WORLD CUP 2018: Truy quét gắt gao gái mại dâm và nạn buôn người

VH- “Ở các thành phố lớn tại Nga cảnh sát đã bắt đầu đợt truy quét. Họ luôn làm vậy trước các sự kiện quốc tế lớn, nó đã diễn ra trước đây và sẽ tiếp tục trong vài năm tới. Chính quyền muốn loại khỏi thành phố các yếu tố không đẹp mắt, trong đó bao gồm phụ nữ bán dâm”, bà Irina Maslova, lãnh đạo phong trào bảo vệ phụ nữ bán dâm “Hoa hồng bạc”, giải thích.

WORLD CUP 2018: Truy quét gắt gao gái mại dâm và nạn buôn người - Anh 1

Gái mại dâm ở Nga

 “Nghề” nguy hiểm

Sắp đến ngày khai mạc World Cup 2018, thị trường dịch vụ tình dục ở Nga đang rục rịch bước vào “mùa làm ăn lớn”, nhưng đây cũng là lúc nhiều hiểm nguy rình rập họ nhất. Theo khảo sát do trang tin URA của Nga tiến hành tại các thành phố Moscow, Saint-Petersburg và Ekaterinburg (nằm trong số 11 thành phố diễn ra các trận đấu World Cup), các cô gái làm việc trong ngành dịch vụ tình dục dự báo giá cả sẽ tăng gấp 2 lần trong giờ bóng lăn. Ngoài ra, điều khiến cánh chị em lo lắng hơn hết là những nguy hiểm rình rập họ trong khoảng thời gian này, thậm chí mạng sống bị đe dọa không phải chuyện hiếm.

Nhiều ý kiến cho rằng, đối với những người “mang trách nhiệm xã hội thấp” như gái bán dâm, sự xuất hiện của đội quân cổ động viên từ khắp thế giới là cơ hội kiếm bộn tiền, nhưng thực tế lại không màu hồng như vậy. “Tất nhiên, các cô gái tỉnh lẻ sẽ đổ về Ekaterinburg do bị hấp dẫn bởi đám đông khách hàng tiềm năng người nước ngoài. Nhưng những ai có kinh nghiệm trong cái nghề này, sẽ tìm mọi cách đi xa khỏi thành phố trong thời gian World Cup vì lý do an toàn”, một cô gái bán dâm hành nghề ở khu vực Ural trả lời phỏng vấn trang tin URA. Nỗi lo của các cô gái chính là sự trừng phạt của chính quyền, cụ thể là cảnh sát, trong các chiến dịch lập lại trật tự chuẩn bị cho mùa World Cup. Bà Maslova nhắc đến 2 câu chuyện khiến bà băn khoăn mãi do chính những người trong cuộc kể lại: “Tôi được nghe lại trước thềm Diễn đàn kinh tế phương Đông tổ chức ở thành phố Vladivostok năm trước, có hai cô gái đứng đường bị giết một cách khó hiểu. Nhưng các cô gái bán dâm hiểu đó là hành động cảnh cáo và tất cả đều rời thành phố sau đó. Cho đến nay 2 vụ án mạng chưa bao giờ được giải mã".

Tháng 5 vừa qua, phong trào “Hoa hồng bạc” ghi nhận gái bán dâm ở thành phố Saint Petersburg, cá biệt là các cô hành nghề trong salon, đã nhận được cảnh báo từ chính quyền. “Họ nhận được các cuộc điện thoại, trong đó người ta nói: Các cô đóng cửa hết, đi chơi đi, xin nghỉ phép gì đó! Bây giờ họ bị cấm hành nghề 2-3 ngày, nhưng khi bóng lăn thì sẽ là 15-20-30 ngày”, bà Maslova cho biết. “Ở lại chỉ có những người làm việc trong khách sạn, nói được tiếng Anh tốt và những ai được bảo kê ngon lành”, một cô gái bán dâm tiết lộ.

Món quà cho nạn buôn người

Lợi dụng chính sách nới lỏng thị thực của nước Nga mùa World Cup, các “tú ông, tú bà” khắp nơi trên thế giới đang tích cực điều “đào” tới nước này, không ít trong số này là nạn nhân của nạn buôn người. Chỉ cần có vé xem các trận đấu World Cup và “Fan ID” - một thẻ xác nhận danh tính, bất kỳ ai cũng có thể đến Nga vào thời điểm này mà không cần xin thị thực. Việc đăng ký Fan ID rất dễ dàng, có thể thực hiện qua mạng sau khi mua vé của bất kỳ trận đấu nào thuộc vòng loại World Cup. “Đây thực sự là một món quà cho bọn buôn người”, cô Julia Siluyanova thuộc tổ chức chống buôn người và nô lệ hiện đại Alternativa của Nga nói với hãng tin Reuters. Các quan chức Nigeria trước đó cho hay đã biết được các kế hoạch dụ dỗ và buôn bán phụ nữ Nigeria nhân mùa World Cup ở Nga. Điểm chung là chúng được chuẩn bị rất kỹ lưỡng dù so với lúc bình thường bọn buôn người đã đỡ mất thời gian và tiền bạc hơn.

Tin vào lời hứa hẹn về một công việc tốt và lương cao, nhiều phụ nữ Nigeria đã bị lừa bán sang các nhà thổ châu Âu trong vài năm trở lại đây. Nợ gốc không thể trả, lãi mẹ đẻ lãi con, nhiều nạn nhân chỉ biết cam chịu và làm không công, bị vắt kiệt sức lực trong các sự kiện thể thao quốc tế như World Cup, Olympics và Super Bowl.

Từ Nigeria, cơ quan chống buôn người (NAPTIP) của nước này cho biết, đang phối hợp với Đại sứ quán Nga tại Nigeria để xử lý vụ việc. “Nếu chúng tôi báo động người dân, chẳng khác nào bứt dây động rừng, bọn buôn người sẽ sớm biết”, người đứng đầu NAPTIP Arinze Orakwu cho biết. Cơ quan này thừa nhận không biết có bao nhiêu phụ nữ Nigeria bị bán sang Nga, nhưng theo một quan chức ở bang Edo, con số này là rất lớn. “Nga không phải là điểm đến thường xuyên của bọn buôn người như Ý nhưng con số là không hề nhỏ”, vị này khẳng định. Một người phát ngôn của FIFA khẳng định, vấn đề nhân quyền sẽ được tôn trọng và bảo vệ trong thời gian diễn ra World Cup, đồng thời nhấn mạnh xử lý tình trạng buôn người là trách nhiệm của các cơ quan địa phương và quốc tế.

 NGUYỄN HƯNG - L.T

Ý kiến bạn đọc