Cape Town -Nam Phi: Khan hiếm nguồn nước, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề

VH- Tình trạng khan hiếm nước ngọt diễn ra tại châu Phi đang ngày một trở nên nghiêm trọng hơn, Cape Town - một trong những khu du lịch nổi tiếng nhất tại châu lục này đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nước.

Cape Town -Nam Phi: Khan hiếm nguồn nước, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề - Anh 1

 Người dân xếp hàng thu thập nước dự trữ từ mùa xuân tại vùng ngoại ô Newlands vì mối lo ngại về cuộc khủng hoảng nước sạch ở thành phố Cape Town (Nam Phi) Ảnh: REUTERS

Đã từ lâu, khan hiếm nguồn nước tại châu Phi vẫn là một vấn đề nan giải cần có sự can thiệp của chính quyền các nước tại châu lục này cũng như sự chung tay của toàn thế giới. Trong nhiều năm qua, bên cạnh nông nghiệp và khai thác khoáng sản, người dân cũng như chính quyền châu Phi chủ yếu tập trung thúc đẩy kinh tế bằng ngành du lịch. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, tình trạng khan hiếm nguồn nước ngọt diễn ra liên miên tại châu Phi do những đợt hạn hán kéo dài đã khiến cho ngành du lịch tại châu lục này chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là ở thành phố Cape Town.

Là một trong những đô thị giàu có và phát triển nhất lục địa, Cape Town như một ốc đảo xinh đẹp được thiên nhiên ban tặng, là một trong những điểm đến được nhiều khách du lịch lựa chọn cho mình khi ghé vùng Nam Phi. Theo ông Ravi Nadasen, Phó Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Du lịch Nam Phi, du lịch tại Cape Town đóng góp 3,4 tỉ USD cho nền kinh tế của Nam Phi mỗi năm, đồng thời cũng giúp hỗ trợ việc làm cho khoảng 300.000 lao động tại khu vực này.

Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, thành phố cũng như cả lục địa châu Phi đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước ngọt kéo dài, gây ảnh hưởng không ít tới công tác du lịch và các ngành dịch vụ tại thành phố nói riêng và châu Phi nói chung.

Sau ba năm hạn hán, lượng mưa tại Cape Town đã giảm xuống chỉ còn một phần ba, dẫn đến việc khan hiếm nước ngọt tại các hồ trữ nước trong thành phố. Sắp tới, Cape Town sẽ phải đối mặt với “Ngày Không Nước”. Đây là một cụm từ mà người dân và giới truyền thông nước này dùng để gọi ngày 16.4, chính quyền thành phố dự kiến sẽ lắp 200 vòi nước công cộng trên toàn thành phố, tương đương với mỗi vòi nước sẽ phục vụ cho khoảng 5.000 hộ gia đình. Tới thời điểm đó, mỗi hộ gia đình sẽ chỉ được cấp khoảng 25 lít nước/ngày. Tình hình được dự báo căng thẳng đến mức chính quyền thành phố đã phải lên kế hoạch huy động cảnh sát và quân đội đến từng trạm cấp phát nước để giữ gìn an ninh trật tự trong những “Ngày Không Nước”.

Khan hiếm nguồn nước thực sự đã gây ra những thiệt hại nặng nề, đặc biệt là đối với ngành du lịch tại Nam Phi - ngành nghề chiếm tới 9% (khoảng 35 tỉ USD) sản lượng kinh tế của Nam Phi vào năm 2017. Chia sẻ về những thiệt hại mà khan hiếm nước gây ra, ông Martin Jansen van Vuuren - Giám đốc Tập đoàn Du lịch, Khách sạn và Giải trí Grant Thornton cho biết: “Trong những tháng cuối năm đáng lẽ phải là thời điểm bận rộn nhất trong năm cho Western Cape nhưng có vẻ như khách du lịch tại nơi này đã sụt giảm một cách đáng kể. Trung bình, Cape Town đón khoảng 1,5 triệu khách du lịch nước ngoài mỗi năm. Có tới 10% trong số này là những vị khách ghé thăm thành phố vào tháng 12. Nhưng năm qua, lượng khách du lịch sụt giảm khoảng 4% so với năm trước, điều này làm ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế của những người dân trong khu vực”.

Đứng trước những tác động đáng lo ngại của tình trạng khan hiếm nguồn nước đối với ngành du lịch mũi nhọn cũng như đời sống của người dân trong khu vực, chính quyền các thành phố về du lịch lớn tại Nam Phi đã có những hành động cụ thể và rõ rệt.

Mới đây, chính quyền của nhiều thành phố tại châu Phi yêu cầu người dân giảm 26 triệu gallon (tức là tiết kiệm khoảng 98 triệu lít nước) trong tổng mức tiêu thụ nước sinh hoạt mỗi ngày. Quan chức các thành phố này cũng đưa ra kế hoạch hạn chế nước đến tối đa, thể hiện ở các lệnh cấm sử dụng nước bên ngoài để rửa xe, tưới cỏ và đổ bể bơi.

Đối với Cape Town nói riêng, việc duy trì lượng du khách đặt chân tới thành phố đang được coi là một trong những ưu tiên khẩn cấp của chính quyền cũng như người dân nơi đây. Chính phủ và doanh nghiệp đang ráo riết tìm kiếm nguồn cung nước sạch để phục vụ cho nhu cầu của người dân và khách du lịch. Chính quyền thành phố Cape Town đã và đang lên những kế hoạch cụ thể để ứng phó với khan hiếm nguồn nước.

Thị trưởng thành phố Cape Town, Patricia De Lille cảnh báo, thành phố sẽ cắt nguồn cung cấp nước trong thời gian dài hoặc giảm mạnh áp lực nước nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn. Bản thân các doanh nghiệp, nhà hàng và khách sạn tại thành phố này cũng có những hành động cụ thể để tiết kiệm nguồn nước dù ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Nhiều nhà hàng tại khu vực đã chuyển sang phục vụ bằng bát đĩa và khăn trải bàn giấy để tiết kiệm nguồn nước. Các khách sạn và khu nghỉ dưỡng cũng đã bắt đầu lắp đặt những vòi tắm có lưu lượng thấp, dừng hoạt động các vòi phun tưới ngoài trời để bảo vệ cho những giọt nước quý giá cuối cùng. Một chi nhánh của chuỗi khách sạn hàng đầu tại Cape Town là Tsogo Sun sẽ đưa ra một loại máy lọc nước, hút nước biển từ bến cảng của Cape Town và hứa hẹn sẽ cung cấp đủ nước ngọt cho 1.400 khách sạn trong chuỗi khách sạn tại thành phố này.

Nam Mai Hà

 

Ý kiến bạn đọc