Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Đó là cách bảo tồn văn hóa truyền thống

Thứ Hai 24/12/2018 | 10:03 GMT+7

VHO- Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc trên vùng đất Tây Nguyên, những năm qua, nhiều địa phương nơi đây luân phiên tổ chức các lễ hội văn hóa dân gian. Qua đó, dân làng - những “chủ nhân” văn hóa có cơ hội thể hiện, truyền dạy, góp phần lưu giữ văn hóa bản địa trước nguy cơ mai một.

 Lễ hội dân gian đang góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống

 Liên tiếp thời gian gần đây, các tỉnh Tây Nguyên luân phiên tổ chức lễ hội văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, trong đó nhiều hoạt động tái hiện lễ hội truyền thống, các nghệ nhân có dịp trổ tài tạc tượng gỗ, dệt thổ cẩm, trình diễn cồng chiêng... Những hoạt động này giúp người dân, “chủ nhân” văn hóa như được trở về với ký ức xưa và thêm tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc.

Tôn vinh giá trị thực thể

Trong không gian văn hóa Tuần lễ hội Văn hóa - Du lịch vừa diễn ra tại TP Kon Tum, già làng A Lễ, dân tộc Xê Đăng, làng Kon Chênh, xã Măng Cành, huyện Kon Plông vui mừng khi được hòa mình trong không gian văn hóa lễ hội thực thụ với ruộng nước, nhà sàn, cây nêu truyền thống, các trò chơi dân gian; tái hiện không gian “mùa giữ rẫy” được tổ chức tại khuôn viên Bảo tàng- thư viện tỉnh Kon Tum. Nét đặc biệt trong không gian này chính là một bản làng thu nhỏ mô tả chi tiết cuộc sống buôn làng Tây Nguyên được tái hiện sinh động. Già A Lễ xúc động nói: Từ làng về phố, nhưng đến đây, thấy nhà sàn, cột nêu, ruộng lúa nước, dân làng cùng biểu diễn cồng chiêng, múa xoang của các thiếu nữ trong trang phục cổ truyền trong nền nhạc là tiếng cồng chiêng của các chàng trai... mình vui lắm, như đang sống trong làng của mình vậy.

Tại sân Bảo tàng tỉnh Kon Tum, chứng kiến nghệ nhân A Xê, 82 tuổi, xã Đăk Ui (huyện Đăk Hà - Kon Tum) và dân làng trình diễn, phục dựng nghề rèn truyền thống của đồng bào Xê Đăng, tôi cùng những người xem không khỏi ngỡ ngàng về cách làm ra công cụ lao động đã được chủ nhân văn hóa gìn giữ hàng trăm năm qua. Bằng kinh nghiệm và các vật dụng của núi rừng, người dân tộc Xê Đăng đã tạo ra bể rèn bằng đất, tre, da thú cùng các nguyên liệu thô sơ với bễ rèn là 2 ống gỗ thụt lấy hơi bằng da thú (da con mang hay da con dê có lông vàng). Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, dân tộc học, đây là một nét văn hóa khá độc đáo khu vực Đông Nam Á hiện chỉ còn ở Việt Nam và Indonesia, riêng nghề rèn truyền thống ở tỉnh Kon Tum đang còn lưu giữ có giá trị đặc biệt và ít nơi biết đến.

Nói về việc lựa chọn các giá trị tiêu biểu các tộc người bản địa tại Kon Tum đang lưu giữ và có nguy cơ mai một, bà Đỗ Thị Thanh Thủy, Giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh Kon Tum cho biết: “Để có không gian trưng bày và triển lãm ấn tượng, đầy sắc màu văn hóa, chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều từ việc chuẩn bị tại nơi diễn ra, về làng mời các nghệ nhân, đến khâu tìm nguyên liệu theo đúng hướng dẫn của chủ nhân văn hóa cần trình diễn. Họ rất vui khi chúng tôi tạo ra một không gian văn hóa đúng nghĩa để họ có thể phô diễn một cách tự nhiên nhất”.

