Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

TP.HCM: Nguy cơ bùng phát bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết

Thứ Sáu 28/09/2018 | 09:39 GMT+7

VH- Hiện nay bên cạnh dịch sốt xuất huyết thì bệnh tay chân miệng đang gia tăng đột biến tại TP.HCM. Cả hai bệnh này đều chưa có vắc xin phòng ngừa nên việc phòng bệnh đều phụ thuộc vào ý thức tự giác của mỗi người.

 Đã có nhiều trường hợp mắc tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 phải thở máy và lọc máu

Theo Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, hiện đang trong giai đoạn cao điểm hằng năm của bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng. Đối với bệnh sốt xuất huyết, kết quả giám sát dịch tễ cho thấy trong những tuần qua, số ca mắc bệnh nhập viện tương đương với năm 2017. Tuy nhiên, hiện tại vẫn xuất hiện các cơn mưa vào buổi chiều, đây là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh sốt xuất huyết có thể lây lan.

Riêng bệnh tay chân miệng, từ đầu tháng đến nay, số trẻ mắc bệnh này tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố tăng đột biến. Trong đó số trẻ mắc bệnh tay chân miệng do virus Ev 71 chiếm gần 50%, đặc biệt virus Ev 71 là virus có độc lực mạnh, lây lan rất nhanh và diễn tiến nặng. Số liệu Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM cho thấy, số ca mắc tay chân miệng trung bình trong những tuần gần đây khoảng 286 ca, tăng 47% so với 4 tuần trước đó. Từ đầu năm đến nay toàn thành phố đã có 3.195 ca mắc tay chân miệng.

Tại khoa Nhiễm thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, những tuần gần đây số trẻ mắc tay chân miệng nhập viện điều trị tăng mạnh, trong đó có nhiều ca nặng phải thở máy và lọc máu. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, bệnh tay chân miệng mới chỉ tăng đột biến trong khoảng 3 tuần gần đây, chỉ riêng trong ngày 24.9 khoa Nhiễm đã tiếp nhận và điều trị cho 222 ca mắc bệnh, trong đó có 10 trường hợp nặng phải sử dụng máy thở và 5 trường hợp phải lọc máu. Còn thời điểm hiện tại khoa đang điều trị cho 179 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có khoảng 25-30 trường hợp mắc bệnh nặng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết thêm, bệnh tay chân miệng thường xuất hiện vào hai thời điểm trong năm. Đợt 1 thường bắt đầu từ tháng 4 cho đến tháng 6, đợt hai bắt đầu từ tháng 9 và có thể kéo dài đến hết tháng 11, 12. Hơn nữa virus tay chân miệng có thể tồn tại trong môi trường tự nhiên một thời gian khá dài. Nên tại các trường học nếu xuất hiện các ca mắc bệnh tay chân miệng thì trẻ phải được nghỉ học và cách ly tối thiểu 10 ngày. Đồng thời trường học, phòng học, đồ chơi phải được vệ sinh khử khuẩn bằng cloramin B để tránh dịch bệnh lây lan rộng.

Theo bác sĩ Huỳnh Minh Thu, Trưởng khoa Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, trong những tuần gần đây số ca mắc bệnh tay chân miệng gia tăng mạnh mặc dù số ca mắc bệnh không cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân do thời tiết có nhiều biến động mưa nhiều đây là điều kiện thuận lợi cho các bệnh như sởi, sốt xuất huyết và tay chân miệng gia tăng nhanh chóng. Thêm vào đó, thời điểm hiện tại đang là mùa tựu trường do đó bệnh tay chân miệng cần phải đề phòng để giảm thiểu khả năng lây lan. Các bậc phụ huynh cần phải lưu ý đối với những trẻ dưới 3 tuổi nếu xuất hiện các triệu chứng sốt cao kéo dài, nôn ói nhiều phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám ngay.

Trước thực trạng trên, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM khuyến cáo, sốt xuất huyết và tay chân miệng là hai bệnh truyền nhiễm đang lưu hành trên địa bàn TP.HCM, cả hai bệnh đều chưa có vắc xin dự phòng. Do đó việc phòng bệnh cho người thân và trẻ em trong gia đình phụ thuộc vào ý thức tự giác của mỗi người. Để chủ động phòng bệnh, đối với sốt xuất huyết, không tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng trong nhà và xung quanh nhà, đề phòng chống sốt xuất huyết bằng cách dành 15 phút mỗi tuần một lần để dọn dẹp các dụng cụ, vật dụng chứa nước, loại bỏ, xử lý các ổ lăng quăng, sử dụng các biện pháp diệt muỗi như kem xua muỗi, ngủ màn để không bị muỗi cắn. Đối với tay chân miệng thì biện pháp hữu hiệu nhất là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng cho bản thân và cho trẻ nhỏ để phòng bệnh. Đồng thời, thường xuyên vệ sinh nơi trẻ sinh hoạt và vui chơi, dụng cụ vui chơi của trẻ bằng nước khử khuẩn như javel hoặc cloramin B. 

HIẾU NGUYỄN

 

Print
Tags:

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top