Ý tưởng xưa vẫn giá trị

VH- Ngày 27.3 hằng năm, được hơn 100 quốc gia coi là Ngày sân khấu thế giới, cũng còn được gọi là Ngày nhà hát thế giới.

Cái tên gọi đã thể hiện đầy đủ hàm ý. Đó là ngày tôn vinh nghệ thuật sân khấu nhằm nhấn mạnh và phát huy sứ mệnh văn hóa của nghệ thuật sân khấu, là bắc cầu nối các nền văn minh và văn hoá trên thế giới, bắc cầu nối quá khứ với hiện tại không chỉ trong đời sống văn hoá của con người mà còn cả trong lịch sử và đời sống chính trị của cả thế giới. Ngày sân khấu thế giới hằng năm được bắt đầu bằng Liên hoan “Nhà hát của các dân tộc” tổ chức ở thủ đô Paris của nước Pháp. Các nước tham gia có những cách tổ chức ngày này khác nhau. Ngoài những chương trình biểu diễn đặc biệt thường có những hoạt động như tiếp xúc, giao lưu giữa nhà hát với khán giả, miễn vé xem hoặc giảm giá vé, giới thiệu chuyện hậu trường phục vụ các buổi trình diễn, hội nghị, hội thảo về nghệ thuật sân khấu...

Nghệ thuật sân khấu phát triển cùng với lịch sử nhân loại từ ngàn năm nay và vì thế việc bảo tồn và phát huy truyền thống nghệ thuật cũng như những giá trị văn hoá tinh thần của nó rất cần thiết. Ý tưởng về Ngày sân khấu thế giới phục vụ cho công cuộc ấy và có vào năm 1961 và xuất phát từ Phần Lan. Tại Đại hội các viện sân khấu quốc tế lần thứ 9 ở Viên (Áo) năm 1961, đoàn Phần Lan đưa ra sáng kiến tổ chức hằng năm Ngày sân khấu thế giới, hay Ngày nhà hát thế giới và được chấp nhận, ngày cụ thể được lựa chọn là ngày 27.3 hằng năm. Mỗi năm, sẽ có một nghệ sĩ hoặc một cá nhân có uy tín trên thế giới được lựa chọn để đề nghị đưa ra thông điệp chung cho Ngày sân khấu thế giới.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua từ thời điểm ấy, ý tưởng xưa vẫn rất giá trị và Ngày sân khấu thế giới trở thành sự kiện văn hoá lớn chung của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Nó giúp bảo tồn giá trị văn hoá và thúc đẩy trao đổi văn hoá giữa các quốc gia và dân tộc. Nó đóng góp tích cực cho hoà bình trên thế giới và tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trên thế giới.

Hà An

Ý kiến bạn đọc