Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Cần “làm căng” với người đi bộ vi phạm luật giao thông

Thứ Tư 26/12/2018 | 09:29 GMT+7

VHO- Theo Ủy ban ATGT quốc gia, trong số các vụ tai nạn giao thông đường bộ, có không ít vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến người đi bộ.

 Nhiều người đi bộ băng ngang mặt đường, gây nguy hiểm cho chính bản thân và những người tham gia giao thông

Muôn kiểu vi phạm

Vi phạm phổ biến nhất của người đi bộ khi tham gia giao thông là đi không đúng phần đường, làn đường quy định. Đối với những phố có vỉa hè thì bắt buộc người đi bộ phải đi trên vỉa hè, đối với phố không có vỉa hè thì phải đi sát lòng đường bên phải chiều của người đi bộ. Đối với việc sang đường, phải đi trên phần đường dành cho người đi bộ, đối với nơi có cầu vượt hoặc hầm chui dành cho người đi bộ thì phải đi trên cầu vượt hoặc đi dưới hầm chui. Luật quy định là thế, nhưng thực tế người đi bộ rất hiếm khi đi đúng làn đường, phần đường quy định. Điển hình là việc thoải mái đi bộ dưới lòng đường, dù phố có vỉa hè. Nguy hiểm hơn là người đi bộ sẵn sàng băng sang đường ở bất cứ vị trí nào mà mình muốn.

Có nhiều nơi, có cầu đường bộ hoặc hầm chui nhưng nhiều người vẫn băng ngang mặt đường. Đơn cử như trên đường 70 đoạn trước cổng Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, hằng ngày có một lượng người đi bộ tham gia giao thông rất đông, nên thành phố Hà Nội đã thiết kế một cầu vượt dành cho người đi bộ. Tuy nhiên tại địa điểm này, rất đông người đi bộ là bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân ngang nhiên băng sang đường ngay sát cầu vượt. Vào giờ cao điểm, có tới 4-5 cảnh sát chốt tại điểm này, nhưng người đi bộ vẫn ngang nhiên sang đường sai luật mà không hề bị nhắc nhở.

Trong nhiều trường hợp khác, người đi bộ còn trèo qua dải phân cách để sang đường “cho nhanh”, mà không hề quan tâm đến những mối nguy hiểm đang rình rập bản thân và những người tham gia giao thông khác.

Chưa bị xử lý

Việc người đi bộ vi phạm quy định pháp luật về giao thông đường bộ diễn ra khá phổ biến, có nguyên nhân từ việc họ chưa bao giờ bị xử lý. Khác với những người tham gia giao thông bằng phương tiện như ô tô, xe máy thì việc đi không đúng làn đường, phần đường, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều... đều bị xử phạt, thậm chí số tiền phạt lên tới vài triệu và nhiều trường hợp bị áp dụng biện pháp bổ sung như tạm giữ giấy phép lái xe, tạm giữ phương tiện vi phạm thì người đi bộ hầu như không bị xử phạt gì.

Thực tế cho thấy, những người tham gia giao thông bằng phương tiện được coi là “có tóc” nên dễ bị nắm, còn người đi bộ có thể coi như kẻ “trọc đầu”, vì có thấy họ vi phạm cũng không biết “giữ” gì vì ngoài việc không có phương tiện, họ đưa ra lý do không mang tiền, không mang giấy tờ tuỳ thân cũng coi như “hoà”. Một thực tế nữa là, ngoài những nơi có cầu vượt và đường hầm dành cho người đi bộ khi sang đường thì nhiều tuyến phố hiện nay vỉa hè đang bị chiếm dụng, thậm chí không có vỉa hè nên người đi bộ bị “đẩy xuống đường” tham gia giao thông cùng các phương tiện, rất nguy hiểm.

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là không có biện pháp. Đối với những trường hợp người đi bộ vi phạm, lực lượng chức năng cũng cần “làm căng”, thậm chí xử phạt theo đúng quy định pháp luật để người dân dần ý thức được việc tôn trọng pháp luật. Bên cạnh đó, cần có biện pháp tuyên truyền một cách thường xuyên và kiên trì để người dân “thấm dần”. Về phía chính quyền, nên kiên quyết trả lại vỉa hè cho người đi bộ, bố trí những điểm sang đường hợp lý để người đi bộ không phải đi vòng quá xa.

Người đi bộ vi phạm luật giao thông không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mà còn cản trở giao thông và gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác. Vì vậy, cần phải có biện pháp quyết liệt để chấn chỉnh tình trạng này. 

  Điều 32 - Luật Giao thông Đường bộ quy định, người đi bộ phải tuân thủ các quy tắc giao thông như sau: Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường; Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn; Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ..

 

 HOÀNG HƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top