Những ngôi làng giàu lên nhờ biến lúa, tường nhà thành... tranh

VH- Những ngôi làng như Inakadate (Nhật Bản) hay Cầu Vồng (Đài Loan)... đã trở lên giàu có và nổi tiếng nhờ biết tự biến mình thành những bức tranh, những điểm check in nổi tiếng thế giới.

Những ngôi làng giàu lên nhờ biến lúa, tường nhà thành... tranh - Anh 1

Tác phẩm thất bại Mona Lisa của Inakadate năm 2003

Doanh số bán gạo tăng 400% nhờ biến ruộng lúa thành tranh

Inakadate là một ngôi làng nhỏ nằm ở miền Bắc Nhật Bản. Tính đến năm 2017, ngôi làng này chỉ có 7.985 người dân với diện tích rộng tới 22,35 km2.

Trước đây, Inakadate cũng giống như bao ngôi làng khác của Nhật Bản, tình trạng dân số lão hóa nhanh, thanh thiếu niên bỏ lên thành phố tìm việc và thói quen ăn uống của người Nhật dần bị ảnh hưởng bởi văn hóa Phương Tây, ngành lúa gạo tại các vùng quê Nhật có xu thế bị mai một dần.

Nhưng 20 năm trước, trưởng thôn Hanada đã thay đổi điều này. Ông đã tìm ra cách thu hút khách du lịch cũng như nâng cao sản lượng tiêu thụ gạo của vùng này. Ông nẩy ra ý tưởng khi nhìn thấy lũ trẻ trồng lúa theo hình vẽ trong một dự án ngoại khóa. Từ đây, ý tưởng trồng lúa với thiết kế hội họa trên cánh đồng.

Ngày nay, đến với Inakadate, khách du lịch có thể chiêm ngưỡng những cánh đồng lúa nghệ thuật đầy màu sắc, thậm chí có thể mua gạo trên những cánh đồng này với hình ảnh trên bao bì chính là những bức ảnh họ chụp từ cánh đồng đó.

Mô hình kinh doanh độc đáo của Inakadate đã thu hút được 251.320 lượt khách năm 2015, cao gấp khoảng 30 lần dân số làng trong khi doanh số bán gạo tăng 380% so với năm 2014. Hoạt động tham quan trở nên tấp nập tới mức chính phủ cho phép xây dựng riêng một nhà ga đặc biệt phục vụ những du khách muốn đến Inakadate.

Hàng năm, du khách đều đổ về khu làng yên tĩnh này để chụp ảnh và mua gạo lưu niệm, khiến tình trạng tắc đường diễn ra thường xuyên.

Đặc biệt hơn, người dân làng Inakadate đã sử dụng công nghệ cao để trồng những loại lúa có màu khác nhau nhằm tạo nên những bức tranh vô cùng đẹp mắt trên diện tích lớn. Sự chính xác của công nghệ khiến các bức tranh chuẩn đến từng chi tiết, thậm chí rất nhiều du khách đã nghi ngờ người dân “sơn lúa” chứ không phải trồng.

“Chúng tôi không có biển hay núi nào ngoài lúa gạo, nhưng chúng tôi đã tạo nên một khu du lịch phát triển nhờ những ý tưởng thiên tài”, Cựu trưởng làng Koyu Suzuki nói.

Hiện dân làng Inakadate sử dụng khoảng 12 loại lúa khác nhau với 7 màu sắc riêng để trồng. Ban đầu du khách khó lòng nhận ra sự khác biệt khi lúa chưa lớn nhưng đến vụ lúa chín, các tác phẩm nghệ thuật sẽ được thể hiện rõ.

May mắn thay, việc phát triển những cánh đồng lúa nghệ thuật đã giúp dân làng đối phó được phần nào với những khó khăn. Tổng chi phí cho mỗi cánh đồng, từ thiết kế, gieo hạt cho đến chăm sóc vào khoảng 35.000 USD và dù du khách không bị thu bất cứ khoản phí nào nhưng họ được đề nghị quyên góp cho Inakadate. Khoản thu nhập này vào khoảng 70.000 USD và thừa đủ để trang trải các chi phí.

Hiện nay, mỗi mùa gieo hạt đến là khoảng 1.200 nông dân của làng sẽ tụ tập trên các cánh đồng, cao hơn rất nhiều so với khoảng 20 nông dân của những năm 1993.

Nhận thấy tiềm năng từ Inakadate, nhiều ngôi làng Nhật khác cũng đang bắt chước tạo các tác phẩm nghệ thuật trên cánh đồng của họ để kích thích du lịch.

Những ngôi làng giàu lên nhờ biến lúa, tường nhà thành... tranh - Anh 2

 Người đổi thay số phận của ngôi làng là một người đàn ông 86 tuổi họ Hoàng và là một cựu chiến binh

Ngôi làng Cầu Vồng - Xứ sở thần tiên ở Đài Loan

Ở Đài Loan có một ngôi làng nhỏ bé nhưng sở hữu một vẻ ngoài vô cùng ấn tượng với cái tên làng Cầu Vồng, thu hút đông đảo bạn trẻ thích thú tìm tới tham quan, chụp ảnh lôi cuốn nhất Đài Loan.

Những năm 1940, 1950, ngôi làng nhỏ này có nhịp độ phát triển rất chậm chạp và gặp rất nhiều vấn đề về nhà ở như sự xuống cấp, bỏ hoang của nhiều ngôi nhà cũ.

“Cha đẻ” của làng Cầu Vồng, Đài Loan (Trung Quốc) là một cựu chiến binh họ Hoàng. Trước nguy cơ ngôi làng bị dỡ bỏ vì quá tồi tàn, ông đã vẽ những màu sắc rực rỡ, tươi sáng cho các bức tường trên đường phố với đủ hình thù ngộ nghĩnh và sáng tạo. Nhờ hành động ý nghĩa ấy, ngôi làng đã chuyển mình trở thành một trong những địa điểm du lịch ấn tượng nhất Đài Loan.

Nhiều người đã tới đây chụp ảnh các bức vẽ của ông và sử dụng mạng internet để làm cho chúng nổi tiếng. Cũng từ đó, ngôi làng “Cầu vồng” luôn là điểm đến được check-in hàng đầu ở Đài Trung

Để làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn, những người dân trong làng đã dày công ngày này qua tháng khác vẽ nên những bức tranh ngập tràn ánh nắng, màu sắc và niềm vui cho du khách đến tham quan.

Đặc điểm những bức tranh trong ngôi làng đều rất sinh động, màu sắc vô cùng rạng rỡ, chẳng khác nào bảy sắc cầu vồng, biến những ngôi nhà cũ xuống cấp thành nhà trong truyện cổ tích

Giờ đây, ở bất cứ góc nào của ngôi làng, bạn cũng có thể cùng hội bạn thân chụp những tấm ảnh siêu ảo, như ở xứ sở cổ tích. Mỗi góc cửa nhà ở làng cầu vồng đều chẳng khác nào một tác phẩm nghệ thuật. Đi đến bất cứ đâu trong làng du khách cũng dễ dàng tìm được một góc chụp ưng ý cùng người thân, bạn bè

Ngày nay, ngôi làng cũng đã trở thành nền của nhiều tấm ảnh nghệ thuật, thời trang hay bối cảnh quay của nhiều bộ phim lãng mạn. Tất cả các bức tường và đường phố đều được bàn tay nghiệp dư nhưng tinh tế và cuốn hút của phủ lên những màu sắc rực rỡ về đủ mọi chủ đề như: cây cối, động vật, người, chim, các nhân vật hoạt hình… 

Chi Mai

 

Ý kiến bạn đọc