Cuộc đua cấm các phương tiện thải khí độc hại

VH- Nhiều nước trên thế giới đang tham gia vào cuộc đua cấm xe ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel nhằm hạn chế tối đa lượng khí thải độc hại gây ô nhiễm môi trường, đi đầu trong phong trào này chính là Pháp và Đức.

Cuộc đua cấm các phương tiện thải khí độc hại - Anh 1

 Người dân nước Ðức biểu tình phản đối xe chạy bằng năng lượng diesel lưu thông

Tại Pháp, chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố sẽ dừng việc buôn bán các loại xe có động cơ xăng dầu diesel vào năm 2040. Đây được coi như một kế hoạch triệt để với tham vọng đạt được các mục tiêu đã nêu ra trước đó theo thỏa thuận về biến đổi khí hậu tại Paris. Thông báo này được đưa ra một ngày sau khi hãng xe Volvo cho biết, kể từ năm 2019, họ sẽ chỉ sản xuất những chiếc xe điện hoặc xe chạy bằng các nguồn năng lượng sạch khác. Đây được coi như một hành động đáng hoan nghênh của một trong những hãng ô tô lớn nhất trên thế giới. Đó cũng được xem như những bước đi đầu tiên giúp chấm dứt sự thống trị của động cơ đốt trong cho xe máy sau hơn một thế kỷ.

Mức độ ô nhiễm môi trường và hiện tượng biến đổi khí hậu xảy ra tại Pháp cũng như nhiều nước châu Âu đã ở mức đáng báo động, vì vậy, quyết định về cấm các loại phương tiện có khí thải làm ô nhiễm môi trường của Pháp đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà chức trách các nước. Phát biểu về vấn đề này, ông Sadig Khan, thị trưởng thành phố London cho hay: “Tôi hoan nghênh những hành động mạnh mẽ và triệt để của chính phủ Pháp đã đưa ra bằng việc dừng hoàn toàn tiêu thụ xăng và dầu diesel vào năm 2040”. Ở thời điểm hiện tại, 80% lượng điện năng mà Pháp đang tiêu thụ phụ thuộc vào các nhà máy điện hạt nhân. Điều này có nghĩa, nếu chuyển hoàn toàn sang sử dụng các loại xe điện thay vì sử dụng xe chạy bằng động cơ diesel sẽ giúp làm giảm đáng kể lượng khí thải carbon trong khu vực nói riêng và toàn thế giới nói chung. Khí thải từ các phương tiện chạy bằng xăng và dầu diesel là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhiều căn bệnh nghiêm trọng liên quan đến đường hô hấp cho người dân tại nước này. Như vậy các biện pháp nhằm hạn chế phương tiện tham gia giao thông có chứa khí thải carbon độc hại sẽ phần nào làm giảm thiểu đáng kể mức độ ô nhiễm môi trường đang ngày càng nghiêm trọng diễn ra tại Pháp.

Không chỉ Pháp, nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu cũng đang tham gia vào cuộc đua chống biến đổi khí hậu bằng hình thức cấm các loại xe chạy bằng xăng và dầu diesel.

Na Uy - một trong những nước đi đầu trong phong trào sử dụng ô tô chạy bằng điện hoặc các năng lượng sạch khác đã sớm đặt ra mục tiêu, chỉ cho phép sử dụng xe điện và xe hơi hybrid kể từ năm 2025.

Đức tuy là một trong những quốc gia đầu tiên ban hành dự thảo về luật cấm các loại phương tiện có chứa khí thải độc hại chạy bằng xăng dầu diesel nhưng đến nay lại gặp phải một số sự trì hoãn trong quá trình thực hiện. Tòa án Tối cao Đức sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về lệnh cấm này vào tuần tới. Đây được coi như một quyết định mang tính bước ngoặt đối với tình trạng giao thông trong nước. Trên thực tế ngay từ khi mới được ban hành, dự thảo về lệnh cấm đã gặp phải khá nhiều luồng ý kiến.

Bên cạnh việc ban hành các dự thảo liên quan đến việc nghiêm cấm, hạn chế các loại phương tiện giao thông chạy bằng năng lượng xăng và dầu diesel, Pháp, Đức cùng nhiều nước châu Âu khác cũng cứng rắn thực thi nhiều hình thức xử phạt nghiêm ngặt đối với những hành động gây tổn hại tới môi trường. Mới đây, Bulgaria đã bị Tòa án châu Âu kết tội không tuân thủ các quy tắc về đảm bảo chất lượng không khí ở lục địa già. Tòa án châu Âu đã yêu cầu Bulgaria khẩn cấp đưa ra các giải pháp để cải thiện chất lượng không khí, nếu không sẽ phải chịu các án phạt nghiêm khắc về tài chính. Cũng trong báo cáo về chính sách môi trường của các nước thuộc EU, EC cảnh báo Italia có thể bị phạt tới 1 tỉ EUR vì đã để xảy ra tình trạng bụi mịn vượt ngưỡng an toàn ở châu Âu. Báo cáo của EC khuyến nghị, Italia có thể đưa ra các loại thuế áp dụng trên toàn quốc đối với các điểm chôn lấp rác thải nhằm giảm tình trạng chôn lấp rác thải. Nếu không tuân thủ được các tiêu chuẩn về môi trường của EU, Italia sẽ phải lãnh chịu tiền phạt. Trước đó, năm 2015, Italia đã phải nhận mức phạt lên tới 20 triệu EUR liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường.

 NGỌC LAM

 

 

 

Ý kiến bạn đọc