Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Pháp: Ưu tiên phát triển du lịch

Thứ Sáu 04/05/2018 | 09:30 GMT+7

VH-  Với việc tiếp đón 89 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2017, Pháp năm thứ 2 liên tiếp trở thành địa điểm hấp dẫn du khách nhất trên thế giới. Để củng cố vị trí này và hướng đến mục tiêu đón 100 triệu lượt khách du lịch quốc tế vào năm 2020, Chính phủ Pháp đã nhanh chóng xây dựng lộ trình, đề ra các biện pháp cụ thể phát triển ngành du lịch nước này.

 Bảo tàng Louvre

Chính phủ Pháp đã đặt ra mục tiêu tiếp đón 100 triệu lượt du khách quốc tế vào năm 2020 với doanh thu từ du lịch đạt khoảng 50 tỷ Euro so với mức doanh thu hiện tại là 40 tỷ Euro. Điều này cũng sẽ kỳ vọng tạo ra hơn 300.000 việc làm ngay trên nước Pháp và cả ở nước ngoài. Để củng cố hơn nữa sức hấp dẫn với du khách, tháng 7.2017, Chính phủ Pháp đã công bố lộ trình phát triển du lịch và các biện pháp cụ thể trong sáu lĩnh vực ưu tiên, tập trung vào: Nâng cao chất lượng đón tiếp và đảm bảo an ninh tại các địa điểm tham quan để đổi lấy sự hài lòng của du khách; thực hiện chiến dịch quảng bá rộng rãi để thu hút ngày càng nhiều số lượng du khách khắp nơi từ trên thế giới đến Pháp; Chính phủ thực hiện chính sách hỗ trợ đối với đầu tư du lịch; triển khai các chương trình đào tạo cho nhân viên làm việc trong ngành du lịch; hỗ trợ chia sẻ thông tin và số hóa trong lĩnh vực du lịch; tiếp cận, chăm sóc khách hàng vào các dịp nghỉ lễ.

Tại cuộc họp Hội đồng liên Bộ về du lịch lần thứ nhất ngày 26.7.2017, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã công bố “Các giải pháp sáng kiến” của Chính phủ hướng đến việc củng cố sức thu hút của nước Pháp nhằm đạt được các mục tiêu đề ra. Theo đó, đến tháng 6.2018, Pháp sẽ nhanh chóng rút ngắn thời gian cấp thị thực cho du khách xuống còn 48 tiếng đối với 10 nước; bắt đầu từ tháng 6.2018, giảm thời gian chờ làm thủ tục kiểm soát tại sân bay xuống còn 30 phút cho các nước EU và 45 phút cho các nước ngoài EU; lên kế hoạch bảo trì cho các xa lộ nằm ở giữa các sân bay nước Pháp và Thủ đô Paris; xây dựng kế hoạch đầu tư cho các khu nghỉ dưỡng ở miền biển và miền núi để duy trì chất lượng cung cấp dịch vụ; gia tăng đào tạo nghề trong ngành du lịch với sự hỗ trợ của các chuyên gia; ký kết hiệp định cam kết phát triển việc làm và đào tạo các kỹ năng (EDEC) cho nhân viên làm việc trong ngành dịch vụ du lịch trong năm 2018 để đáp ứng nhu cầu của ngành; huy động chất xám của công chúng để hỗ trợ các dự án du lịch của địa phương; tạo điều kiện cho hoạt động hoàn thuế tại các sân bay nhằm hạn chế số lượng hàng chờ; xây dựng nền tảng “dữ liệu du lịch” từ trung ương đến địa phương; thiết lập thoả thuận khung liên Bộ nhằm hỗ trợ và thúc đẩy lĩnh vực du lịch văn hóa Pháp; thành lập Hội đồng về du lịch Pháp ở ngoài nước.

Tiếp đó cuộc họp Hội đồng liên Bộ về du lịch của Pháp diễn ra ngày 19.1.2018, Pháp đã đưa ra 2 ưu tiên về xúc tiến và đầu tư du lịch, tạo nền tảng cho chính sách phát triển ngành du lịch đầy tham vọng của nước này với trọng tâm là gia tăng đầu tư du lịch nhằm cung cấp ngày càng tốt hơn các dịch vụ công nghiệp du lịch.

Xác định du lịch có vai trò quan trọng, đối với nền kinh tế, là yếu tố thay đổi bộ mặt các địa phương, tạo ra sự giàu có ở các vùng nông thôn, vùng núi và vùng duyên hải trên khắp nước Pháp, Chính phủ đã triển khai một loạt các giải pháp cụ thể để biến du lịch trở thành một lĩnh vực mũi nhọn của nền kinh tế, cụ thể: Đơn giản hóa từ những yếu tố nhỏ nhất để phát triển du lịch: Thiết lập, cải cách chính sách bảo hiểm khu du lịch, đánh giá và xếp hạng các văn phòng thông tin du lịch, sửa đổi hệ thống đánh giá của các trang web du lịch, nơi ăn nghỉ (trang trại, nhà ở du lịch), giúp cho du khách dễ dàng tiếp cận các trang web về đi lại, lưu trú tại Pháp. Tăng cường hỗ trợ đầu tư cho du lịch địa phương: Chính phủ chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ du lịch tại địa phương để thu hút ngày càng nhiều hơn du khách đến nước Pháp. Đồng thời, tạo cơ chế mở, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch thông qua chính sách thuế hợp lý, linh hoạt trong các thủ tục đầu tư. Tổ chức tài chính khu vực công của Pháp (CDC) đã cam kết sẵn sàng đầu tư 500 triệu Euro trong vòng 5 năm cho phát triển du lịch. Con số này gấp đôi khoản ngân sách 200 triệu Euro mà ngân hàng đầu tư công Bpifrance hỗ trợ.

Các giải pháp của Chính phủ Pháp bước đầu đã đạt được kết quả tích cực. Đến nay, đã có 8 quốc gia mới được hưởng lợi từ việc cấp thị thực chỉ trong vòng 48 tiếng, số lượng hàng chờ, khởi hành đến và đi của các sân bay ở Paris đã giảm và 4 triệu USD là số tiền mỗi năm mà Chính phủ Pháp đã chi ra để làm sạch đường xa lộ.

Với những lợi thế về cảnh đẹp mà thiên nhiên ban tặng, sự đa dạng của nền văn hóa, lịch sử lâu đời, các công trình kiến trúc nghệ thuật điêu khắc ở trình độ kỹ xảo cao, sự hiếu khách của người Pháp… cũng như nỗ lực mạnh mẽ từ phía Chính phủ với lộ trình, chiến lược phát triển du lịch rõ ràng và các biện pháp cụ thể, chắc chắn nước Pháp sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn nhất đối với du khách trên thế giới trong những năm tới đây.

 KÔNG ANH

Print
Tags:

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top