Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

“Chuyện lạ” về đạo đức sân cỏ đức sân cỏ

Thứ Hai 15/10/2018 | 11:15 GMT+7

VHO- Bóng đá Việt Nam vừa chứng kiến một “chuyện lạ” khi các cô gái chân yếu, tay mềm bỗng lao vào nhau, tung những cú đá không kém gì… phim chưởng.

 Màn song phi của cầu thủ nữ (Ảnh chụp từ màn hình)

Màn xô xát ấy của các cô gái đá bóng cũng làm dấy lên nỗi lo về văn hóa bóng đá khi mới chỉ vài ngày trước đó, Bóng đá Việt Nam phải nhận "trát" của AFC thông báo mức phạt vì hành vi đốt pháo sáng của các CĐV tại Asian Games 18.

Nguồn cơn của vụ việc bắt đầu ở phút bù giờ thứ 4 trận bán kết thứ 2 trong khuôn khổ Giải bóng đá nữ VĐQG 2018 giữa hai đội TP.HCM I với Than Khoáng Sản trên sân Thống Nhất (TP.HCM) ngày 12.10, một cầu thủ Than Khoáng Sản (áo xanh) có pha vào bóng nguy hiểm sát đường biên. Sau đó, cầu thủ áo đỏ của CLB TP.HCM chạy theo đánh nguội từ phía sau để trả thù đúng lúc trọng tài thổi còi hết trận. Ngay lập tức, cảnh hỗn chiến diễn ra trước ống kính máy quay truyền hình đang trực tiếp. VTV6 quay được khoảng 1 phút cảnh đánh nhau giữa nữ cầu thủ của hai đội. Khán giả cũng được dịp tràn xuống sân tham gia vào vụ xô xát này. Trận đấu kết thúc trong hỗn chiến cùng những pha tung chân đá đối phương thô bạo chẳng khác gì ở các sàn đấu võ. Những hình ảnh này dường như trái ngược hẳn với hình ảnh các nữ cầu thủ dù chịu nhiều thiệt thòi nhưng lúc nào cũng cần mẫn cày ải trên sân mang về bao chiến công cho bóng đá Việt Nam.

Bấy lâu nay hình ảnh chị em đá bóng thường chiếm được nhiều cảm tình của người hâm mộ bởi chị em luôn bị thiệt thòi so với đồng đội nam. Thế nên cứ mỗi khi đội tuyển nam được thưởng, thậm chí gần đây nhất là chuyện đội tuyển nam được thưởng lớn sau 2 chiến tích lịch sử tại giải U23 châu Á và Asian Games 18, thì đội nữ đều được nhắc đến, như một phần ít được quan tâm. Không chỉ người hâm mộ, ngay tại nghị trường của Quốc hội, có đại biểu cũng cho rằng chế độ dành cho chị em đội tuyển nữ kém hơn đội tuyển nam. VFF biết rõ điều này nhưng khổ nỗi chế độ Nhà nước thì như nhau nhưng trong khi các nhà tài trợ “thi nhau” lao vào đội tuyển nam thì lại chẳng mấy người nhớ tới đội tuyển nữ.

 Các cầu thủ TP.HCM đánh “hội đồng” cầu thủ Than Khoáng Sản (Ảnh chụp từ màn hình)

Dù thiệt thòi là thế nhưng đội tuyển nữ vẫn luôn vững vàng trên đấu trường bóng đá khu vực. Đã bao lần các đội tuyển nam làm người hâm mộ rơi nước mắt thì cũng bấy nhiêu lần các nữ cầu thủ làm cho người hâm mộ cảm thấy được an ủi bằng những chiến tích ngọt ngào. Gần đây nhất là ở SEA Games 2017, trong khi đội nam của HLV Nguyễn Hữu Thắng dù là ứng cử viên cho ngôi vô địch bị loại từ vòng bảng, thì đội tuyển nữ đã vượt qua hàng loạt đối thủ, tự hào bước lên ngôi vô địch lần thứ 5. Hay xa hơn nữa, ở SEA Games 2009 (Lào), khi thế hệ U23 Việt Nam với những Tấn Trường, Thành Lương, Trọng Hoàng… thất bại tức tưởi trước Malaysia ở trận chung kết, thì chính đội tuyển nữ đã đá bại Thái Lan trong loạt đá luân lưu để bước lên bục cao nhất.