Tiếp nối văn hóa truyền thống

Trực tiếp tham gia hai lễ hội vừa diễn ra tại TP Pleiku (Gia Lai) và TP Kon Tum (Kon Tum), nhiều du khách yêu thích văn hóa Tây Nguyên không khỏi ngỡ ngàng, từ những cây gỗ, qua bàn tay tài nghệ, các nghệ nhân miệt mài đẽo gọt và tạo ra những hình tượng mộc mạc, thô sơ nhưng không kém phần thu hút người xem.

Tại Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018 vừa diễn ra, trong khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai – Kon Tum có 150 nghệ nhân đến từ các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Kon Tum và Gia Lai tham gia trình diễn nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian, đan lát và dệt thổ cẩm. Đứng xem và đi quanh nơi những dân làng vốn quen với việc nương rẫy, nhưng một khi bắt tay vào thực hiện tác phẩm, họ lại trở thành một nghệ nhân thực thụ. Nghệ nhân Rơ Mah HLúp, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai nói: Ở nhà mình làm rẫy, trồng mì, bà con cũng vậy thôi, nhưng được mời tham gia lễ hội lớn ai cũng muốn đi để dệt thổ cẩm, đan gùi, con trai có tài thì tạc tượng gỗ cho đẹp. Dân làng mình ai cũng vui mừng. Là “chủ nhân” văn hóa, đời sống tín ngưỡng gắn với họ từ lúc chào đời đến khi về với Yang; do vậy, trong nghi lễ cuối cùng của mỗi người luôn được đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên xem trọng, nhiều nơi chọn cách tạc tượng gỗ với nhiều tâm trạng chung với người đã khuất. Ngày nay, nét văn hóa này dù có phần mai một nhưng vẫn được dân làng lưu giữ và truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Trong không gian nghệ thuật vừa diễn ra TP Kon Tum, với chủ đề “Sắc thắm Pơ Lang” tỉnh Kon Tum đã cố gắng lựa chọn nét văn hóa tiêu biểu của địa phương giới thiệu với du khách gần xa, trong đó, tượng gỗ được lựa chọn như là một loại hình dân gian không thể thiếu trong vòng đời của người Tây Nguyên. Tại làng Kon Klor (phường Thắng Lợi, TP Kon Tum) nơi được chọn tổ chức phần trình diễn tạc tượng gỗ, 28 nghệ nhân của 15 đơn vị miệt mài trổ tài thể hiện tác phẩm tượng gỗ độc đáo trên thân gỗ to lớn. Được mời tham gia thực hiện tác phẩm trên thân gỗ, hai nghệ nhân của tỉnh Gia Lai, Đinh Bliul, dân tộc Ba Na, xã Ia Khươl và anh Ksor Krô, dân tộc Jrai đến từ xã Ia Ka cùng thực hiện cặp tác phẩm đôi nam nữ được thể hiện chi tiết tính phồn thực. Hình tượng này thường được dân làng ở huyện Chư Pah thể hiện trong những nghi lễ quan trọng trong đời người.

Một tín hiệu vui trong việc truyền dạy, tiếp nối văn hóa dân gian đang dần mai một, đó là có một bộ phận thế hệ trẻ say mê với văn hóa của dân tộc. Tại lễ hội diễn ra TP Kon Tum, A Hậu, 13 tuổi, dân tộc Ba Na, thôn 7, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy dù vẫn còn đi học nhưng cháu luôn có mặt để xem các ông, chú thể hiện tác phẩm tượng gỗ và nay cháu đã tự thể hiện nhiều hình tượng. Vui mừng khi thể hiện tác phẩm tượng gỗ cùng những nghệ nhân gạo cội, A Hậu nói: Khi thấy ba và các chú điêu khắc tượng gỗ cháu thích lắm nên xin học. Tại lễ hội lần này, đây là lần đầu cháu tham gia liên hoan tạc tượng gỗ dân gian. Cháu rất vui vì tác phẩm của mình được các chú khen, qua đây cháu có thêm kinh nghiệm để học và thể hiện tác phẩm lần sau.

Thông qua hoạt động văn hóa, lễ hội, các nghệ nhân, già làng ngoài việc trổ tài, phát huy văn hóa truyền thống, họ còn có cơ hội truyền dạy thế hệ tiếp nối, góp phần lưu giữ giá trị văn hóa di sản trong dòng chảy hội nhập. 

 NGUYỄN GIÁC

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top