Nhật Bản: Những con số kỷ lục về kinh tế, dân số, giáo dục

VH- Năm 2017, Nhật Bản đã đạt được những thành tựu đáng mừng về kinh tế và giáo dục nhưng tỉ lệ sinh của quốc gia này đang ở vị trí báo động.

Tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 24 năm

Theo AFP, số liệu chính thức công bố hôm 26.12 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở xứ sở mặt trời mọc đang thấp nhất kể từ tháng 11.1993. Đây là tín hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang trên đà phục hồi dù với tốc độ chậm. Cụ thể, chính phủ Nhật Bản công bố tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 11 là 2,7% và tỷ lệ người đang tìm việc làm tăng 0,01% so với tháng liền trước để đạt 1,56%, mức cao nhất trong 44 năm trở lại đây.

Dữ liệu mới được công bố trong bối cảnh kinh tế Nhật có 7 quý tăng trưởng liên tiếp, giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong 16 năm. Sự kiện Thế vận hội mùa hè 2020 được kỳ vọng sẽ hỗ trợ thêm cho kinh tế Nhật. Niềm tin của các nhà sản xuất xứ sở mặt trời mọc cũng đang ở mức cao nhất trong 11 năm, theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Dù vậy, chi tiêu tiêu dùng vẫn yếu và giảm phát vẫn tiếp tục kìm chân nền kinh tế.

Tình hình lạm phát Nhật Bản trái ngược hoàn toàn với nhiều nền kinh tế lớn khác, nơi các ngân hàng trung ương cố gắng thắt chặt chính sách tiền tệ đang được nới lỏng. Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố tăng lãi suất và giới hoạch định chính sách nước này có thể tăng lãi suất thêm ba lần nữa trong năm sau. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong lúc này tuyên bố giảm một nửa kích thước chương trình mua trái phiếu khổng lồ bắt đầu từ tháng 1 vì kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) đang phục hồi.

Nhật Bản: Những con số kỷ lục về kinh tế, dân số, giáo dục - Anh 1

 Dân số Nhật Bản giảm kỷ lục , số trẻ chào đời năm 2017 thấp nhất trong một thập kỷ qua

Dân số giảm kỷ lục

Ngược với những tin vui trong sự phát triển kinh tế, tình hình dân số của Nhật rất ảm đạm. Theo số liệu thống kê mới được Bộ Y tế Nhật Bản công bố, trong năm qua chỉ có 941.000 em bé ra đời, mức thấp nhất kể từ năm 1899 khi công tác thống kê bắt đầu được thực hiện. Con số này cũng phản ánh mức sụt giảm 36.000 trẻ so với năm 2016 và đánh dấu năm thứ hai liên tiếp số trẻ nhỏ chào đời tại “xứ mặt trời mọc” dưới 1 triệu trẻ. Tỷ lệ sinh tại Nhật Bản từng có thời điểm lên cao nhất - 2,7 triệu trẻ trong năm 1949. Trái ngược với tỷ lệ sinh, tỷ lệ tử vong tại quốc gia này trong năm 2017 lại tăng 3% lên mức 1,34 triệu trường hợp, mức cao nhất thời kỳ hậu chiến tranh. Trong đó, đặc biệt đáng chú ý, tỷ lệ người tử vong vì già yếu là hơn 400.000 người (cao hơn 72.000 người so với năm 2016).

Một kỷ lục không đáng mong chờ khác cũng được xác lập là số người Nhật kết hôn mới trong năm 2017 cũng thấp nhất thời kỳ hậu chiến tranh với chỉ 607.000 cặp mới, giảm 14.000 cặp so với năm trước đó. Tính trung bình, tại Nhật Bản cứ 34 giây có 1 trẻ ra đời, 23 giây có 1 người qua đời và 52 giây thì có một cặp kết hôn.

Các số liệu về dân số tự nhiên này không bao gồm công dân nước ngoài sinh sống tại Nhật, vốn chiếm khoảng 1% trong dân số 125 triệu người. Theo một thống kê công bố hồi tháng 7, tỷ lệ người trên 65 tuổi hiện chiếm 27,2% - mức cao nhất được ghi nhận từ trước tới nay, trong khi tỷ lệ trẻ dưới 14 tuổi giảm xuống mức thấp kỷ lục là 12,7%.

