Nhiều nước vẫn là vương quốc của những người yêu sách

VH- Dù chúng ta đang sống ở kỷ nguyên công nghệ thông tin với trào lưu văn hóa nghe nhìn thì nó vẫn không thể lấn át văn hóa đọc. Những con số mà Tổ chức NOP World Culture Score công bố gần đây khiến nhiều người vui mừng.

Nhiều nước vẫn là vương quốc của những người yêu sách - Anh 1

 Số lượng lớn người Ấn Độ đọc sách rất giỏi trong việc học và cả trong việc ứng xử, họ đã nhờ sách thay cho lời khuyên của cha mẹ

Những con số biết nói

Theo đó, Ấn Độ có số người đọc sách nhiều nhất, với 10,7 giờ/tuần. Tiếp đó là Thái Lan với 9,4 giờ/tuần. Đứng thứ 3 là Trung Quốc với 8 giờ/tuần.

Nhiều nước châu Âu giữ vị trí khá cao trên bảng xếp hạng các nước có thói quen đọc sách trên thế giới. Công dân Cộng hòa Séc, Pháp, Thụy Điển dành khoảng 7 tiếng để đọc sách mỗi tuần, cao hơn mức trung bình chung của thế giới là 6,5 tiếng.

Một điểm đáng chú ý là Mỹ và Nhật Bản là hai nước có thời gian dành cho đọc sách dưới mức trung bình chung của thế giới. Mỹ dành khoảng 5,7 tiếng mỗi tuần, trong khi Nhật Bản là 4,1 tiếng.

Tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan là nước có thói quen đọc sách rất cao. Trung bình người dân Thái Lan dành hơn 9 tiếng để đọc sách mỗi tuần.

10,7 giờ/tuần là số giờ đọc sách của những “con mọt sách” Ấn Độ, gấp hai lần Mỹ, theo số liệu khảo sát với 30.000 người dân trên 30 quốc gia từ tháng 12.2004 đến tháng 2.2005 của tổ chức The NOP World Culture Score.

Tổ chức NOP khảo sát với 30.000 người trên 13 tuổi cho thấy Trung Quốc và Philippines lần lượt đứng thứ hai và thứ ba trong bảng xếp hạng về số giờ trung bình dùng để đọc sách, báo và tạp chí trong một tuần. Người Anh và người Mỹ bỏ ra thời gian đọc sách chỉ bằng phân nửa người Ấn Độ, thậm chí người Nhật là 4,1 giờ/tuần và người Hàn Quốc chỉ 3,1 giờ/tuần.

Tại Ấn Độ, quốc gia có số người đọc sách nhiều nhất, với 10,7 giờ/tuần, các thư viện và nhà sách luôn đông đúc như Trung tâm thương mại. Nhà biên tập và tác giả người Ấn, Tarun Tejpal, cho biết: “Ấn Độ không đọc sách theo phong trào, theo số lượng nhưng ở Anh, Mỹ nếu bạn không đọc một cuốn sách nằm trong top những cuốn sách bán chạy nhất bạn sẽ bị cho là lạc hậu”.

Ông R. Sriram, Trưởng văn phòng quản trị của hệ thống nhà sách Crosswords trên khắp Ấn Độ cho biết, đối với người Ấn thì kinh doanh và đọc sách là một phần cơ bản trong cuộc sống.

“Họ coi đọc sách là một việc vô cùng quan trọng. Đó là lý do tại sao họ luôn giỏi về các kiến thức chuyên môn và học giỏi các trường đại học ở nước ngoài. Mọi người tự giáo dục chính mình và bàn về mọi thay đổi liên tục trong cuộc sống của họ. Và để thực hiện điều này họ đọc sách», ông R. Sriram nói thêm.

Dù Nhật Bản chỉ đứng thứ 29 trong danh sách những quốc gia có số người đọc sách nhiều trên thế giới thì bình quân một người Nhật đọc 20 bản sách mỗi năm.

