Nghịch lý nghệ thuật

VH- Nghệ sĩ người Mỹ Robert Indiana, vừa mới qua đời ở tuổi 90. Dù không được nhiều người trên thế giới biết đến, nhưng một số sáng tác nghệ thuật của ông lại rất nổi tiếng và phổ biến trên khắp thế giới.

Và đấy không phải là nghịch lý nghệ thuật duy nhất trong câu chuyện này - nghệ thuật từ 4 chữ cái hay nói đúng hơn thì phải là dùng 4 chữ cái để làm nên tác phẩm nghệ thuật và nghệ thuật không độc bản, mà có thể được sản xuất thành vô số để trưng bày ở rất nhiều nơi trên thế giới.

Robert Indiana đã có ý tưởng sáng tác nghệ thuật ấy. Chuyện kể là vào năm 1966, ông được Viện bảo tàng nghệ thuật đương đại New York thuê thiết kế thiếp gửi chúc mừng nhân dịp lễ Giáng sinh. Robert Indiana chỉ dùng 4 chữ cái là L, O, V và E, chữ cái L đặt trên chữ cái V và chữ cái O đặt trên, nhưng lại nghiêng trên chữ cái E. Love trong tiếng Anh có nghĩa là tình yêu. Cách xếp đặt 4 chữ cái của Robert Indiana vừa làm nên tác phẩm, lại vừa vẫn giữ được nghĩa của ngôn từ. Thế rồi, cách xếp chữ này, hay là bức họa được thực hiện thành tác phẩm nghệ thuật ở cuộc sống bên ngoài tấm thiếp. Coi đó là nghệ thuật sắp đặt thì cũng đâu có gì sai. LOVE của Robert Indiana được sao chép và dựng ở nhiều nơi trên thế giới. Ý tưởng dùng chữ cái và cụ thể là dùng 4 chữ cái để làm ra một tác phẩm nghệ thuật trở thành một trường phái nghệ thuật.

Về sau, Robert Indiana còn có sáng tác tương tự với 4 chữ cái H, O, P và E. HOPE trong tiếng Anh có nghĩa là hy vọng. Nhưng LOVE của ông nổi tiếng và phổ biến hơn cả. Nghệ thuật tưởng phức tạp và trừu tượng mà xem ra lại có thể rất đơn giản và cụ thể, được chấp nhận và công nhận rộng rãi chứ không hề gặp tai tiếng gì.

Nghịch lý nghệ thuật trong chuyện này còn ở chỗ chính Robert Indiana lại cho rằng tác phẩm LOVE của mình “là ý tưởng hay” nhưng lại là “một sai lầm khủng khiếp”. Trong khi thiên hạ tung hê nó là nghệ thuật thì người sáng tác ra nó lại không coi nó là nghệ thuật.

Hà An

Ý kiến bạn đọc