Ngày cảnh báo và nhắc nhở

VH- Ngày 21.2 hằng năm được LHQ coi là Ngày quốc tế của tiếng mẹ đẻ. Từ năm 2000, tổ chức UNESCO của LHQ coi đấy là dịp để nhắc nhở nhân loại về ý nghĩa quan trọng của ngôn ngữ, giá trị văn hóa to lớn của ngôn ngữ và về trách nhiệm của nhân loại bảo tồn những giá trị văn hóa ấy cũng như cảnh báo nhân loại về nguy cơ ngôn ngữ cứ càng ngày càng bị mai một và mất dần.

Theo tổ chức UNESCO, hiện tại trên thế giới có khoảng 6.000 ngôn ngữ khác nhau và khoảng 2.500 trong số ấy thuộc diện bị đe dọa đặc biệt nghiêm trọng. Việc coi ngày 21.2 hằng năm là Ngày quốc tế của tiếng mẹ đẻ là một trong những nỗ lực tích cực và thiết thực của LHQ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của các ngôn ngữ trên thế giới.

Ngày này được LHQ chọn lựa không phải theo ngẫu nhiên. Nó có gốc rễ từ một sự kiện xảy ra ở Pakistan vào năm 1952, tức là vào thời điểm và trong thời gian chưa hình thành nhà nước Bangladesh độc lập. Năm ấy, Chính phủ Pakistan ban hành bộ luật công nhận tiếng Urdu là ngôn ngữ chính thức duy nhất của quốc gia, cho dù chỉ có tỷ lệ rất nhỏ dân Pakistan sử dụng tiếng Urdu. Ở vùng miền đông Pakistan khi đó và từ năm 1971 trở thành nhà nước Bangladesh độc lập chỉ có không đầy 2% dân chúng sử dụng tiếng Urdu và hơn 98% nói tiếng Bengali. Vì thế, ngày 21.2.1953, người dân ở Pakistan đã xuống đường biểu tình tuần hành phản đối Chính phủ về luật này. Sau khi trở thành quốc gia độc lập năm 1971, Bangladesh đã coi tiếng Bengali là ngôn ngữ chính thức của đất nước. Năm 1999, nước này đề nghị LHQ công nhận ngày 21.2 hằng năm là Ngày quốc tế của tiếng mẹ đẻ. Từ năm 2000, ngày này được kỷ niệm và tổ chức ở khắp nơi trên thế giới với thông điệp nói trên.

Có nhiều nguyên nhân khiến ngôn ngữ bị mai một trên thế giới như toàn cầu hoá và thay đổi cách sống của con người, như phát triển trên mọi phương diện của xã hội loài người. Nhưng một trong những nguyên nhân chủ quan rất quyết định là sự sao nhãng của chính phủ các quốc gia liên quan, không coi trọng đúng mức hoặc kỳ thị. Bởi thế, thông điệp cảnh báo và nhắc nhở của dấu mốc này càng thêm cần thiết hiện tại cũng như trong tương lai.

Hà An

Ý kiến bạn đọc