Bóng đá Việt Nam và chuyện "xây nhà từ móng"

VH- LTS: Cho tới giờ niềm vui từ câu chuyện cổ tích của Bóng đá Việt Nam tại VCK U23 châu Á vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim người hâm mộ. Nhưng làm sao để niềm vui đó không sớm vụt tắt, sẽ là câu chuyện còn dài, cần những nỗ lực không ngừng từ các cơ quan quản lý nhà nước, các câu lạc bộ trong công tác đào tạo trẻ. “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”, câu nói đó của cựu HLV trưởng ĐTQG A.Riedl cho tới giờ vẫn là sựám ảnh lớn, nhất là trong bối cảnh cơn lốc của cơ chế thị trường đã làm cho nhiều Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ truyền thống phải tồn tại trong cảnh sống dở, chết dở.

Bài 1: Sự lép vế của các Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ truyền thống

Bóng đá Việt Nam và chuyện

Bóng đá Việt Nam và chuyện

Thành phần đội tuyển U23 của ông Park Hang Seo cho thấy sự lép vế của các lò đào tạo truyền thống

 Nhìn vào danh sách đội tuyển Bóng đá U23 Quốc gia của ông Park Hang seo vừa qua có thể thấy rõ sự lép vế của các Trung tâm truyền thống. Trong thành phần thường xuyên ra sân thi đấu chính thức của đội tuyển U23 Việt Nam, SLNA không còn chiếm ưu thế như trước nên chỉ góp mặt 2 cầu thủ là Phan Văn Đức và Phạm Xuân Mạnh. Đây là 2 cầu thủ xuất thân từ lò đào tạo trẻ truyền thống được xem là “khỏe” nhất cho tới thời điểm này. Còn các lò đào tạo truyền thống khác như Đồng Tháp, Nam Định hoàn toàn mất dạng khi không có gương mặt nào trong đội hình của ông Park.

CLB đóng góp quân nhiều nhất là CLB Hà Nội, với 5 cầu thủ xuất thân từ các đội trẻ. Đó là hai trung vệ Đình Trọng, Duy Mạnh, hậu vệ biên trái Văn Hậu, tiền vệ Đức Huy và tiền đạo Quang Hải. Lò đào tạo góp nhiều quân thứ 2 cho đội hình chính thức của U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á là HAGL. Đội bóng của ông bầu phố núi có 3 cầu thủ thường xuyên được đá chính là hậu vệ Văn Thanh, tiền vệ đội trưởng Xuân Trường và tiền đạo Công Phượng. Ngoài ra, HAGL còn có 2 cầu thủ khác tuy không chắc chỗ đá chính, nhưng là “vũ khí” bí mật của HLV Park Hang Seo, thường được ông Park sử dụng để tạo đột biến là Văn Toàn và Hồng Duy. Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ VPF góp mặt 2 cầu thủ là Hà Đức Chinh và Bùi Tiến Dụng. Ngoài ra lò Thanh Hóa góp mặt người hùng, thủ thành Bùi Tiến Dũng, lò Viettel góp mặt hậu vệ Bùi Tiến Dũng...

Ngay ở đội hình tuyển U19, vừa được HLV Hoàng Anh Tuấn triệu tập vào ngày 2.4 để chuẩn bị cho giải bóng đá quốc tế Suwon JS Cup 2018 cũng vậy. CLB Hà Nội góp tới 6 trong tổng số 24 cầu thủ, Viettel góp 5 cầu thủ, SLNA 3 cầu thủ, Đồng Tháp 3 cầu thủ... Trong khi đó Nam Định không có cầu thủ nào. Trong đội hình tuyển Quốc gia vừa được HLV Park Hang Seo triệu tập cho Vòng loại Asian Cup 2019 cũng có nhiều gương mặt trẻ, nhưng ngoài SLNA có tới 4 cầu thủ thì các Trung tâm truyền thống khác cũng không nhiều, chủ yếu vẫn là các gương mặt của HAGL, CLB Hà Nội... Nếu trước đây Đội tuyển Bóng đá quốc gia tập trung sẽ là những gương mặt đến từ SLNA, Đồng Tháp, Nam Định thì nay chỉ còn SLNA vẫn duy trì được phong độ, khi thường xuyên góp mặt các cầu thủ trên tuyển.

Cùng với cơn lốc của cơ chế thị trường “xoáy” vào bóng đá, các Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ truyền thống ngày càng yếu thế. Ngoại trừ các lò đào tạo mới như HAGL, PVF hay Viettel, Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ của bầu Hiển, các hệ thống đào tạo cũ đều đang gặp khó khăn. Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Thanh của SLNA từng kể rằng, ông chỉ mong có thêm một cốc sữa mỗi ngày cho các cầu thủ trẻ. Các Trung tâm khác như Nam Định, Đồng Tháp cũng nhiều khó khăn bủa vây. Thêm vào đó là nguyên nhân xuất phát từ mô hình hình tháp ngược của bóng đá Việt Nam khi các giải đấu hạng Nhất, Nhì, Ba có số đội tham dự lần lượt là 7, 16 và 7, hầu như ít hơn V.League với 14 đội tham dự. Thông thường các giải đấu hạng dưới được xem là nơi rèn luyện của các cầu thủ trẻ nhưng số đội của các giải đấu này ít hơn V.League, kéo theo đó là cơ hội ra sân của các cầu thủ trẻ cũng ít đi.

Chuyên gia bóng đá Nguyễn Thành Vinh, người nhiều năm gắn bó với bóng đá xứ Nghệ cho rằng khó khăn của một số Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ truyền thống như Đồng Tháp hay Nam Định, xuất phát từ việc đội bóng “lớn” bị xuống hạng, không còn đội chơi ở V.League, kinh phí khó khăn nên không còn như xưa. Dù thế, vẫn phải ghi nhận sự nỗ lực của các đội bóng này trong công tác đào tạo trẻ, nên Đồng Tháp vừa mới đăng quang ở giải U19 quốc gia hay như Nam Định vẫn duy trì các lứa cầu thủ trẻ và vừa giành quyền quay trở lại V.League sau 7 năm lận đận ở các giải hạng dưới. “Nếu các đội bóng này không giàu truyền thống về đào tạo trẻ, không nhiệt huyết thì với khó khăn về kinh phí như vậy, họ khó có thể đạt được thành tích”, ông Vinh nói.

Tuy nhiên, ông Vinh cũng nêu lên một thực tế là sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chế độ ăn của các cầu thủ trẻ ở các lò đào tạo truyền thống, có nơi chỉ 70-80 ngàn đồng/ ngày, sớm muộn sẽ làm thui chột các cầu thủ trẻ hoặc dẫn đến sự “chảy máu tài năng”, khi họ tìm được Trung tâm đào tạo khác tốt hơn. Không những thế đội ngũ HLV trẻ, nếu không được cải thiện chế độ, cũng khiến cho bầu nhiệt huyết ngày càng cạn dần, khó dồn tâm để đào tạo ra lứa cầu thủ trẻ tốt được. Những khó khăn đó sẽ đặt ra bài toán hóc búa cho các lò đào tạo bóng đá truyền thống nếu họ không kịp chuyển mình.

Sa Vân

 

Ý kiến bạn đọc