Khi các geisha dùng​ Internet để “cứu”...

VH- Trước tình trạng nghề geisha bị mai một, những người làm nghề này ngày càng ít, chính quyền Nhật Bản và chính các geisha đã có những cách “cứu” nghề rất thú vị.

Chính quyền hỗ trợ phí học nghề

Geisha xuất hiện đầu tiên ở Nhật Bản vào cuối thế kỷ 17 và phát triển mạnh mẽ vào đầu thế kỷ 20. Các geisha được cho là sống trong một thế giới riêng của sự thanh lịch và văn hóa - karyūkai (thế giới của hoa và liễu). Họ là những nghệ sĩ và được coi là hình thái hoàn hảo nhất của nghệ thuật tại Nhật.

Tuy nhiên, hiện nay, loại hình giải trí này bị mai một dần. 100 năm trước, Nhật Bản có 80.000 geisha nhưng nay chỉ còn 1.000.

Asakusa, với những đường phố sáng ánh đèn lồng, từng là nơi sinh sống của 800 geisha trong những năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai nhưng ngày nay, chỉ còn khoảng 50 thành viên.

Theo ông Shisiguki Uetsuki, Giám đốc điều hành Hiệp hội geisha ở Asakusa, một trong những khu vực giải trí lâu đời nhất ở Tokyo, thì các geisha ngày nay có độ tuổi trung bình khá cao là khoảng 40 và họ đang thiếu trầm trọng các geisha tập sự, được gọi là “maiko”.

Khi các geisha dùng​ Internet để “cứu”... - Anh 1

 Hiện nay, Nhật Bản chỉ còn gần 1.000 geisha

Tại thành phố cảng Shimoda hiện nay chỉ còn lại vỏn vẹn 7 geisha.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mai một này, nhưng có thể nói, xã hội Nhật Bản hiện đại, với đời sống kinh tế thịnh vượng hơn cùng với những xu hướng giải trí mới, đã khiến ngày càng ít các cô gái muốn theo đuổi nghề geisha, vốn đòi hỏi không chỉ tài năng mà còn sự kiên trì và khắt khe cao độ.

Nhật Bản đã thực hiện nhiều chính sách để ngăn chặn tình trạng này. Ở nhiều nơi, chính quyền các địa phương đã phải hỗ trợ cho các chương trình đào tạo geisha để bảo tồn một nghề mang đậm bản sắc văn hóa Nhật Bản này như mở miễn phí các lớp huấn luyện đặc biệt cho geisha. Đây là một hành động rất thiết thực, bởi việc đào tạo một geisha trong bốn năm tiêu tốn khoảng 500.000 USD.

Nhằm bảo tồn và phát triển một nét văn hóa giải trí truyền thống của Nhật Bản, tại Kyoto, một tổ chức địa phương đã quyết định tổ chức các lớp học tiếng Anh cho khoảng 50 geisha, cả những người đã làm nghề lâu năm và những geisha mới học việc.

Tổ chức này hy vọng các geisha có thể nói chuyện với du khách nước ngoài về truyền thống địa phương mình bằng tiếng Anh. Trong các bài học sẽ có cả phần hướng dẫn cách trả lời các câu hỏi khó, thậm chí bằng tiếng Nhật, của khách ngoại quốc như “Tại sao các cô lại đánh nhiều phấn trắng trên mặt thế?”.

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực đó, ngành “công nghiệp” geisha ở Nhật Bản nói chung vẫn rất ảm đạm.

Các geisha tự “cứu” mình

Tại thành phố Nara, một geisha kỳ cựu với 30 năm tuổi nghề tên Kikuno đang bắt đầu những chiến lược mới để cứu lấy nét văn hóa độc đáo này. Bà sử dụng Internet để liên lạc với những geisha khác, những người cũng đang gặp khó khăn trong việc chiêu mộ thế hệ mới.

Theo truyền thống, các geisha không hợp tác với những nhóm hoạt động bên ngoài khu vực địa lý của họ. Thế nhưng, bà Kikuno hiểu rằng đã đến lúc tiến hành một cách tiếp cận mới.

Bắt đầu học làm geisha từ năm 15 tuổi, bà Kikuno “hoàn toàn bị cô lập khỏi thế giới” - hầu như không liên lạc với gia đình, bạn bè - để luyện tập các lớp trà đạo, cắm hoa, múa hát...

Sau khi chứng kiến nhiều geisha già đi mà không có truyền nhân, mong muốn “cứu” geisha của bà Kikuno còn ẩn chứa ước vọng cá nhân: Không để ai chết trong đơn độc!

Ngoài nỗ lực cá nhân còn có những công ty ra đời để vực dậy geisha, như Ryuto Shinko tại tỉnh Niigata. Được ông Susumu Nakano, Giám đốc và cố vấn điều hành của khách sạn Bandai Silver, thành lập vào năm 1987, Ryuto Shinko nhận hỗ trợ tài chính từ 80 công ty địa phương để tài trợ cho các giờ học âm nhạc, nhảy múa và chịu chi phí về kimono và tóc giả cho người học làm geisha. Sau 30 năm hoạt động, mỗi năm Ryuto Shinko thu hút khoảng 1-3 thành viên mới. 

Chi Mai

 

Ý kiến bạn đọc