Chính phủ Nhật nhiều năm nay cố gắng khuyến khích các gia đình sinh thêm con nhưng các số liệu mới công bố cho thấy xu hướng già hóa dân số vẫn tiếp diễn trong khi tỷ lệ sinh không được cải thiện. Cụ thể, năm 2015, Nhật Bản đã thực hiện một chính sách mới, để giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh thấp, chính phủ Nhật Bản đã quyết định sẽ thưởng cho mỗi cặp vợ chồng 10 triệu yên Nhật (khoảng 80.000 USD, gần 1,8 tỷ VNĐ) cho lần sinh con đầu tiên.

Trong một nỗ lực mới nhất nhằm thay đổi tình hình, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã công bố dự thảo ngân sách cao kỷ lục, trong đó một phần lớn dành cho các chính sách an sinh xã hội, cải thiện điều kiện chăm sóc trẻ nhỏ và quan tâm tới các bà mẹ đi làm nhằm khuyến khích sinh nở với mục tiêu là tăng tỷ lệ sinh lên 1,8% vào năm 2025. Bên cạnh đó, sự dè dặt trong chính sách mở cửa hệ thống di trú để tiếp nhận di dân đã được thay thế bằng những nỗ lực thu hút sinh viên và lao động kỹ năng cao từ nước ngoài.

Nhật Bản: Những con số kỷ lục về kinh tế, dân số, giáo dục - Anh 2

 Tỷ lệ thất nghiệp ở xứ sở mặt trời mọc đang thấp nhất kể từ tháng 11.1993

Giáo dục ở Nhật Bản vẫn là hình mẫu của thế giới

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) - nhóm gồm 35 quốc gia thịnh vượng, Nhật Bản xếp hạng cao về cung cấp cơ hội giáo dục bình đẳng cho học sinh. OECD ước tính chỉ có 9% chênh lệch trong thành tích học tập của học sinh Nhật Bản được giải thích bởi bối cảnh kinh tế xã hội. Mức trung bình của OECD là 14% và tại Mỹ con số này là 17%. “Ở Nhật, bạn có thể có những khu vực nghèo, nhưng không có trường học tồi”, John Mock, nhà nhân chủng học tại Đại học Temple Nhật Bản (TUJ) nói.

Andreas Schleicher, người giám sát công việc của OECD về giáo dục và phát triển kỹ năng nhận xét: “Đó là một trong những hệ thống giáo dục hiếm hoi mang lại kết quả tốt cho hầu hết học sinh. Những bất lợi được xem là trách nhiệm của tập thể”.

Chính phủ Nhật Bản đảm bảo những khu vực thu nhập thấp cũng có giáo viên giỏi, không có chênh lệch lớn về giáo dục khắp cả nước. Sự bình đẳng trong giáo dục ở Nhật Bản cũng xuất phát từ vấn đề phân bổ ngân sách. Lương giáo viên được trả từ cả chính phủ quốc gia và chính quyền tỉnh, do đó không chênh lệch nhiều dựa vào thu nhập bình quân hộ gia đình trong khu vực hay giá trị tài sản.

Hơn nữa, Nhật Bản tiêu tốn vào giáo dục ít hơn nhiều nước phát triển khác, chỉ 3,3% GDP so với mức trung bình 4,9% của OECD. Mỗi học sinh ở cấp tiểu học được chi 8.748 USD, ít hơn mức 10.959 của Mỹ.

Chìa khóa thành công của Nhật Bản là chi tiền một cách khôn ngoan. Các tòa nhà trong trường học không có vẻ ngoài hào nhoáng. Sách giáo khoa đơn giản, được in bằng bìa mềm. Học sinh và giáo viên có trách nhiệm vệ sinh trường lớp. Nhật Bản cũng có ít quản trị viên trong trường, thường chỉ có hiệu trưởng và vài hiệu phó, đội ngũ hành chính ít cồng kềnh.

Mặc dù khoản chi cho giáo dục tương đối thấp, giáo viên Nhật Bản được trả lương cao hơn mức trung bình OECD.

Kết quả, ít học sinh ở xứ sở mặt trời mọc phải vật lộn với việc học hay bỏ ngang. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học là 96,7%, cao hơn nhiều so với mức trung bình của OECD.

Hệ thống giáo dục Nhật Bản vẫn là hình mẫu để các quốc gia noi theo, với mục tiêu giảm thiểu khoảng cách giữa học sinh giỏi và học sinh kém. Thành công của mọi học sinh là ưu tiên hàng đầu của quốc gia này về giáo dục.

Chi Mai

 

Ý kiến bạn đọc