“Xã hội không tuổi” ở Nhật Bản

VH- “Xã hội không tuổi” (ageless society) là một thuật ngữ chỉ việc Chính phủ Nhật Bản khuyến khích người cao tuổi tiếp tục lao động nếu đảm bảo đủ các yếu tố như sức khỏe, khả năng và nhận thức. “Xã hội không tuổi” không còn là khái niệm xa lạ đối với người dân Nhật Bản, mà đây còn là một chính sách đang được Chính phủ xem xét thông qua.

“Xã hội không tuổi” ở Nhật Bản - Anh 1

 Kể từ năm 1997, Nhật Bản bắt đầu đối mặt với bài toán về sự già hóa dân số và áp lực của nó đối với nền kinh tế xã hội. Liên tục trong 36 năm liền, số lượng trẻ em tại nước này đã rơi xuống mức thấp kỉ lục. Theo báo cáo của hãng tin Kyodo, tính tới ngày 1.10.2017, số lượng trẻ em có độ tuổi từ 14 trở xuống tại Nhật Bản chỉ còn 15,71 triệu, tức là giảm 170.000 người so với thống kê cùng kì năm 2016, con số thống kê này đã bao gồm cả người nước ngoài. Thống kê của Cục dân số nước này cho biết: Sau khoảng 15 năm nữa, nếu không có sự thay đổi đột biến về số lượng người nhập cư thì cứ 3 người Nhật sẽ có một người trên 75 tuổi.

Sự già hóa dân số ở Nhật Bản một phần bắt nguồn từ vòng xoáy suy giảm dân số khi mà số phụ nữ ở vào độ tuổi sinh đẻ tại nước này ngày càng giảm. Trong giai đoạn kinh tế phát triển, những người ở độ tuổi kết hôn tại Nhật Bản thường phải có việc làm ổn định. Mà giờ đây, khi nhiều người (nhất là phụ nữ) phải làm các công việc tạm thời hoặc bán thời gian trong thời buổi nền kinh tế biến động theo từng ngày. Vì vậy, nhiều phụ nữ Nhật Bản trong thời kì hiện đại, họ chưa dễ dàng chấp nhận hôn nhân và sinh con, phần vì công việc chưa ổn định, phần vì dịch vụ chăm sóc trẻ em vẫn còn thiếu hụt buộc họ phải từ bỏ sự nghiệp của mình nếu quyết định kết hôn và sinh con. Điều này tạo nên một xã hội Nhật Bản với tỉ lệ sinh giảm tới mức đáng báo động và dân số già hóa nhanh chóng, tạo nhiều áp lực đối với nguồn nhân công lao động cũng như nền kinh tế cả nước.

“Xã hội không tuổi” ở Nhật Bản - Anh 2

Bài toán dân số hóc búa thúc đẩy Chính phủ Nhật Bản cần có những hành động triệt để và lâu dài. Mới đây, Chính phủ Nhật Bản đã đề xuất một dự thảo nhắm đến mục tiêu trở thành “Xã hội không tuổi”, nơi mà những người từ 65 tuổi (độ tuổi nghỉ hưu hiện tại của nước này) sẽ được khuyến khích giữ gìn sức khỏe và tiếp tục làm việc nhằm giảm áp lực về lương hưu. Theo dự thảo mới này, cho phép người dân nước này trì hoãn thời điểm nghỉ hưu đến 70 tuổi. Đồng thời, Chính phủ Nhật Bản cũng khuyến khích họ tiếp tục lao động cống hiến ngay cả khi đã nghỉ hưu nếu sức khỏe cho phép. Hiện, độ tuổi nghỉ hưu chính thức của Nhật Bản là 65 tuổi, nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp tư nhân cũng như Nhà nước đã bắt đầu để người lao động cao tuổi có quyền tự lựa chọn thời điểm nghỉ hưu của họ từ 60 đến 70 tuổi. Do tình trạng thiếu hụt lao động nên không ít nhà tuyển dụng Nhật Bản vẫn thuê những người lao động có độ tuổi khá cao và coi đó là một nguồn lao động có giá trị. Ủy ban liên quan của Đảng Dân chủ Tự do đã chấp thuận rộng rãi bản dự thảo này và Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe dự kiến sẽ thông qua nó sớm nhất. Đánh giá về vấn đề này, Yoshikazu Kenjo, giáo sư về an sinh xã hội tại Đại học Keio cho biết: “Việc mở rộng quyền lựa chọn thời điểm nhận lương hưu có ý nghĩa rất quan trọng trong xã hội đang thay đổi của chúng ta. Nếu mọi người có quyền lựa chọn trì hoãn việc nghỉ hưu và có cơ hội tiếp tục lao động, nó có thể cho họ cảm giác an toàn về việc sống lâu hơn”.

Trên thực tế, bước đầu của công tác gia tăng độ tuổi nghỉ hưu đã được Chính phủ Nhật Bản thực hiện trong những năm trở lại đây bằng nhiều biện pháp khác nhau. Mặc dù, tuổi nghỉ hưu hiện tại ở Nhật Bản là cao hơn so với nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số. Theo ước tính, đến năm 2065, tỷ lệ dân số Nhật Bản trên 65 tuổi sẽ tăng từ con số 27% năm 2015 lên 38%. Dân số Nhật sẽ giảm từ 127 triệu người năm 2015 xuống 88 triệu vào năm 2065. Theo The Guardian, nhóm bác sĩ Nhật Bản đã có đề xuất, tăng độ tuổi nghỉ hưu của người Nhật từ 65 tới 75 tuổi. Tình trạng về già hóa dân số của Nhật Bản từ lâu đã tạo nên gánh nặng cho Chính phủ trong việc chi trả cho các hoạt động trợ cấp người cao tuổi.

Mô hình xã hội không tuổi ở Nhật Bản được đánh giá là một hướng đi đúng đắn để giải quyết vấn đề về già hóa dân số tại nước này. Trong các nước phát triển, Nhật Bản là một quốc gia đã và đang đối mặt với vấn đề khủng hoảng lương hưu và trợ cấp xã hội cho người cao tuổi. Việc tăng độ tuổi nghỉ hưu hay thậm chí là hình thành “Xã hội không tuổi” sẽ phần nào giải quyết được gánh nặng về an sinh xã hội đối với quốc gia này. Giữ cho người lao động tiếp tục làm việc trong và sau độ tuổi nghỉ hưu nếu họ đủ sức khỏe và có nguyện vọng sẽ tạo nên một nguồn lao động đáng kể trong thời kì thiếu hụt nhân công. Bên cạnh đó, áp lực về lương hưu cũng như trợ cấp xã hội của Nhật Bản cũng phần nào được giải quyết nếu người cao tuổi được khuyến khích đi làm theo nguyện vọng ngay cả sau khi chạm ngưỡng tuổi nghỉ hưu. 

Đặng Thục Linh

Ý kiến bạn đọc