Hội thảo về Xã hội hoá các hoạt động văn học nghệ thuật: Sẽ nhìn thẳng vào những bất cập

VHO- Tại buổi họp báo giới thiệu về Hội thảo “Nhìn lại quá trình xã hội hoá các hoạt động văn học, nghệ thuật ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay”, ông Phan Đình Tân, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình VH-NT Trung ương khẳng định: “Xã hội hoá các hoạt động VH-NT là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm không chỉ các đại biểu mà còn của những người quan tâm đến nền văn học, nghệ thuật nước nhà”.

Hội thảo về Xã hội hoá các hoạt động văn học nghệ thuật: Sẽ nhìn thẳng vào những bất cập - Anh 1

 Ông Phan Đình Tân, Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình VH-NT Trung ương chủ trì cuộc họp báo

 Hội thảo sẽ được tổ chức hôm nay 19.12 với sự tham gia của hơn 250 đại biểu với sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Ban, Bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội, thành viên Hội đồng Lý luận, phê bình VH-NT Trung ương. Hiện Ban tổ chức đã nhận được 67 tham luận của các tác giả đề cập tới tất cả các lĩnh vực VH-NT.

Ông Phan Đình Tân cho biết, trong hơn 20 năm triển khai các hoạt động xã hội hóa đã có những thành công nhất định như trong lĩnh vực điện ảnh hay âm nhạc. Nhiều bộ phim từ các hãng phim tư nhân xây dựng được đầu tư thích đáng và đoạt giải cao trên trường quốc tế. Bộ VHTTDL có 12 Nhà hát, trong đó có những nhà hát hết sức thành công với doanh thu biểu diễn cao, vừa nâng được đời sống cho cán bộ nhân viên, vừa tăng được chuyên môn. Song bên cạnh đó cũng có những nhà hát còn rất khó khăn như tuồng, chèo, cải lương hay những lĩnh vực rất khó xã hội hóa như văn học.

Ngoài ra, một vấn đề sẽ được mang ra “mổ xẻ” tại Hội thảo là việc vẫn còn những cách hiểu sai lệch, tư tưởng bảo thủ, quan liêu bao cấp dẫn đến việc tự tung tự tác và làm sai mục đích của xã hội hóa VH-NT.

Hội thảo về Xã hội hoá các hoạt động văn học nghệ thuật: Sẽ nhìn thẳng vào những bất cập - Anh 2

 Một trích đoạn tuồng của Nhà hát Tuồng Việt Nam: Với các loại hình nghệ thuật như Tuồng, Chèo, Cải lương rất khó để thực hiện xã hội hoá

“Chủ trương xã hội hóa là động lực để thúc đẩy sự phát triển của đất nước qua việc phát huy tối đa nguồn lực của xã hội. Song đâu đó đang có cách hiểu sai lệch, tự tung tự tác và lợi ích cá nhân. Có những người biến cơ quan thành gia đình, biến tài sản của Nhà nước thành của một nhóm người. Có những cơ quan quản lý Nhà nước buông lỏng quản lý. Khi xảy ra vấn đề mới tìm cách che chắn, chống chế. Tư tưởng bảo thủ, quan liêu bao cấp vẫn còn đó”, ông Phan Đình Tân nói. Bên cạnh đó, ông Tân cũng cho rằng qua thực tiễn các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật truyền thống như Tuồng, Chèo, Cải lương nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước mà cứ thực hiện xã hội hoá như các loại hình khác thì sẽ khó có thể phát triển toàn diện.

Đó là những lý do cấp thiết để tổ chức Hội thảo nhìn lại việc xã hội hóa. Hội thảo hướng tới 3 mục tiêu chủ yếu: Đánh giá tác động của chủ trương xã hội hóa đến thực tiễn văn học, nghệ thuật trên tất cả các phương diện từ tổ chức, quản lý đến đầu tư, sáng tạo, giao lưu và quảng bá văn học, nghệ thuật từ khi ban hành chủ trương đến nay; Phân tích thực tiễn, chỉ ra những thành công và hạn chế của chủ trương trên từng lĩnh vực VH-NT cụ thể; nêu và lý giải các hiện tượng, các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn xã hội hoá các hoạt động VH-NT; tổng kết và đúc rút các bài học kinh nghiệm; Đề xuất các kiến nghị, giải pháp tiếp tục hoàn thiện chủ trương, cơ chế chính sách xã hội hóa và dự báo xu hướng, vận động, phát triển VH-NT trong thời kỳ tiếp theo.

“Trên cơ sở các tham luận, các ý kiến đánh giá phân tích và các kiến nghị, đề xuất các giải pháp đặt ra từ hội thảo, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương sẽ tư vấn cho Đảng, Nhà nước tiếp tục chỉ đạo vấn đề quan trọng này, góp phần phát triển lĩnh vực VH-NT Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới”, ông Tân khẳng định. 

HIỀN LƯƠNG

 

Ý kiến bạn đọc