Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Người chuyển giới: Cần sự nhân văn và được pháp luật bảo vệ. Bài 1: Bi kịch hay vấn đề cần giải quyết?

Chủ Nhật 28/10/2018 | 17:26 GMT+7


VHO- Dù người chuyển giới chưa được pháp luật thừa nhận nhưng họ vẫn tồn tại trong xã hội, và chịu sự kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc bạo lực trong gia đình, xã hội. Thiếu sự bảo vệ của pháp luật, họ trở thành một trong những nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.
 

Jessica chịu nhiều kỳ thị của xã hội 

Bị kỳ thị và bạo hành
Sinh ra là con gái nhưng Linh (Phú Thọ) biết mình không phải là con gái mà là con trai mới đúng. Qua tìm hiểu Linh biết được mình là người chuyển giới nữ sang nam, và Linh tìm hiểu, tự tiêm hoóc môn để ngực không phát triển, thay vào đó là một vóc dáng cao to, tóc cứng, giọng nói ồm ồm...

Linh từng là sinh viên trường CĐ Du lịch HN, để được sống với chính bản dạng giới của mình, Linh cũng thường xuyên phải chịu đựng những lời miệt thị như vậy từ bạn bè, thầy cô giáo... "Nhiều thầy cô lấy em ra để châm chọc. Thầy cô hỏi trước cả lớp là bạn này là nam hay nữ để xin nhà trường giấy đi khám lại, chứ để một sinh viên thế này sẽ rất ảnh hưởng tới các bạn. Em đã đứng lên trước lớp và nói rằng em như thế này là điều em không mong muốn, nhưng em cũng đi học và em cũng tu dưỡng đạo đức như các bạn khác, em không làm điều gì sai trái cả" - Linh ngậm ngùi kể. Không những thế, có lần thầy cô đã kéo mạnh Linh và đuổi ra khỏi phòng thi chỉ vì em không giống các bạn, lớp trưởng phải đứng ra xin Linh mới được vào thi. 

Với Jessica (tên thật là Nguyễn Hữu Toàn- TP HCM) điều đau đớn nhất và suốt đời không quên là một cán bộ khám tuyển nghĩa vụ quân sự nhìn cô chằm chằm hỏi: "Ba mẹ ăn gì mà đẻ ra mày bê-đê như vậy". Lúc đó Toàn đã biết mình là người chuyển giới nam sang nữ và đã tiêm hooc môn, ngực bắt đầu phát triển, do đó cán bộ khám tuyển nghĩa vụ quân sự ghi vào hồ sơ là "dị tật tuyến vú" nhưng cũng không cho cô về mà bắt cô ở lại đợi đến người cuối cùng, chịu đựng những ánh mắt chế giễu cười cợt, dè bỉu của những người xung quanh.

Sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người chuyển giới không chỉ xảy ra ở ngoài xã hội mà ngay ở trong gia đình. Quan niệm phổ biến của các bậc phụ huynh thường cho rằng đó là "bệnh hoạn" hoặc "a dua học đòi" vì vậy phản ứng của gia đình là phản đối, và mong một ngày nào đó con sẽ trở lại đúng với giới tính mà bố mẹ sinh ra. 

Lịch (người chuyển giới nam – Hà Nội) chia sẻ hai lần anh bộc lộ giới tính thật của mình là hai lần bị bố đánh cho một trận tơi bời. Lần đầu tiên khi Lịch học cấp II, bố đưa anh đi khám và bác sĩ nói anh còn nhỏ, đợi thêm một thời gian có khi sẽ nữ tính trở lại. Lần thứ hai, bác sĩ khuyên Lịch "quan hệ" với một người nam để gợi cảm giác, sau đó dần dần sẽ trở về với giới tính nữ của mình. Sau những lần đó Lịch tự nhủ sẽ học thật giỏi để từ đó khẳng định với gia đình. Và Lịch đã đỗ thủ khoa khi thi vào ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, ra trường làm việc tại công ty gia đình. Trong một lần tranh luận giữa hai mẹ con, mẹ Lịch đã quát lên: "Mẹ không cần con giỏi, mẹ chỉ cần con bình thường, nếu bình thường con mới gặp khách hàng được, nếu không công ty sẽ mất hết đối tác”…

Khó khăn vì giấy tờ ghi nam nhưng người lại là nữ

Hiện nay, hệ thống pháp luật đang thiếu hành lang pháp lý bảo vệ người chuyển giới khiến họ đang chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống: khó khăn khi xin việc, thực hiện các thủ tục pháp lý vì tên không hợp người, không được chăm sóc sức khỏe...

