Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

​​​​​​​Ngăn chặn nạn giả mạo trong công chứng: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Thứ Hai 15/10/2018 | 10:52 GMT+7

VHO- Thời gian gần đây, một số đối tượng đã giả mạo giấy tờ, làm giả con dấu hoặc giả mạo người khác để đến các cơ sở công chứng, chứng thực để thực hiện chứng thực các bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, công chứng các hợp đồng… nhằm mục đích lừa đảo hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác. Đây là hành vi không chỉ gây thiệt hại về tiền và tài sản cho các cá nhân mà còn gây nguy hại cho xã hội.

 Người dân làm thủ tục công chứng Ảnh: K.P

Thủ đoạn tinh vi

Việc giả mạo phổ biến nhất là giả mạo giấy tờ, hồ sơ để mang đi công chứng, chứng thực. Với việc sử dụng công nghệ cao trong in ấn hiện nay, nhiều văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ tùy thân như bằng tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, chứng chỉ đào tạo của các trung tâm đào tạo, giấy chứng minh nhân dân… đều được làm giả một cách rất tinh vi. Thậm chí, có những loại giấy tờ gắn liền với tài sản có giá trị lớn như giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu (Giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng nhà, đất, Hợp đồng mua bán căn hộ, Đăng ký ô tô, xe máy) cũng được làm giả như thật. Có những trường hợp giấy tờ giả nhưng được làm bằng phôi thật, chữ ký và con dấu giả nhưng các thông tin trong giấy tờ hoàn toàn trùng hợp với thông tin giao dịch trước đó (ví dụ một sổ đỏ nhưng làm giả thành 3 sổ, thông tin hoàn toàn trùng khớp với sổ đỏ thật và đi giao dịch nhiều nơi).

Đó là những trường hợp tạo ra các giấy tờ giả mạo hoàn toàn để đi công chứng. Trường hợp khác, các đối tượng mang chính giấy tờ thật nhưng không có giá trị pháp lý ở thời điểm sử dụng đi công chứng như công chứng hợp đồng cho người đã chết, công chứng hợp đồng mua bán nhà đất đối với Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất không còn giá trị, công chứng hợp đồng mua bán nhà đối với tài sản đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn giao dịch, công chứng hợp đồng mua bán 02 lần đối với một tài sản…

Ngoài giả mạo giấy tờ để đi công chứng, các đối tượng còn giả mạo chủ thể (dùng người giả tham gia hợp đồng công chứng). Nhiều trường hợp sổ đỏ đứng tên hai vợ chồng, nhưng khi đến ký thì chỉ một trong hai người là chủ sở hữu thật, người còn lại là người giả danh vợ/chồng của chủ sở hữu. Trường hợp khác là con cái thuê người giả mạo bố mẹ già cả để đi công chứng hợp đồng ủy quyền, tặng cho,…

Hạn chế giao dịch bên ngoài

Theo bà Phạm Thu Hằng, Trưởng văn phòng công chứng Phạm Thu Hằng thì hiện nay, việc phát hiện các văn bản, giấy tờ giả mạo mà các đối tượng mang đến công chứng đều phụ thuộc vào các công chứng viên. Với trường hợp giấy tờ giả mạo thì công chứng viên bắt buộc phải trau dồi kỹ năng xem xét con dấu, chữ ký thật. Khi tiếp nhận hồ sơ công chứng, công chứng viên cần phải xem thông tin trong các giấy tờ trên có khớp nhau không. Đối với những hợp đồng giao dịch đã được xác lập để dẫn đến giao dịch sau (ví dụ như Hợp đồng ủy quyền, Văn bản khai nhận di sản thừa kế, Văn bản thỏa thuận tài sản riêng của vợ chồng, Hợp đồng tặng cho…) thì công chứng viên có thể yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình các văn bản để đối chiếu hoặc kiểm tra để khớp với thông tin trên giấy tờ của những giao dịch sau. Tuy nhiên, đối với các Giấy tờ do Nhà nước cấp (như Sổ đỏ, Đăng ký xe hoặc Chứng minh nhân dân) để khẳng định 100% đó là thật hay giả thì không có công chứng viên nào dám chắc chắn.

Chính vì vậy, để hạn chế một cách tối đa việc công chứng các giấy tờ giả mạo, hoặc công chứng nhầm chủ thể thì các văn phòng công chứng và các công chứng viên cần phải hạn chế các giao dịch ký ngoài trụ sở tổ chức hành nghề công chứng. Thực tế cho thấy, khi có sự giả mạo về hồ sơ, các đối tượng rất ít khi ký tại trụ sở mà thường yêu cầu ký tại nhà riêng hoặc ngoài trụ sở tổ chức hành nghề công chứng. Do đó, với những giao dịch ký ngoài trụ sở, các công chứng viên cần kiểm tra rất kỹ lưỡng hồ sơ, đối chiếu bản chính, đối chiếu người theo các giấy tờ tùy thân.

Bà Phạm Thu Hằng cũng cho rằng, cần phải tìm hiểu thêm về người yêu cầu công chứng bằng cách hỏi thêm về nhân thân có liên quan xem họ có trả lời thoải mái không. “Tôi đã từng gặp trường hợp khi ký tên, họ lật trang đầu của văn bản để đọc, đó không phải là phản ứng của người viết tên mình, nhờ đó phát hiện ra người giả”, bà Hằng chia sẻ.

Ngoài kinh nghiệm và kiến thức hành nghề, các công chứng viên cũng cần sử dụng các công cụ hỗ trợ trong khi kiểm chứng văn bản, giấy tờ cần công chứng như: sử dụng máy soi, kính lúp để quan sát kỹ giấy tờ, tra cứu các mạng thông tin nội bộ, thông tin giữa các tổ chức hành nghề công chứng, Sở tư pháp. Đặc biệt, văn phòng công chứng và công chứng viên khi xác định có dấu hiệu nghi vấn, phải liên hệ với các cơ quan, tổ chức nơi cấp giấy tờ để xác minh.

Một giấy tờ giả mạo khi đã được đóng dấu công chứng, sẽ có giá trị pháp lý và các đối tượng sử dụng giấy tờ này sẽ thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật như dùng văn bằng chứng chỉ để nộp hồ sơ đi học, thi tuyển hoặc bổ nhiệm; dùng các hợp đồng giả đã được công chứng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác. Chính vì vậy, ngoài việc các văn phòng công chứng và công chứng viên phải tự trau dồi và nâng cao nghiệp vụ thì việc ngăn chặn các hành vi làm giả giấy tờ là vô cùng quan trọng. Mặt khác, các cơ quan, tổ chức khi tiếp nhận các hồ sơ, giấy tờ công chứng hoặc các cá nhân khi tham gia các giao dịch bằng các hợp đồng công chứng, cần yêu cầu bản chính để so sánh. Đặc biệt, đối với các giao dịch hợp đồng có giá trị lớn, cần phải xác minh kỹ thông qua các kênh thông tin như khu phố, tổ dân phố, cư dân xung quanh để không rơi vào cảnh “mất bò mới lo làm chuồng”. 

Hoàng Hương

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top