Đối nội bằng mọi giá

VH- Việc Mỹ thực hiện áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với sản phẩm thép và nhôm, thậm chí cả ô tô nữa, của EU xuất khẩu vào thị trường Mỹ từ ngày 1.6 vừa qua là chuyện có thể tiên liệu thấy.

Nhưng việc Mỹ không chỉ dùng những biện pháp chính sách bảo hộ thương mại ấy tấn công Trung Quốc mà cuộc tấn công này còn quyết liệt hơn và với quy mô lớn hơn vào thời điểm hiện tại thì lại gây bất ngờ. Không như thế sao được khi vừa mới đây Mỹ và Trung Quốc kết thúc vòng đàm phán thứ 2 về thương mại, với kết quả là hai bên đã đạt được thoả thuận giúp tránh bùng phát chiến tranh thương mại và tiếp tục thương thảo để triển khai thực hiện cụ thể thoả thuận nói trên. Phía Mỹ kích hoạt cuộc xung khắc thương mại với các đối tác trong nhận thức rất rõ ràng và đầy đủ là sẽ bị các đối tác trả đũa bằng phương cách tương tự là áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với sản phẩm hàng hoá của Mỹ và ngoài ra sẽ còn kiện Mỹ ở Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Những biện pháp chính sách kiểu này của Mỹ sẽ gây thiệt hại về kinh tế và thương mại cho các đối tác nhưng sự đối phó của họ cũng lại sẽ buộc Mỹ phải chấp nhận thiệt hại tương ứng. Với tất cả các bên, xung khắc thương mại như thế về lâu dài đều lợi bất cập hại. Một khi phía Mỹ đã quyết định hành xử như thế thì các đối tác của Mỹ không có sự lựa chọn nào khác ngoài ăn miếng trả miếng Mỹ, bởi vừa không thể chấp nhận họ đơn phương thiệt hại vừa phải cảnh báo và răn đe Mỹ để Mỹ không tiếp tục lấn tới biến tiền lệ thành thông lệ.

Cục diện tình hình như thế mà tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn quyết phát hoả cuộc xung khắc thương mại này. Lời lý giải chỉ có thể là ông Trump muốn dùng nó vào những mục tiêu đối nội, để thể hiện hình ảnh kiên định khẩu hiệu “Nước Mỹ trước hết” và thực hiện cam kết tranh cử nhằm tranh thủ cử tri ở Mỹ, trước hết cho cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ tới. Sau đấy, chuyện này có thể sẽ khác.

Lam Sa

Ý kiến bạn đọc