Indonesia: Chặn hơn 70.000 website có nội dung tiêu cực

VH- Mới đây, Indonesia đã chặn hơn 70.000 trang web có chứa các nội dung khiêu dâm hoặc các hệ tư tưởng cực đoan.

Indonesia: Chặn hơn 70.000 website có nội dung tiêu cực - Anh 1

 Ứng dụng nhắn tin trực tuyến Telegram sẽ bị chặn tại Indonesia nếu không xóa bỏ các nội dung tiêu cực

Indonesia vừa trải qua nhiều vụ khủng bố nghiêm trọng khiến tình hình trong nước trở nên vô cùng phức tạp. Trong những nỗ lực để ngăn chặn tình trạng bạo lực leo thang, các nhà chức trách nước này vừa kịp thời đóng cửa hơn 70.000 trang web có chứa các nội dung liên quan đến kích động bạo lực, kêu gọi khủng bố hoặc các nội dung khiêu dâm bằng một hệ thống an ninh mạng mới. Bên cạnh ngăn chặn các kế hoạch khủng bố, động thái này được nhà nước Indonesia đưa ra một phần như giải pháp cho những vụ việc lừa đảo qua mạng và các lời lẽ kích động thù địch diễn ra tràn lan suốt từ đầu năm nay.

Hệ thông an ninh mạng mới được Indonesia sử dụng nhằm kiểm soát các nội dung xấu trên mạng có vai trò như một “công cụ thu thập dữ liệu” được phát triển bởi Công ty Telekomunikasi Indonesia Tbk (Telkom). Hệ thống này sử dụng 44 máy chủ để tìm kiếm trên internet và báo cáo những nội dung không phù hợp phụ thuộc vào các từ khóa mà cơ quan chức năng đưa ra, hầu hết là các từ khóa liên quan đến khiêu dâm. “Lý do là bởi sau năm 2017 chúng tôi đã chặn gần 800.000 trang web và hơn 90% trong số này là các trang web khiêu dâm”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia cho biết. Theo số liệu thống kê, Bộ Thông tin và Truyền thông nước này đã chi khoảng 15 triệu USD để chặn tới 72.407 trang web khiêu dâm chỉ trong tháng 1 năm nay. Bộ cũng cho biết sẽ sẵn sàng phục hồi lại các trang web bị xóa sau khi đã xem xét nếu có các khiếu nại đến từ công chúng.

Có thể nói, trong nửa cuối năm ngoái và nửa đầu năm nay, Indonesia là một trong các nước chủ động thắt chặt việc quản lý các nội dung trên internet. Tiêu biểu là việc chặn toàn bộ các ứng dụng được cho là có tính bảo mật không cao như WhatsApp và Messenger (Facebook) sau sự cố virus của WhatsApp và bê bối rò rỉ thông tin từ Facebook.

Mới đây, nhà chức trách nước này cũng đã chặn quyền truy cập vào một số kênh trên dịch vụ nhắn tin mã hóa Telegram. Telegram là một ứng dụng nhắn tin tương tự như Whatsapp tích hợp giữa tốc độ nhắn tin của Whatsapp và mức độ bảo mật cao của Snapchat. Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã yêu cầu tất cả các nhà mạng internet chặn 11 địa chỉ website dẫn đến Telegram với lo ngại khủng bố. Samuel Pangerapan, Tổng giám đốc của các ứng dụng tin học tại Bộ cho biết ứng dụng này được nhiều thành phần khủng bố IS sử dụng để kêu gọi các hoạt động cực đoan, đánh bom liều chết và kích động thù địch. Chính phủ đưa ra khuyến cáo sẽ cấm hoàn toàn dịch vụ Telegram nếu phía công ty phát triển ứng dụng không có biện pháp ngăn chặn các nội dung trái phép. Sau tuyên bố này, Pavel Durov, người đồng sáng lập của Telegram cho biết, đã nhanh chóng thực hiện các hình thức kiểm duyệt và xóa bỏ các diễn đàn hoặc nội dung liên quan đến kêu gọi khủng bố và kích động thù địch.

Với những hành động mang tính cứng rắn và răn đe đến từ Indonesia,vừa qua Google cũng đã xóa 73 nội dung liên quan đến cộng đồng người giới tính thứ ba từ Google Play khỏi thị trường Indonesia, bao gồm ứng dụng Blued theo yêu cầu của nước này. Indonesia vốn là một đất nước với số người Hồi giáo đông nhất thế giới, chính vì vậy, Chính phủ nước này đang cố gắng hết sức để loại bỏ các nội dung tiêu cực liên quan đến khiêu dâm trên internet. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết 9 tập đoàn công nghệ bao gồm cả Google và Facebook gần đây đã cam kết hỗ trợ Indonesia trong nỗ lực chống lại các nội dung tiêu cực, kích động khủng bố trong thời gian tới.

Tháng 4 vừa qua, Facebook cho biết đã xóa gần 2 triệu nội dung cực đoan, thực hiện các hành vi kêu gọi của các tổ chức khủng bố khét tiếng như “Nhà nước Hồi giáo tự xưng” IS và al – Qaeda. Bên cạnh đó, Facebook cũng đã báo cáo nhiều nội dung chia sẻ liên quan đến khiêu dâm, các nội dung không lành mạnh khác.

Trong khi đó, trang mạng xã hội Twitter đã vô hiệu hóa tới hơn 1 triệu tài khoản vào năm 2015 với lý do có dấu hiệu “kêu gọi chủ nghĩa khủng bố”. Hiện các trang mạng lớn nhất thế giới như Google, Facebook và Twitter đang gặp phải những sức ép khá lớn từ phía Indonesia trong việc ngăn chặn tình trạng các thành phần cực đoan sử dụng mạng xã hội hoặc các diễn đàn như một công cụ đắc lực để kêu gọi hành vi khủng bố. 

 ĐẶNG THỤC LINH

 

Ý kiến bạn đọc