Doanh thu bán sách tại các cửa hàng của Nhật Bản năm 2013 đạt kỷ lục với 113 tỉ yên. Bên cạnh đó, theo thống kê, tại Nhật số lượng sách, tạp chí được phát hành tăng đều đặn trong suốt 10 năm gần đây với tốc độ 7% mỗi năm, một tỷ lệ đáng mơ ước của nhiều quốc gia khác.

Bên cạnh sách in, người Nhật cũng tiếp cận với văn hóa đọc qua nhiều phương tiện như smartphone, máy tính bảng, sách điện tử e-book... Thay vì mang một quyển sách vướng víu, người đọc chỉ cần cài đặt một ứng dụng đọc sách trên điện thoại hoặc sắm sách điện tử là có thể tìm đọc bất kỳ cuốn nào trong kho sách số hóa hàng nghìn, thậm chí hàng triệu cuốn.

Tại các quốc gia này, người ta dễ dàng bắt gặp cảnh người dân đang say sưa đọc sách trên tàu điện ngầm, sân bay, xe buýt, quán cafe… Thậm chí, hình ảnh những người vô gia cư chăm chú đọc sách tại các gầm cầu hay công viên không phải là điều hiếm thấy tại Nhật Bản và Mỹ.

Thói quen đọc sách giúp não tư duy và tập trung tốt hơn

Các nghiên cứu của Viện Khoa học Quốc gia tại Anh cho thấy, hoạt động đọc sách giúp não nhạy bén, minh mẫn cũng như làm chậm sự nhận thức của tuổi già. Những người lớn tuổi thường đọc sách hay chơi các trò chơi trí tuệ có nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer thấp hơn 2,5 lần so với những người ít đọc. Ngoài ra, việc đọc sách còn giúp giảm căng thẳng, cải thiện kỹ năng xã hội và các mối quan hệ.

Đọc sách là một dạng thể dục khác cho cơ thể. Các phần não chịu trách nhiệm về thị giác, ngôn ngữ, học tập sẽ hưởng lợi từ việc đọc sách. Theo các nhà khoa học, đọc sách từ 5 đến 7 giờ chiều được xem là thời gian tốt nhất. Đây là lúc não bạn đủ sắc bén. Ngoài ra, đọc sách trước giờ đi ngủ cũng giúp bạn ngủ ngon.

Đọc sách kích thích các khu vực thần kinh trong não và bạn sẽ cảm thấy mình đang được trải nghiệm những gì đang diễn ra trong sách. Ví dụ, đọc về mùi vị sẽ kích hoạt các vùng não khứu giác chịu trách nhiệm cho mùi, đọc về những hành động sẽ kích thích phần não chịu trách nhiệm về hành động.

Đọc sách sẽ khiến cho bạn hạnh phúc và có trải nghiệm về sự đầy đủ. Những người đọc sách hằng ngày cũng được cho là cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình hơn.

Đọc sách được xem là cách giảm stress hiệu quả nhất khi so sánh với nghe nhạc, đi dạo hay uống trà. Khả năng giảm stress của sách lên tới 68%.

Đọc sách ngăn chặn chứng mất trí nhớ do tuổi tác. Đây được xem là cách giảm được 32% sự suy giảm nhận thức - một trong những lợi ích hàng đầu của việc đọc sách hằng ngày.

Đọc sách khiến cho ngày của bạn ý nghĩa hơn. Đọc sách được xem là tăng cường cảm giác tích cực của một người. Những sự kiện trong sách có thể giúp nâng cao tinh thần và gợi lại những ký ức ấm áp cho người đọc.

Thói quen đọc sách còn cải thiện sự tập trung. Nếu bạn cố gắng đọc trong vòng 15-20 phút trước khi làm việc, bạn sẽ tăng khả năng chú ý cả ngày.

Thùy Dương

 

Ý kiến bạn đọc