Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Bạo lực học đường đang diễn biến phức tạp

Thứ Sáu 12/10/2018 | 09:38 GMT+7

VHO- Hiện nay, bạo lực học đường (BLHĐ) đang diễn biến ngày càng phức tạp. Công tác phòng chống BLHĐ vẫn còn nhiều bất cập, các giải pháp như đã thực hiện trong thời gian qua là chưa hiệu quả. Đó là ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo phòng, chống BLHĐ, vi phạm pháp luật trong các cơ sở giáo dục phổ thông khu vực phía Nam do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 10.10 vừa qua tại TP.HCM.

 Một phụ huynh bày tỏ lo lắng về tình trạng BLHĐ hiện nay

 

 Ngành Giáo dục chưa nắm số liệu chính xác về BLHĐ

Theo Bộ GD&ĐT, sau gần 1 năm triển khai Nghị định 80 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống BLHĐ trên cơ sở khảo sát của ngành Công an và ngành Giáo dục cho thấy, có tình trạng ngành Giáo dục không nắm được số liệu chính xác. Mỗi Sở báo cáo lên Bộ có vài chục vụ, tính ra cả nước chỉ vài trăm vụ nhưng trong khi ngành Công an vào cuộc thì số liệu rất lớn. Tổng số vụ mà ngành Công an ghi nhận được là trên 2.000 vụ/năm, trong đó có đến 53% vụ bạo lực xảy ra trong trường học. Ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) nói rằng, thời điểm này qua khảo sát cùng ngành Công an và nắm tình hình cho thấy BLHĐ đang diễn biến phức tạp, vì thế cần thiết phải trao đổi, bàn bạc với các địa phương, phối hợp với các ngành, các cấp cùng tìm các giải pháp phòng chống tình trạng BLHĐ trong các trường học. “Khảo sát từ năm 2011 đến 2018 thấy có chiều hướng gia tăng các vụ BLHĐ, rất nhiều giải pháp được đưa ra nhưng vẫn chưa hạn chế được. Qua khảo sát cho thấy cần giải quyết nhóm đối tượng từ gốc trong nhà trường. Theo đó, nhà trường cần phân nhóm: nhóm có nguy cơ gây bạo lực và nhóm bị bạo lực để tìm cách giải quyết tận gốc”, ông Dương Văn Bá cho biết.

Bộ GD&ĐT cũng lưu ý các cơ sở giáo dục trong việc xác định các vụ BLHĐ. Theo đó, cần xác định cụ thể học sinh gây ra ở đâu? Nếu ngoài xã hội, ngoài khu phố, địa phương thì chính quyền chịu trách nhiệm, còn nếu coi đó cũng là vụ BLHĐ thì trách nhiệm thuộc hiệu trưởng. “Nếu xảy ra cách trường 3 cây số thì có gọi là BLHĐ? Trước đây chúng ta coi như vậy, nhưng thực sự đây không phải chỉ có trách nhiệm ở nhà trường, khi xảy ra sự cố thì phải gọi địa phương để xử lý. Chính vì thế tại Nghị định 80 ban hành mới đây, chúng tôi đã phải đấu tranh mới quy định khi xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập thì mới gọi là BLHĐ, quy định tại khoản 5 Điều 2 của Nghị định này”, đại diện Bộ GD&ĐT cho hay.

Lực lượng bảo vệ các trường còn quá “mỏng”

Một trong những khó khăn hiện nay tại các cơ sở giáo dục là lực lượng đảm bảo an ninh trật tự trong các trường học như giám thị, bảo vệ, tổ quản lý học sinh còn quá “mỏng”, khó đảm đương công việc an toàn trong các nhà trường. Ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp cho rằng, một số trường học xảy ra tình trạng không an toàn nhưng kinh phí để thuê mướn bảo vệ thì giao cho trường lấy từ kinh phí chi thường xuyên nên nếu thuê hai bảo vệ thì không có tiền trả, mà thuê một người rồi để trực suốt thì vi phạm luật lao động. Cùng băn khoăn về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang Nguyễn Phương Toàn cho hay, toàn tỉnh Tiền Giang cần khoảng 1.600 người với kinh phí chi trả khoảng 63 tỉ đồng/năm nhưng không được giao biên chế nên phải sử dụng ngân sách chi thường xuyên, do đó lực lượng rất ít vì các trường không có tiền thuê. Đáng lưu ý là có trường có đến 90 lớp, số lượng học sinh đông nên nguy cơ thiếu an toàn luôn trực chờ. Có trường thì có giải pháp thuê vệ sĩ nhưng kinh phí chi trả khó khăn. Thật sự mà nói các trường đang bế tắc trong các vấn đề liên quan đến trật tự an toàn trong nhà trường”.

Cần nhanh chóng đưa văn hóa ứng xử vào trường học

Băn khoăn tình trạng BLHĐ trong học sinh, ông Lê Phú Trí, phụ huynh học sinh Trường THCS Hồng Bàng, quận 5, TP.HCM cho hay, một số cháu sử dụng mạng xã hội thiếu văn hóa, đó là một trong những nguy cơ chính dẫn đến BLHĐ. Do vậy, nhà trường cần tổ chức các buổi giao lưu với tấm gương người tốt việc tốt; tổ chức các chuyên đề nói chuyện văn hóa khi tham gia mạng xã hội, xây dựng bộ quy tắc ứng xử thật ngắn gọn, dễ nhớ về mối quan hệ giữa các thành viên trong nhà trường, kể cả với phụ huynh, cần có bộ rèn luyện kỹ năng ứng xử với học sinh, kể cả giáo viên. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Yên, Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương, quận 5, TP.HCM bày tỏ, mọi người thường hay nghĩ chỉ có đánh nhau trong nhà trường mới gọi là BLHĐ, nhưng thực ra những lời nói nặng nề cũng là biểu hiện của BLHĐ, sự áp đặt của nhà trường nằm ngoài nội quy, gây khó chịu cho phụ huynh, học sinh cũng là biểu hiện của BLHĐ. Do đó cần xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, để tạo môi trường thân thiện để học sinh nhận thấy trường học cũng là nơi an toàn.

Ông Võ Bình Thư, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang nói rằng: “Tôi biết Bộ GD&ĐT đang xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường, dự kiến triển khai vào năm 2020 nhưng trước tình trạng BLHĐ như hiện nay, tôi nghĩ nên triển khai sớm hơn”. Ông Võ Bình Thư cho rằng, cái khó hiện nay khi xử lý các vụ bạo lực, chúng ta chỉ dựa vào các quy định nhưng lại chưa có cơ sở pháp lý. Bộ đang xây dựng đề án văn hóa ứng xử nhưng chưa có chế tài kỷ luật. “Có trường hợp là khi có bạo lực xảy ra, hiệu trưởng điện thoại công an xã nhưng anh công an đến rất chậm, khi đến là để lập biên bản khi sự việc đã rồi, vấn đề này gây bức xúc rất lớn ở các cơ sở giáo dục tại An Giang”, ông Thư nói. 

 THÙY TRANG

 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top