Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi): Nhiều quy định vẫn rất chung chung

Thứ Tư 03/10/2018 | 09:59 GMT+7

VH- Tại Hội thảo góp ý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) do Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hôm qua 2.10, nhiều ý kiến tập trung bàn luận về chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa, quy định cấm giáo viên dạy thêm… Phần lớn các đại biểu cho rằng, nội dung dự thảo luật vẫn chung chung và còn nhiều bất cập.

 Luật sư Trương Thị Hòa góp ý tại hội thảo

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM băn khoăn cho rằng, Luật Giáo dục sửa đổi vẫn còn quá nhiều điều (hơn 26 điều) giao cho Chính phủ và Bộ GD&ĐT quy định.

“Các tính chất, nguyên lý, khái niệm trong Luật Giáo dục sửa đổi nên nói thực chất và “nhuyễn” hơn nữa cho dễ hiểu. Cái gì quy định được thì nên quy định rõ ràng ngay trong luật, chứ nếu nội dung cứ chung chung, nguyên lý giáo dục còn khó hiểu, dông dài thì rất khó thực hiện. Chủ trương đổi mới nhiều nhưng chưa làm được bao nhiêu, vẫn còn cách học tầm chương, học thuộc lòng. Do đó, có những vấn đề đã nhìn thấy từ rất lâu nhưng nếu không nói mạnh hơn, quy định rõ ràng vẫn không hiệu quả”, bà Phạm Phương Thảo bày tỏ.

Đồng quan điểm này, bà Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP khẳng định, Luật Giáo dục sửa đổi chưa có nhiều đổi mới, chưa thấy được dấu ấn kiến trúc riêng. Riêng quy định về một số hành vi nghiêm cấm giáo viên không được phép làm, trong đó ghi rõ một số hành vi như ép học sinh học thêm để thu tiền là vấn đề cần suy nghĩ lại. Theo luật sư Hòa, không nên đưa vào luật những hiện tượng không phổ biến, vốn chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, nếu đưa vào luật đọc lên nghe rất chạnh lòng.

Ông Huỳnh Văn Sáu, nguyên giảng viên ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết, rất băn khoăn Điều 29 trong dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định về chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa. Theo đó, ở khoản 4 quy định Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định cụ thể tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa; quy định lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông… “Tôi cho rằng đối với sách, tự hội đồng khoa học của trường sẽ quyết định. Chương trình giáo dục phổ thông cũng không nên để tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt, mà nên để cho các sở, các trường tự quyết. Điều này nhằm tránh tính độc quyền đồng thời khai thác được tiềm năng của các địa phương”, ông Sáu bày tỏ.

Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, trong phần quy định vị trí, vai trò của nhà giáo cần định nghĩa thêm nhà giáo ngoài những người trực tiếp làm công tác giảng dạy còn có những quản lý trong các cơ sở giáo dục, hiệu trưởng, cán bộ phòng, Sở. “Trên thực tế, hiện nay hiệu trưởng cơ sở giáo dục vẫn tham gia giảng dạy hoặc hiệu trưởng hết nhiệm kỳ quay về làm công tác giảng dạy. Vì vậy nếu chỉ quy định nhà giáo là những người trực tiếp làm công tác giảng dạy sẽ gây thiệt thòi cho các thầy, cô, vì như vậy hiệu trưởng không được hưởng các điều ưu đãi như nhà giáo, quy định như vậy là rất bất cập, không thuyết phục, đó là lý do vì sao nhiều nhà giáo rất ngại khi “bị” phân công lên làm lãnh đạo”, ông Hiếu nêu ý kiến.

Riêng về quy định tiêu chuẩn sĩ số học sinh/lớp, ông Nguyễn Văn Hiếu cho rằng quy định sĩ số học sinh hiện nay từ 35-45 học sinh nhưng không có cơ chế nào đảm bảo thực hiện được. Vì nếu nói thế thì Hà Nội và TP.HCM đang làm sai luật, hiện bậc tiểu học từ 42-60 học sinh/lớp.

Các ý kiến cũng đề xuất cần đào tạo thêm lĩnh vực ngôn ngữ cho trẻ mầm non. Hiệu trưởng của một trường mầm non đặt câu hỏi, vì sao Luật cũ và Luật sửa đổi này cũng không đưa nội dung đào tạo ngôn ngữ cho trẻ. “Đây là lĩnh vực đặc biệt quan trọng đối với trẻ em, đặc biệt là hiện nay trẻ em bị rối loạn ngôn ngữ rất nhiều. Nếu không đưa vào thì các nhà thực hiện chương trình hoặc giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non ít để ý đến giáo dục ngôn ngữ cho trẻ. Ngôn ngữ không chỉ thông qua nghe nói mà còn là những câu chuyện, dân ca,…”, vị hiệu trưởng này nói. Các đại biểu cũng cho rằng cần xem lại cách đào tạo sư phạm mầm non hiện nay, trong điều kiện thiếu giáo viên nên việc tuyển sinh và đào tạo có dễ dãi, liên thông cũng dễ, điều này ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục trẻ, nạn bạo hành như trong thời gian qua.

Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi qua nhiều lần góp ý, sửa đổi đến nay có hai điểm mới đáng ghi nhận. Đó là chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trường THCS công lập, hỗ trợ đóng học phí cho trẻ thuộc diện phổ cập đang theo học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập và quy định về nâng chuẩn đối với giáo viên mầm non và tiểu học. 

 ​Cái gì quy định được thì nên quy định rõ ràng ngay trong luật, chứ nếu nội dung cứ chung chung, nguyên lý giáo dục còn khó hiểu, dông dài thì rất khó thực hiện. Chủ trương đổi mới nhiều nhưng chưa làm được bao nhiêu, vẫn còn cách học tầm chương, học thuộc lòng. Do đó, có những vấn đề đã nhìn thấy từ rất lâu nhưng nếu không nói mạnh hơn, quy định rõ ràng vẫn không hiệu quả.

(Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM)

 

 T.TRANG

 

 

Print
Tags:

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top