Tình dục ở trẻ em, một vấn nạn nhức nhối tại Indonesia

VH- Vấn nạn về mại dâm và lạm dụng tình dục ở trẻ vị thành niên tại Indonesia đang trở nên ngày một phức tạp, đặc biệt là tại khu vực đảo Batam.

Tình dục ở trẻ em, một vấn nạn nhức nhối tại Indonesia - Anh 1

Bên trong một cơ sở mại dâm trá hình quán karaoke tại trong khu vực trung tâm thành phố

“Tôi cảm thấy tội lỗi với gia đình của mình, nhưng đã dấn quá sâu vào con đường này rồi, tôi còn biết làm gì?”– Honey, một cô gái mại dâm mới chỉ 18 tuổi giãi bày. Honey trở thành gái mại dâm khi cô mới 17 tuổi. Điều đáng nói là tại thời điểm đó, cô là người lớn tuổi nhất trong số những cô gái mại dâm tại cùng một cơ sở. Honey cho biết, nhiều cô gái vào “nghề” khi mới 13 hay 15 tuổi, độ tuổi đáng ra vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường và được pháp luật Indonesia bảo vệ.

“Họ đều là những em gái còn rất nhỏ tuổi”, Honey chia sẻ: “Mỗi khi được hỏi, họ sẽ phải tự cộng thêm khoảng 5 đến 6 tuổi vào tuổi thật của mình. Đôi khi thì không bởi nhiều khách hàng cũng chẳng quan tâm đến tuổi tác, hoặc chỉ đơn giản là họ ưa thích người trẻ tuổi”. Trường hợp của Honey chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện đau lòng của thực trạng khai thác tình dục ở trẻ em tại đảo Batam, Idonesia.

Vào năm 2017, Yayasan Embun Pelangi (YEP), Tổ chức Hỗ trợ và Bảo vệ trẻ vị thành niên đã hỗ trợ xử lý 28 vụ mua bán dâm, trong đó có 14 trường hợp liên quan đến trẻ vị thành niên. Chỉ tính riêng Rumah Faye, cơ quan hỗ trợ giải quyết tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em hồi đầu năm nay đã nhận được hơn 211 báo cáo về các vụ việc liên quan đến lạm dụng tình dục ở trẻ vị thành niên, một trong số đó có liên quan tới mại dâm.

Bên cạnh đó, nửa đầu năm 2018, Tổ chức Toàn cầu về Chấm dứt buôn bán và xâm hại trẻ em (ECPAT) cũng cho biết, tệ nạn này liên tiếp phát triển theo chiều hướng xấu hơn tại đảo Batam. Thông thường, các nạn nhân của buôn bán tình dục trẻ em sẽ phải phục vụ tới 8 khách hàng chỉ trong một đêm. Bà Drefani, Giám sát viên về Bảo vệ Trẻ em thành phố Batam cũng cho biết, cá biệt có trường hợp một em bé bốn tuổi đã bị buôn bán và khai thác tình dục tại đây.

“Triệt phá một, mọc lên ba”

Các hành vi liên quan đến mại dâm nói chung vẫn được coi là bất hợp pháp tại Indonesia. Tuy nhiên, cho tới nay, Rumah Faye ước tính có khoảng 300 nhà chứa rải rác tại khu vực Batam. Những tụ điểm buôn bán mại dâm này thường được trá hình như quán karaoke hoặc các tiệm massage bởi đây là những hình thức kinh doanh hợp pháp. Chính phủ Indonesia trong thời gian qua đã không ngừng triệt phá các đường dây mai dâm trá hình này, đặc biệt là những trường hợp buôn bán, mại dâm có liên quan đến trẻ em.

Tuy nhiên, Irwan Setiawan, thành viên của Tổ chức Hỗ trợ và Bảo vệ trẻ vị thành niên (YEP) cho biết, sau khi bị triệt phá, các nhà chứa này chỉ đơn giản là mở cửa tại một nơi khác dưới một cái tên mới. Husaini Tarmizi, thành viên của Tổ chức Ngăn chặn AIDS tại Indonesia cho hay “Cảnh sát tại khu vực ở Batam sẽ tiến hành kiểm tra các tụ điểm bị nghi ngờ là nhà chứa hoạt động trá hình mỗi tháng một lần. Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tiến hành triệt phá nhiều đường dây buôn bán mại dâm trái phép. Tuy nhiên, cứ triệt phá được một tụ điểm, thì có ba tụ điểm mới mọc lên”.

Chính phủ Indonesia và các tổ chức phi chính phủ cũng thừa nhận, công tác triệt phá đường dây mại dâm liên quan đến trẻ vị thành niên đang gặp nhiều trở ngại bởi sự biến tướng của các tụ điểm mại dâm và xu hướng mại dâm trực tuyến đang phát triển không ngừng. “Bạn sẽ không tìm thấy trẻ em ở các nhà thổ nữa. Thay vào đó, các em sẽ được gửi thẳng đến khách sạn của khách hàng có nhu cầu. Điều này khiến công tác triệt phá gặp khó khăn hơn bao giờ hết”Dewi, đại diện của tổ chức YEP cho hay.

Những nỗ lực của Chính phủ

Với tình hình trên, Chính phủ Indonesia đang từng bước nỗ lực đẩy mạnh các hành động cụ thể liên quan đến bảo vệ trẻ em. Vào tháng 10 năm 2016, Quốc hội Indonesia đã ban hành một quy định để sửa đổi Luật Bảo vệ Trẻ em năm 2002. Theo đó, Luật sẽ tăng cường tính răn đe với các hình thức xử phạt tội phạm liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em. Các cá nhân, tổ chức có hành vi khai thác, mua bán, lạm dụng tình dục trẻ em có thể đối mặt với các mức án như tử hình, trung thân hoặc thiến hóa học.

Chính phủ Indonesia cũng thông báo về việc soạn thảo các điều luật bổ sung, hướng dẫn thực thi cần thiết cho các cơ quan, đoàn thể, ban ngành có liên quan. Chính phủ Indonesia trong thời gian qua cũng có nhiều hình thức hỗ trợ trẻ vị thành niên được “giải cứu” thành công khỏi các nhà chứa. Trẻ em thoát khỏi con đường mại dâm thường được chăm sóc và phục hồi khoảng hai tuần trước khi được gửi về nhà. Bên cạnh đó, trong vòng ít nhất sáu tháng, các tổ chức liên quan đến chống xâm hại trẻ em sẽ giám sát, theo dõi tình hình hồi phục của các em bằng các cuộc điện thoại động viên.

Dewi Astuti, thành viên của YEP cho biết: “Những trẻ em đã từng bị lạm dụng tình dục trong quá khứ có thể có các sang trấn, tổn thương về tâm lý khiến các em không tin tưởng và bất cứ ai, vì vậy sẽ phải mất một thời gian cho đến khi các em có thể hồi phục hoàn toàn”. Chính phủ Indonesia cũng nỗ lực hỗ trợ về mặt tài chính đối với các tổ chức bảo vệ trẻ vị thành niên như YEP hay Rumah Faye trong công tác giáo dục cộng đồng nông thôn bởi đây chính là những khu vực có tỷ lệ buôn bán, xâm hại, lạm dụng tình dục trẻ em cao nhất. 

MAI ANH

Ý kiến bạn đọc