Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Thế giới

28 Tháng Ba 2024

Mỹ “đau đầu” vì khan hiếm hàng hóa thiết yếu

Thứ Hai 17/01/2022 | 08:46 GMT+7

VHO- Hình ảnh các kệ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trống trơn đang trở nên phổ biến tại nhiều hệ thống bán lẻ ở Mỹ. “Cơn địa chấn” Omicron cộng hưởng với thời tiết khắc nghiệt và thiếu nhân công khiến tình trạng khan hiếm thực phẩm ở nhiều địa phương của Mỹ thêm trầm trọng.

 Những kệ hàng thực phẩm tại nhiều siêu thị ở Mỹ trống trơn Ảnh: CNN

 Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài dẫn tới chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu bị đứt gãy nghiêm trọng, gây áp lực lên hệ thống bán lẻ tại Mỹ trong suốt năm vừa qua. Đặc biệt, sự xuất hiện của biến chủng Omicron với tốc độ lây lan nhanh chóng khiến tình trạng thiếu hụt hàng hóa thiết yếu ở nhiều cửa hàng thực phẩm ở Mỹ ngày càng căng thẳng hơn. Theo ông Geoff Freeman, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Hiệp hội các thương hiệu tiêu dùng Mỹ, hệ thống cửa hàng thực phẩm của Mỹ thường thiếu từ 5% - 10% hàng hóa, nhưng hiện tỉ lệ này đang ở xấp xỉ 15%. “Từ ngũ cốc, nước tẩy rửa cho tới đồ ăn cho thú cưng... đều đang gặp khó khăn về nguồn cung. Trong khi nhu cầu hàng hóa thì vẫn tăng tới 11% so với cùng kỳ năm trước”, ông Geoff Freeman quan ngại.

Thực tế tại Mỹ, xu hướng người dân ăn uống ở nhà, thay vì ở ngoài đang gia tăng, nhất là trong bối cảnh nhiều văn phòng và trường học phải đóng cửa phòng dịch. Điều này cũng kéo theo nhu cầu thực phẩm tăng lên đáng kể. Theo ghi nhận của FMI (tổ chức chuyên về thương mại thực phẩm tại Mỹ), các hộ gia đình ở nước này trung bình chi 144 USD/tuần cho thực phẩm trong năm 2021, cao hơn hẳn mức 113,5 USD/tuần trong năm 2019. Trong khi đó, làn sóng Omicron bùng phát dữ dội, kéo theo số lượng nhân công làm việc tại các cửa hiệu thực phẩm bị nhiễm bệnh ngày càng nhiều, dẫn tới tình trạng các siêu thị, cửa hàng thiếu nhân công, không thể vận hành các công việc nhập hàng, bày biện trên kệ đầy đủ như trước. Theo Stew Leonard, giám đốc điều hành chuỗi siêu thị Stew Leonard’s, hiện có tới 8% nhân viên của công ty (khoảng 200 người) đã mắc bệnh hoặc đang trong tình trạng cách ly. Điều này khiến nhiều hoạt động tại chuỗi siêu thị bị ảnh hưởng, bởi thông thường mức độ vắng mặt của nhân viên ở Stew Leonard’s chỉ khoảng 2%.

Không chỉ vậy, khó khăn về nhân công còn xảy ra trong cả ngành sản xuất và cung ứng thực phẩm tại Mỹ. Nhiều người mắc Covid-19 không thể làm việc, gây gián đoạn nhiều chu trình sản xuất, chế biến, vận chuyển và phân phối thực phẩm. Hiện số lượng lái xe tải đang thiếu hụt nghiêm trọng, dù các công ty vận tải đường bộ đã nâng mức thù lao cao nhưng vẫn không có đủ nhân lực để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa đường bộ. Theo Hiệp hội Tạp hóa quốc gia (NGA), đại diện cho các nhà phân phối thực phẩm, khảo sát từ 1.500 thành viên cho thấy, nhiều nơi chỉ hoạt động khoảng 50% công suất do thiếu lao động. Trong tuần đầu tháng 1, Chủ tịch Sean Connolly của hãng thực phẩm Conagra Brands đã phải thông báo với các nhà đầu tư rằng, nguồn cung từ các cơ sở tại Mỹ của công ty sẽ còn khan hiếm ít nhất đến hết tháng sau vì không đủ nhân lực.

Ngoài ra, tình trạng thời tiết cực đoan xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều trên toàn thế giới và tại Mỹ cũng ảnh hưởng tiêu cực đến ngành thực phẩm xứ cờ hoa. Tổng biên tập mạng tin SupermarketGuru.com Phil Lempert cho rằng, thời gian gần đây, người nông dân thu hoạch được ít ngô, đậu tương hơn, trong khi đây là nguyên liệu đầu vào cho chăn nuôi công nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến giá cả cũng như nguồn cung nhiều thực phẩm thiết yếu như thịt, trứng, sữa… Thêm nữa, thời tiết cực đoan cũng khiến việc vận chuyển hàng hóa khó khăn hơn. Đơn cử như trận bão tuyết gần đây ở miền đông bắc nước Mỹ đã khiến nhiều tuyến đường không thể lưu thông, làm chậm việc vận chuyển thực phẩm tới Alaska.

Hiện giới chuyên gia cũng chưa thể chắc chắn về thời điểm các kệ hàng thực phẩm của Mỹ có thể thoát khỏi tình trạng khan hiếm. Điều đó đồng nghĩa với việc hệ thống bán lẻ và người tiêu dùng Mỹ tiếp tục phải đối mặt với mối lo thiếu hụt hàng hóa thiết yếu ngay trong giai đoạn căng thẳng của dịch bệnh. 

 HẢI MINH

 

Print

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top