Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

CEO Vietjet Air tiết lộ bí mật của thành công

Thứ Hai 17/09/2018 | 09:25 GMT+7

VH-  Tại Hội nghị Phụ nữ do Forbes Việt Nam tổ chức vừa qua ở TP.HCM, lần đầu nữ tỉ phú tự lập Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air chia sẻ về quan điểm lãnh đạo, điều hành công việc cũng như cân bằng trong cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, khi đưa Vietjet lên sàn chứng khoán, mục tiêu thực sự Vietjet đặt ra là mong muốn mang đến cho các nhà đầu tư, cho thị trường vốn, thị trường chứng khoán Việt Nam một sản phẩm mới. Vietjet trải qua quá trình chuẩn bị hơn 800 ngày với sự tư vấn của ba ngân hàng quốc tế là J.P Morgan, Deutsche Bank và BNP Paribas. “Thực tiễn cho thấy, không đơn giản với một doanh nghiệp Việt Nam khi phải đáp ứng đòi hỏi khắt khe của các quy định, chuẩn mực niêm yết nước ngoài. Riêng phí luật sư, chúng tôi phải trả cho ba hãng luật hàng đầu thế giới lên tới vài triệu đô la Mỹ, để bảo đảm tất cả về chất lượng thông tin, đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất của nhà đầu tư quốc tế. Đến thời điểm tháng 11.2016, có lúc ban lãnh đạo đã thảo luận về quyết định có tiếp tục hay không vì có nhiều rào cản, thủ tục. Chúng tôi đã có một quyết định mà theo tôi nghĩ là dũng cảm khi quyết định đi đến cùng. May mắn là chúng tôi đã đi đến đích”, bà Thảo cho biết.

Vietjet tạo ra những khách hàng mới cho mình và ngược lại, Vietjet tạo ra cơ hội bay, cơ hội đi lại cho những hành khách này. Theo thống kê của Vietjet, từ 20% đến 30% khách hàng trên các chuyến bay của Vietjet là những người lần đầu tiên đi máy bay. Mọi người có thể đến các sân bay như Chu Lai, Đồng Hới, Tuy Hòa, Thanh Hóa, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Quy Nhơn để cảm nhận. Chúng tôi còn mở nhiều đường bay quốc tế, đưa những khách hàng mới, lần đầu tiên đến Việt Nam. Hiện nay chúng tôi có hơn 30 đường bay quốc tế, trong đó có hơn một nửa là các đường bay mới, chưa có hãng hàng không nào khai thác. Ví dụ như đi Myanmar chẳng hạn hay Đài Nam của Đài Loan, hay đi Bồ Đề Đạo Tràng của Ấn Độ.

“Bên cạnh Vietjet, chúng tôi có hoạt động trong một số lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, điện, bất động sản, du lịch nhưng do chưa niêm yết nên mọi người ít biết. Nếu nói về ngành mới thì gần đây chúng ta nghe nói nhiều về việc quá tải ở các sân bay tại Việt Nam. Có một số người quan ngại khi sân bay quá tải sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng, phát triển của ngành hàng không và du lịch”, CEO Vietjet Air tiết lộ.

Khi được hỏi “vừa là doanh nhân vừa là phụ nữ, bà làm thế nào để cân bằng giữa các vai trò?”, bà Thảo cho biết: “Có lẽ sự cân bằng, theo tôi, đơn giản là như thế này. Mình cứ mang cái chất phụ nữ vào trong kinh doanh và ngược lại. Tức là mang những chuẩn mực của quản trị doanh nghiệp, kiến thức hàn lâm, thực tiễn về điều hành nhân sự, nói chung là cái gì tốt nhất thì mình lại mang về nhà. Có thể mọi người nghĩ rằng tôi là người rất bận rộn, nhưng tôi vẫn có lịch cuối tuần đi xem phim với con lớn, tắm và bế con bé. Vẫn có giờ cho những việc như vậy và tôi làm với tinh thần của một doanh nhân. Bên cạnh đó, có thể mang những phẩm chất của phụ nữ vào công việc kinh doanh, quản lý, quản trị, kể cả hoạch định chiến lược hay là quan hệ với các đối tác, các định chế, các tài phiệt và các chính trị gia”.

Cũng theo bà Thảo, là người lãnh đạo một tổ chức, nhất là các tổ chức càng lớn và hoạt động toàn cầu, bản thân bà mong muốn là làm sao hội nhập với toàn cầu. Trách nhiệm của nữ lãnh đạo là phải có tầm nhìn chiến lược, kinh nghiệm thực tiễn trong hợp tác, quan hệ quốc tế. Chúng ta phải làm sao để nuôi dưỡng được khát vọng xây dựng doanh nghiệp, tạo ra sản phẩm có giá trị vượt trội. Chỉ khi có những sản phẩm tạo ra giá trị vượt trội mình mới có chỗ đứng trong nền kinh tế và rộng hơn là có vị trí nhất định trong khu vực và toàn cầu. Chúng ta cũng có mục tiêu là tạo ra các giá trị mới để đóng góp, xây dựng một đất nước phồn thịnh và trường tồn. Với trách nhiệm của người lãnh đạo cơ quan, tổ chức và nhất là doanh nghiệp lớn, chúng ta cũng đặt ra mục tiêu về trách nhiệm cộng đồng, với môi trường sống.

“Bản thân tôi có trách nhiệm dẫn dắt gần 2.000 cán bộ, nhân viên hội nhập với môi trường cạnh tranh toàn cầu, có trách nhiệm tại đất nước mình hoạt động. Và không chỉ giới hạn trong tập thể mà mình cần có trách nhiệm lan tỏa nó ra cộng đồng, ra khách hàng, đối tác và truyền tải tới các cơ quan quản lý nhà nước bằng cách đóng góp xây dựng chính sách. Làm sao mà mình vẫn tôn trọng và phát huy được tinh thần Á Đông nhưng vẫn ở trong tâm thế sẵn sàng hội nhập. Đó là trong công việc. Còn ở nhà, chúng ta phải hài hòa các mong muốn, giữ được nề nếp, văn hóa, giao tiếp, ứng xử… Mình phải sắp xếp để có đủ thời gian làm tất cả các việc đó với cái tâm, sự chân thành, sự trân trọng. Cho nên hồi nãy tôi có nói: Mình cứ hãy nỗ lực gấp ba bình thường là vậy”, bà Thảo cho biết.

P.V

 

Print
Tags:

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top