Jessica may mắn hơn một số người chuyển giới khác vì tuy không có bằng cấp nhưng có công việc và thu nhập ổn định, hiện đang làm chủ một cửa hàng trang điểm và làm tóc. Nhưng trước khi đi phẫu thuật chuyển giới tính tại Thái Lan, Jessica cũng có những giai đoạn thăng trầm để kiếm sống. Cô phải đi hát đám cưới, đám ma và "làm gái"... Ngày mới vào nghề, Jessica bị công an "sờ gáy" liên tục, bị tịch thu đồ nghề vì không có "giấy phép hành nghề", sau này được các cơ quan cấp phép xếp vào nhóm người khuyết tật nên công việc mới dễ dàng hơn. Tuy vậy, liên quan đến giấy tờ tùy thân thì đi đâu Jessica cũng không được chấp nhận bởi các loại giấy tờ đều ghi là giới tính "Nam" nhưng thực tế dáng vóc hiện tại lại là nữ hoàn toàn. "Luật pháp VN chưa cho phép đổi giới tính, nên em phải đổi tên trong giấy tờ tùy thân thành Nguyễn Tố An - tách ra từ tên Toàn, vì khi nghe tên thì làm việc gì em cũng bị xếp vào đội nam" - Jessica chia sẻ.

Nhiều bạn trẻ chuyển giới chấp nhận sự kỳ thị để được sống là “chính mình”

Cũng cùng khó khăn như Jessica, Vivian Trần (TPHCM) cho biết giờ cô không biết làm thế nào để được hưởng chế độ BHXH vì hồ sơ của cơ quan BHXH là nam nhưng giờ cô đã phẫu thuật thành nữ rồi. Không chỉ khó khăn trong các thủ tục hành chính, giấy tờ tùy thân mà những người chuyển giới cũng đang phải chịu rủi ro về sức khỏe. Điều 4 Nghị định 88/2008/NĐ-CP quy định cấm "Thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính" nên người chuyển giới muốn phẫu thuật chuyển giới tính phải ra nước ngoài, đồng thời cũng không có cơ sở y tế nào thực hiện việc khám, tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho người chuyển giới. "Bọn em phải truyền miệng nhau loại hooc môn và tự chích hooc môn cho mình bởi không một y tá nào đồng ý tiêm cho bọn em" - Nguyên (chuyển giới nam - Hà Nội) cho biết. Hậu quả của việc tự tiêm và dùng hoóc môn  không được hướng dẫn khiến nhiều người chuyển giới bị sốc, thậm chí đe dọa tới tính mạng.

Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế & Môi trường (iSEE) đã thực hiện nhiều nghiên cứu về cộng đồng người chuyển giới khẳng định: Dù người chuyển giới chưa được pháp luật thừa nhận nhưng họ vẫn tồn tại trong xã hội, sự kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo lực trong gia đình, xã hội khiến nhiều người chuyển giới bị trầm cảm, dẫn đến ý định tự tử hoặc đã tự tử. "Nhiều người chuyển giới dường như đang sống ngoài vòng pháp luật, do không có chứng minh thư, không sử dụng tên khai sinh và không được thừa nhận giới tính thực tế sau phẫu thuật. Thiếu sự bảo vệ của pháp luật, họ trở thành một trong những nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Đã đến lúc nhìn nhận đây là bi kịch hay là vấn đề cần giải quyết để bảo vệ quyền chính đáng của người chuyển giới trên cả phương diện pháp lý và trong đời sống thực tế.

 Thảo Lam

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top