Chuyện về những sinh viên đặc biệt

VH- Theo Karatedo từ khi còn nhỏ, mang về nhiều huy chương mà rực rỡ nhất là ngôi vô địch châu Á ở hạng cân 55kg vào năm 2005 nhưng trong gần 10 năm, trải qua 2 lần học đại học, võ sĩ Phạm Trần Nguyên vẫn chưa thể hoàn thành được tấm bằng đại học do liên tục nghỉ để tập huấn và thi đấu.

Và niềm vui chỉ đến với Nguyên  khi anh đã bước qua tuổi 40, mới được cùng 45 HLV, VĐV khác nhận bằng tốt nghiệp đại học TDTT Bắc Ninh tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia (HLTTQG) Hà Nội.

Chuyện về những sinh viên đặc biệt - Anh 1

Sau 20 năm, cuối cùng cựu võ sĩ Phạm Trần Nguyên cũng đã nhận được tấm bằng tốt nghiệp Đại học
Ảnh: Đức Long

Đích thân thầy Hiệu trưởng Trường Đại học TDTT Bắc Ninh TS. Nguyễn Đại Dương đã sang Trung tâm để trao bằng tốt nghiệp cho Nguyên và các đồng đội. Đây cũng là lần đầu tiên nhà trường phối hợp tổ chức một khóa học đặc biệt dành cho những sinh viên đặc biệt, không phải học tại Trường mà học ngay tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội. Nhận tấm bằng đại học đỏ chót trên tay, Nguyên xúc động kể lại câu chuyện 3 lần học Đại học mới lấy được bằng của mình: “Trước đây khi còn thi đấu, chúng tôi cũng lo lắm vì thường các VĐV thể thao khi hết nghiệp thi đấu sẽ ra ngoài đời với 2 bàn tay trắng. Ý thức được điều đó nên tôi đã học đại học TDTT lần thứ nhất vào năm 1998 nhưng rồi do quá bận tập luyện và thi đấu, tôi không thể hoàn thành chương trình và không thể lấy bằng tốt nghiệp. Năm 2002, tôi lại theo học ở Trường đại học Sư phạm Hà Nội nhưng đó vẫn đang ở giai đoạn đỉnh cao phong độ nên cũng không thể dừng các cuộc tập huấn, thi đấu để đi học được. Và thế là lại nhỡ dở”.      
Sau khi đoạt HCV châu Á, Nguyên chuyển sang nghiệp HLV nhưng kinh nghiệm có thừa mà bằng vẫn chưa có. May được đơn vị chủ quản là Trung tâm TDTT Quân đội tạo điều kiện nên cho phép anh nợ bằng HLV (điều kiện cần phải có với một HLV). Và phải sau 11 năm chuyển sang nghiệp huấn luyện, Nguyên mới hoàn tất được tấm bằng đại học của mình. Nguyên cho rằng việc VĐV được học Đại học ngay trong quá trình tập luỵên và thi đấu tại Trung tâm là lý tưởng nhất vì như thế khi ra trường họ đã có thể yên tâm vì có một hành trang cần thiết để bước vào đời sau nhiều năm cống hiến cho nghiệp thể thao.

Chuyện về những sinh viên đặc biệt - Anh 2

Chuyện về những sinh viên đặc biệt - Anh 3

Các sinh viên đặc biệt đã được nhận bằng tốt nghiệp đại học

Đưa cả vợ và cậu con trai nhỏ đến Lễ nhận bằng tốt nghiệp là võ sĩ lừng danh một thời Nguyễn Trọng Cường. Từng vô địch SEA Games, châu Á và là người cầm cờ của Đoàn thể thao Việt Nam tại đại hội thể thao lớn nhất khu vực và châu lục, cho tới giờ Cường cũng mới có thể hoàn thành tâm nguyện có được tấm bằng đại học sau khi giã nghiệp. Với chàng chủ công không thể thiếu của đội tuyển bóng chuyền Việt Nam Hoàng Văn Phương thì việc được học đại học ngay tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội là lý tưởng nhất. “Sau một ngày tập luyện căng thẳng việc chúng tôi được học tập tại Trung tâm đã giúp cho các VĐV tránh phải di chuyển quãng đường quá xa. Không những thế vì lớp toàn là các VĐV, HLV nên lịch học sẽ tránh được các giải đấu lớn, giúp cho chúng tôi có thể hoàn thành khóa học để yên tâm vừa học tập vừa tập luyện và thi đấu. Trước đây chúng tôi cũng lo lắm, khi hết thi đấu sẽ làm gì nếu không được trang bị đầy đủ hành trang vào đời, nay thì yên tâm rồi, với tấm bằng tốt nghiệp đại học TDTT, khi ra trường chúng tôi đã có đủ điều kiện cần để trở thành HLV”.

Chuyện về những sinh viên đặc biệt - Anh 4

Nguyễn Trọng Cường muốn chia sẻ niềm vui nhận bằng tốt nghiệp với vợ và cậu con trai nhỏ tuổi
Ảnh: T.S

Đang tập huấn tại Trung Quốc, đô cử từng giành HCB thế giới môn Cử tạ Vương Thị Huyền cũng đã có thể hãnh diện khoe với bạn bè tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi tại Trường Đại học TDTT Bắc Ninh. Liên tục tập huấn và thi đấu nhưng Huyền đã có thể hoàn thành ước mơ sở hữu tấm bằng đại học trong tay để làm “lưng vốn” khi ra trường. Đây là điều mà nhiều thế hệ VĐV trước cô khó có thể thực hiện được.
Giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc tạo điều kiện để các VĐV có thể vừa tập luyện, thi đấu, vừa học đại học đã được thực hiện ở nhiều nước phát triển. Điều đó giúp cho các VĐV trưởng thành hơn sau khi được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng và điều quan trọng nhất là giúp cho họ có được hành trang cần thiết sau khi giã nghiệp để yên tâm tập luyện và thi đấu. Trong khi đó thầy Nguyễn Đại Dương cũng cho rằng đây là một chủ trương lớn của ngành, nhằm khuyến khích, động viên, giúp các VĐV yên tâm tập luyện, thi đấu. Quá trình học cũng sẽ giúp cho các VĐV có thể “học đi đôi với hành”, có thêm nhiều kiến thức hỗ trợ giúp cho việc tập luyện tốt hơn, nâng cao được thành tích khi thi đấu…

Thu Sâm
 

Ý kiến bạn đọc