Ở giải đấu đó, hình ảnh Kim Chi với cái đầu phải quấn băng trắng vẫn thi đấu quật cường làm người hâm mộ xúc động. Thế nhưng Kim Chi của trận đấu chiều 12.10 đã khác. Giờ cô đã là HLV. Trong cơn nóng giận của các học trò, cô đã lao vào ngăn cản nhưng không thể. Sau trận đấu cô âu lo phát biểu với báo giới rằng tình huống đó không quá nghiêm trọng và rằng “nữ cầu thủ thì không có bao nhiêu người, nếu bị kỷ luật sẽ không còn ai để thi đấu. Điều này thực sự rất bất lợi với chúng tôi”. Đúng là lực lượng Bóng đá nữ luôn mỏng và Kim Chi lo cái lo của người HLV là đúng, nhưng nếu cứ vì những lý do như thế này mà để “chìm xuồng” những hành vi thiếu văn hóa đó thì sân bóng đá nữ sắp tới không hiểu sẽ còn xảy ra chuyện gì nữa.

Sự việc này cũng lại một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề đạo đức sân cỏ và cũng cho thấy những lỗ hổng trong công tác giáo dục về tư tưởng, đạo đức cũng như cách hành xử trên sân đối với các cầu thủ. Trong lịch sử gặp nhau từ 8 năm trước vào ngày 17.12 cũng ở sân Thống Nhất tại Đại hội TDTT toàn quốc 2010, cầu thủ của hai đội đã lao vào nhau ăn thua đủ khi trận đấu còn chưa kết thúc tạo nên cuộc hỗn chiến rung động ở làng bóng đá nữ. Và giờ sau 8 năm câu chuyện cũ lại tái phát. Điều đó cho thấy công tác giáo dục về đạo đức, tư tưởng vẫn chưa được các CLB chú trọng.

Bấy lâu nay người ta chỉ thấy hình ảnh các đội bóng đá nữ với những khó khăn thường nhật, những nỗi vất vả của các cầu thủ khi thân gái mà phải dầm mưa, dãi nắng nhưng vấn đề về đời sống tinh thần thì dường như lại không mấy được chú trọng. Và đó sẽ là phần mà các CLB phải bồi đắp nếu không muốn để một ngày chị em phụ nữ tái hiện hình ảnh đáng xấu hổ như trong trận đấu vừa qua.

Nghe tin này tôi rất tiếc cho giải bóng đá nữ. Đáng lẽ mọi chuyện suôn sẻ thành công nhưng đằng này lại xảy ra sự việc đau lòng như vậy. Với bóng đá nữ tôi luôn mong hướng đến với hình ảnh những cô gái đá bóng vất vả, chăm chỉ tập luyện, trong thi đấu đạt thành tích. Vụ việc không hay xảy ra, là HLV bóng đá nữ tôi rất buồn.

(HLV đội U19 nữ Việt Nam Mai Đức Chung)

 

Án phạt nhằm mục đích răn đe, giáo dục

Trưởng Ban kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Nguyễn Hải Hường cho biết trong ngày hôm qua 14.10, Ban Kỷ luật đã tiến hành họp nhiều lần về vụ xô xát giữa cầu thủ đội TP.HCM và Than khoáng sản trong khuôn khổ trận bán kết thứ 2 Giải bóng đá nữ VĐQG 2018.

Đã nhiều năm làm công tác xét xử các hành vi vi phạm trên sân bóng đá nhưng đây là lần đầu tiên Trưởng ban Kỷ luật VFF phải xử lý một vụ việc liên quan đến vụ ẩu đả của các nữ cầu thủ. Tuy nhiên theo ông Hường thì bóng đá không ai học được chữ ngờ nên đã sai phạm thì sẽ bị xử lý theo luật.

“Tôi nghĩ không ai mong muốn sự cố đó xảy ra. Với ban huấn luyện các đội bóng nói chung, HLV trưởng của đội bóng nói riêng, không ai muốn cầu thủ của mình lại xảy ra sự việc như vậy. Tuy nhiên trong phút giây không kiềm chế, một số nữ cầu thủ đã để xảy ra hình ảnh xấu trên sân cỏ. Với BTC sân, việc để các khán giả và một số CĐV tràn xuống sân, sẽ phải nhận án phạt vì không đảm bảo an ninh, an toàn cho trận đấu. Còn với một số nữ cầu thủ tham gia vào vụ xô xát thì sẽ căn cứ theo mức vi phạm để xử lý. Việc xử lý làm sao cho phải đúng người, đúng vi phạm và quan trọng là phải đảm bảo tính răn đe, giáo dục để họ không mắc phải sai lầm cũ”, ông Hường nói. T.S

 

 

 CHÂU GIANG

 

 

Thu Sâm

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top