Sao đen và Sưa đỏ

HÀ TRỌNG NGHĨA

VHO - Gần đây, người Hà Nội xôn xao trước việc 3 cây Sao đen trên phố Lò Đúc bị chết khô. Điểm trùng hợp là chúng đều “án ngữ” ngay trước 3 ngôi nhà đang xây dựng và trong quá trình hoàn thiện.

Bức xúc, người dân tố cáo tới chính quyền rằng những cây Sao đen quý hóa đó bị “ám sát”. Ba cây Sao đen nay đã hơn trăm năm tuổi, cao từ 12-18 mét, đường kính từ 60-90cm. Sau phản ánh của người dân, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cũng đã vào cuộc kiểm tra.

 Kết quả cho thấy các cây Sao đen bị chết “có dấu hiệu xâm hại”. Nói thế thì ai cũng nói được. Được biết, tại tuyến phố Lò Đúc có 236 cây xanh đô thị, trong đó có 134 cây Sao đen, đều đã sống hơn 100 năm - cái tuổi mà bất cứ người nào cũng mơ ước.

Những cây Sao đen trên phố Lò Đúc đã chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử, sống sót qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Thế nhưng, đến nay số phận của những “lão cây” bỗng trở nên chênh vênh. Đáng tiếc là việc này đã được người dân cảnh báo từ năm 2019.

Theo những vị cao niên, cây Sao đen này có nguồn gốc từ phương Nam, đến những năm đầu của thế kỷ XX chúng mới chính thức “nhập tịch” vào Hà Nội và nơi đầu tiên trồng cây Sao đen chính là phố Lò Đúc. Nhiều người còn nhớ đã có thời từng đàn cò trắng sáng sáng lại bay về, đậu trên những cành cây cao ngất ngưởng. Người đi ngang đôi khi thấy bết trên đầu, sờ tay lên mới biết đã bị phân cò rắc xuống. Còn trẻ con trong phố lại thích thú cầm rổ, cầm rá chạy theo đợi hứng những con cá, con tôm mà cò mẹ kiếm được đem về cho con đánh rơi.

Giờ đây, hàng Sao đen vẫn còn đó, nhưng những đàn cò thả cánh rợp phố đã trở thành kỷ niệm, hàng cây cũng trơ hanh, bám đầy bụi như mất đi hồn cốt. Nào đâu còn thấy cảnh thu sang lớp vỏ cây màu đen tự dưng nứt toác để lộ ra lớp vỏ lụa bên trong trắng như ngà và đâu còn những tiếng kêu khi cò về trú ngụ.

Đó là cây Sao đen, còn cây Sưa đỏ thì sao? Cuối tháng 5 năm ngoái, người của Công viên cây xanh Hà Nội dùng máy cẩu, cưa máy chặt hạ 3 cây sưa đỏ được cho là chết khô tại khu vực hồ Gươm. Cây cao từ 5-10 mét, đường kính trên từ 40-60cm. Sưa đỏ là cây gỗ quý thuộc nhóm 1A (nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại).

Mỗi cây sưa 20 năm tuổi trở lên có giá vài tỉ đồng đến hàng chục tỉ đồng nên nhiều người săn tìm nó một cách quyết liệt. Thậm chí, có thời điểm người ta còn thu mua cả lá, rễ cây với giá hàng vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng/kg. Cây Sưa đỏ được ví như “những khối vàng lộ thiên” của Hà Nội bởi sự đắt đỏ của loại gỗ này. Để tránh nạn “lâm tặc” ngay trong phố, có lúc cây Sưa đỏ được bảo vệ bởi những khung sắt, vòng dây thép gai mà có người đã gọi là “mặc váy” cho Sưa.

Cách đây chừng mươi năm, khi nạn săn lùng Sưa rầm rộ, người dân quanh Công viên Văn hóa Đống Đa phải bảo nhau thức trông cây. Còn núi Nùng nằm trong công viên Bách Thảo, người ta gọi là “núi triệu đô” bởi ở đó có một quần thể gồm hàng chục cây Sưa đỏ quý hiếm.

Sao đen và Sưa đỏ, hai loại cây quý hiếm và cũng là những loại cây gắn liền với tâm tình của nhiều thế hệ người Hà Nội. Trong muôn vàn loài cây ở Hà Nội, thì dù không rực rỡ nhưng Sao đỏ và Sưa đen lại có vị trí rất riêng. Chúng là loài cây lâu năm chậm rãi lớn nên đủ thời gian để chứng kiến mọi sắc độ của phố phường. Yêu mến còn chưa đủ cớ sao lại sát hại chúng.

Bảo vệ cây ở Hà Nội nói chung, Sao đen và Sưa đỏ nói riêng là trách nhiệm của người dân, nhưng trước hết phải là trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Họ không thể không biết những cây cổ thụ chết dần chết mòn, gốc cây bị bê tông bịt kín. Lại càng đáng trách hơn khi tiếp nhận phản ánh của người dân, nhưng lại ngó lơ. Gốc cây bị bê tông bịt kín hay mắt ai đó bị bịt kín?