào, chứ như trường tôi, học sinh bán trú - giờ ăn thì sớm, ngủ thì sớm, mới 10h30 đã lùa các cháu đi ngủ rồi. Đến 13h cho các cháu dậy cố gắng dạy tiết 1, tiết 2, tiết 3 để làm sao đến 16h là kết thúc. 16h ra về sau đó cũng lại lén lén lút lút để tổ chức các lớp kỹ năng, đưa tiết đọc sách vào. Chúng ta làm vì học sinh mà cứ phải thập thò không công khai như thế này thì rất mệt mỏi và trông kỳ cục lắm.

(Ông Hà Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định, quận 7, TP.HCM)

 

 THÙY TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top