Mục đích nào có biện luận ấy

VH- Trong chiến lược quân sự mới được công bố, Chính phủ Mỹ tập trung trước hết cho việc hiện đại hoá kho vũ khí hạt nhân hiện có và phát triển cái gọi là vũ khí hạt nhân nhỏ, được đặt cho biệt danh Mini-Nukes.

Gọi là nhỏ nhưng chúng đều có sức công phá và huỷ diệt hơn cả hai quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản hồi tháng 8.1945. Cũng phải nhắc đến rằng Mỹ hiện đã có ít nhất 150 Mini-Nukes như thế. Với chiến lược này, Tổng thống đương nhiệm của Mỹ Donald Trump đã đoạn tuyệt hoàn toàn với chủ định của người tiền nhiệm. Người này tung hô ý tưởng về thế giới không còn vũ khí hạt nhân. Mục đích của ông Trump và cộng sự với chiến lược mới này là không chỉ duy trì mà còn tăng cường tiềm lực hạt nhân của nước Mỹ, không chỉ không thực thi giải trừ vũ khí hạt nhân mà còn hiện đại hóa vũ khí hạt nhân, không chỉ vẫn bám giữ vào hiệu ứng răn đe của vũ khí hạt nhân mà còn thích ứng hoá khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân vào bối cảnh tình hình mới.

Vì những mục đích ấy mà phía Mỹ phải có kẻ thù để đối địch và lý do để biện luận. Kẻ thù và đối địch được ông Trump và cộng sự xác định trong chiến lược này trước hết là Nga, nhưng cũng còn cả những nước có vũ khí hạt nhân khác và những nước đang tìm cách có vũ khí hạt nhân nhưng bất lợi và nguy hại cho Mỹ như Trung Quốc hay Triều Tiên. Nhưng Nga được xếp vào diện địch thủ chính vì biện luận để đối phó Nga dễ hơn cả. Nga mới là cường quốc hạt nhân giữ thế cân bằng hạt nhân với Mỹ và thổi phồng mối đe dọa hạt nhân từ Nga có tác động dân tuý to lớn đối với ông Trump ở trong nước và ở các đồng minh quân sự chiến lược của Mỹ trong Nato trên lục địa châu Âu. Làm găng với Nga bằng cách ấy trong bối cảnh tình hình hiện tại và vào thời điểm lúc này ở Mỹ còn giúp ông Trump và cộng sự giảm bớt áp lực từ việc đang bị điều tra về những mối quan hệ với Nga mà được cho rằng đã giúp ông Trump đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa rồi ở Mỹ. 

Lam Sa

Ý kiến bạn đọc