Một công đôi việc

VH- Sau 4 năm đàm phán, EU và Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về thành lập khu vực mậu dịch tự do chung với tên gọi là Thỏa thuận về quan hệ đối tác kinh tế giữa Nhật Bản và EU, gọi tắt là Jefta.

Đối với cả hai bên, đây là thỏa thuận hợp tác kinh tế và mậu dịch tự do lớn nhất mà hai bên từng ký kết. Jefta bao quát thị trường lớn với 600 triệu dân và chiếm 30% GDP của cả thế giới. Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới sau Mỹ và Trung Quốc. Cả EU lẫn Nhật Bản đều chưa có thỏa thuận về mậu dịch tự do với hai đối tác này. Trong quá trình đàm phán, trắc trở mà hai phía cần nhiều thời gian nhất để khắc phục là đạt được thỏa thuận về mở cửa thị trường EU cho sản phẩm xe ô tô và linh kiện, phụ tùng thay thế cho xe ô tô của Nhật Bản và mở cửa thị trường Nhật Bản cho hàng nông phẩm của EU.

Đối với EU cũng như Nhật Bản, việc đạt được thỏa thuận này là bỏ một công làm được đôi việc. Việc thực hiện thỏa thuận - dự kiến có hiệu lực chính thức từ năm 2019 sau khi nó được cả hai bên hoàn tất quá trình phê chuẩn - sẽ giúp nâng mức tăng trưởng kinh tế ở cả hai phía. EU rất cần tác động này bởi kinh tế các nước thành viên EU tăng trưởng ở mức độ thấp, mất cân đối, không ổn định và thiếu bền vững. Nhật Bản tuy có được thời kỳ tăng trưởng kinh tế rất dài, nhưng mức độ tăng trưởng không được cao. Cả hai phía đều cần động lực tăng trưởng kinh tế mới.

Cả hai còn có được thông điệp chung gửi về phía Mỹ. Với thỏa thuận này, cả hai thể hiện cam kết về mậu dịch tự do và chống chủ nghĩa bảo hộ. Mỗi bên có được sự đáp trả của mình về quan điểm chính sách bảo hộ mậu dịch của tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi người này không tiếp tục đàm phán với EU về thỏa thuận mậu dịch tự do với tên gọi Quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương về thương mại và đầu tư (TTIP) cũng như rút nước Mỹ ra khỏi thỏa thuận về Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Nhật Bản tham gia.

Lam Sa

Ý kiến bạn đọc