Chuyện cũ, chuyện mới

VH- Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp dụng trở lại những biện pháp trừng phạt Iran mà chính quyền tiền nhiệm đã dỡ bỏ sau khi thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA) có hiệu lực.

Điều này không gây bất ngờ gì bởi phía Mỹ đã rút khỏi thoả thuận ấy. Như vậy, Mỹ đã đưa mối quan hệ giữa Mỹ và Iran trở lại thời kỳ trước đó, nhưng qua đấy không chỉ làm sống lại những vướng mắc cũ mà còn gây ra cả chuyện trắc trở mới giữa hai nước.

Đối với Mỹ, rút khỏi JCPOA có nghĩa không chỉ giải quyết lại từ đầu vấn đề hạt nhân của Iran mà còn xử lý lại toàn bộ mối quan hệ của Mỹ với Iran, bao hàm thêm vấn đề chương trình phát triển tên lửa của Iran và chính sách của Iran đối với những đồng minh và đối tác của Mỹ ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh. Thực chất ở đây là Mỹ khơi dậy chuyện cũ với Iran để buộc Iran phải xử lý chuyện mới với Mỹ.

Sách lược của Mỹ đối với Iran bây giờ giống như Mỹ đã và đang vận dụng với Triều Tiên, cụ thể là sử dụng áp lực tối đa về chính trị và kinh tế, thương mại, tài chính cũng như luôn đe dọa sử dụng biện pháp quân sự để phía kia phải chịu đáp ứng mọi yêu cầu của Mỹ. Chỉ có điều cùng sách lược sử dụng đối với đối tác khác nhau về nội bộ cũng như về thế và lực trong khu vực thì không thể đưa lại được cho Mỹ kết quả như nhau. Iran rồi sẽ phản ứng, đối phó và đáp trả Mỹ khác với Triều Tiên.

Căng thẳng và đối địch giữa Mỹ và Iran sẽ không chỉ hạn chế ở trong phạm vi khuôn khổ mối quan hệ song phương này mà ảnh hưởng tiêu cực và tai hại tới hoà bình, an ninh và ổn định ở khắp khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh. Hậu quả và hệ luỵ thật khó có thể lường hết được. Xung khắc lợi ích giữa Mỹ và EU trở nên sâu sắc hơn. Trong chuyện mới này không chỉ toàn có lợi đối với Mỹ mà tác dụng đi cùng phản tác dụng, lợi đi cùng với hại. 

Lương San

Ý kiến bạn đọc