Bóng đá Việt Nam và chuyện "xây nhà từ móng"( Bài 4): Cần mô hình chuẩn

VH- Chuyên gia Bóng đá, cựu danh thủ Thể Công Vũ Mạnh Hải cho rằng mặc dù công tác đào tạo trẻ thời gian qua cho thấy nhiều tiến bộ nhưng muốn xây được “móng” vững chắc thì Bóng đá Việt Nam cần phải có sự tổng kết, đánh giá để xem mô hình đào tạo trẻ nào ưu việt nhất rồi từ đó mới nhân rộng ra, tránh việc mỗi nơi tự phát làm theo một kiểu.

Bóng đá Việt Nam và chuyện

 Các cầu thủ nhí Thanh Hóa dù đã được tập luyện trong môi trường hiện đại, chuyên nghiệp hơn nhưng để phát triển bền vững thì Bóng đá trẻ Thanh Hóa cần có một nhà đầu tư lâu dài

Điểm qua các lò đào tạo trẻ hiện nay, có thể thấy rõ sự “trăm hoa đua nở” này. Trong khi các CLB truyền thống như SLNA, Nam Định, Đồng Tháp làm theo kinh nghiệm truyền thống, từ khâu tuyển chọn đến việc xây dựng các tuyến, có đội lớn thì sẽ có đội nhỏ kế cận; rồi kinh phí hoạt động, dựa chủ yếu vào nguồn ngân sách ít ỏi thì các Trung tâm tư nhân lại hoạt động theo mô hình hiện đại, dựa vào nguồn vốn khủng của các nhà đầu tư. Thế nên mới có chuyện các lò đào tạo truyền thống đang ngày càng lao đao và dần bị lép vế, thất bại ngay trên sân nhà trong các lần tuyển quân trước sự lấn lướt của các Trung tâm đào tạo tư nhân.

Trong số các Trung tâm tư nhân theo mô hình đào tạo nước ngoài, ở đây có thể kể đến 2 Trung tâm đào tạo trẻ hiện đại bậc nhất là HAGL và PVF. Nếu như mô hình đào tạo của HAGL là Việt hóa mô hình và cả giáo trình đào tạo của CLB Arsenal danh tiếng, thì với PVF đó lại là mô hình và giáo trình đào tạo của CLB Manchester United. Cả hai CLB này đều có đội ngũ làm truyền thông chuyên nghiệp nên ngay cả PVF, dù ra đời khá muộn nhưng sau khi những hình ảnh chuyên nghiệp từ chuyện ăn, ngủ, nghỉ, tập luyện của các cầu thủ nhí đến một cơ sở sở vật chất hiện đại bậc nhất, được quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng đã gây tiếng vang và thu hút được nhiều tài năng nhí.

Mô hình đào tạo trẻ của bầu Hiển lại vận dụng theo một cách khác. Chuyên gia Vũ Mạnh Hải cho rằng, tuy không theo mô hình nước ngoài như HAGL hay PVF nhưng mô hình của bầu Hiển cũng cho thấy hiệu quả, bằng chứng thuyết phục nhất là đội quân của bầu Hiển luôn áp đảo trong các lần tập trung đội tuyển gần đây. Ngoài việc xây dựng một lò đào tạo trẻ ở Hà Nội, bầu Hiển mở rộng thêm các vệ tinh ở các tỉnh mà việc kết hợp với lò đào tạo của anh em Văn Sỹ Hùng tại Nghệ An, hay mở thêm Trung tâm vệ tinh ở Thái Nguyên đã gom được nhiều tài năng ở các địa phương khác, chứ không chỉ gói gọn ở Hà Nội.

Trong khi ấy, một số lò đào tạo trẻ lại đi theo mô hình khác. Điển hình trong số này là CLB Thanh Hóa, đang dần chuyển đổi từ mô hình cũ sang mô hình mới. Trước đây, bóng đá trẻ Thanh Hóa đào tạo theo kiểu truyền thống, cũng sống bằng nguồn ngân sách ít ỏi. Thế nên các cầu thủ nhí không có sân để đá mà chỉ được đá trên đường piste sân của đội lớn. Cơ sở vật chất thiếu thốn, nên các đội trẻ phải ở nhờ trong khu nhà cấp 4 của một trường kế bên. Mùa hè nóng không có điều hòa, các cầu thủ nhí phải ra ngoài hành lang ngủ, mùa đông không có bình nóng lạnh, phải tắm bằng nước giếng, chế độ ăn chỉ có vài chục ngàn đồng/người/ngày. Nhưng kể từ năm 2016, với sự vào cuộc của nhà tài trợ FLC, bóng đá trẻ Thanh Hóa đã có sự thay đổi.

Giờ thì các cầu thủ nhí Thanh Hóa đã có sân mặt cỏ nhân tạo riêng để đá, các điều kiện ăn, ở, cũng được cải thiện nhiều hơn trước. Ngay cả đội ngũ HLV cũng được cải thiện về lương để yên tâm cống hiến. Chưa có đủ điều kiện để theo kịp các Trung tâm như HAGL hay PVF, các HLV của Trung tâm đào tạo Bóng đá trẻ FLC Thanh Hóa, được tận dụng từ lứa cầu thủ thành danh như Hồng Minh, Xuân Hợp, rồi được CLB đưa đi đào tạo, đủ bằng cấp, năng lực huấn luyện. Thanh Hóa cũng tận dụng tối đa chất xám của đội ngũ HLV ngoại làm việc cho đội lớn, nên năm ngoái HLV đình đám nhất của V.League, ông Petrovic cũng thường xuyên đến Trung tâm làm việc và trước khi về nước, vị HLV này đã kịp để lại cho Bóng đá trẻ Thanh Hóa giáo trình huấn luyện để các HLV dẫn dắt đội trẻ tham khảo.

Nhưng theo chuyên gia Vũ Mạnh Hải, mô hình này của Thanh Hóa vẫn chủ yếu dựa theo kinh nghiệm của các lò đào tạo truyền thống, chưa thể theo kịp các Trung tâm hiện đại như HAGL hay VPF rồi Viettel. Nên nếu muốn bền vững thì không chỉ Thanh Hóa mà các lò đào tạo trẻ khác phải tìm cho mình một mô hình chuẩn, một nhà đầu tư lâu dài. Mà mô hình chuẩn đó thì ở Việt Nam lại chưa có. Cho tới giờ vẫn chưa có một cuộc tổng kết, đúc rút kinh nghiệm nào từ các lò đào tạo trẻ để tìm ra mô hình chuẩn rồi nhân rộng.

 Bài, ảnh: THU SÂM

 

Ý kiến bạn đọc