Giá nào xứng đáng với nghệ thuật?

VH- Mới rồi, hãng bán đấu giá Christie ở New York (Mỹ) đã tiến hành bán đấu giá bức họa “Salvator Mundi” của danh họa người Italia Leonard da Vinci với giá 450,3 triệu USD.

Bức họa này trở thành tác phẩm hội họa đắt giá nhất trên thế giới cho tới nay. Bức họa là duy nhất và số tiền bỏ ra mua nó không hề nhỏ. Chỉ một người có thể sở hữu nó vì nó là độc bản và cũng chỉ có số lượng người không nhiều trên thế giới này sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền đến thế để sở hữu bức họa. Nghệ thuật có giá của nghệ thuật, nhưng câu hỏi được đặt ra một cách chính đáng là giá nào thì mới đúng và xứng đáng với nghệ thuật.
Để trả lời câu hỏi này cần có trước đó câu trả lời cho câu hỏi về sứ mệnh thực sự của nghệ thuật. Về bức họa nói trên, người ta cho rằng nó là sản phẩm sáng tác của da Vinci nhưng thật ra không có được sự đảm bảo 100% là nó hình hài từ nét cọ của danh họa. Làm giả và bắt chước phong cách vốn là chuyện không hề hiếm thấy trong hội họa từ cổ chí kim. Trước khi được phục chế, bức họa này ở trong tình trạng rất tồi tệ và cũng không ai dám chắc là bức họa sau khi được phục chế đúng y như bức họa mà da Vinci đã sáng tạo nên trong trường hợp nó thực sự được da Vinci vẽ từ cách đây hơn 500 năm. Nghệ thuật một khi được trả giá cao đến như thế thì đã trở thành phần thưởng cho giới lắm tiền nhiều của chứ không còn dành cho công chúng, không còn là nhân chứng của thời kỳ lịch sử và xã hội con người trong thời kỳ đó. Nghệ thuật khi ấy đã trở thành hàng hóa chứ không còn hiện thân cho văn hóa nữa.
Điều này càng bộc lộ rõ trong thế giới hiện đại của con người. Chẳng phải tâm lý chung của công chúng là cái gì càng đắt thì càng dễ được coi là thật và càng khó có thể giả, càng đắt thì chắc chắn càng phải có giá trị vì phải như thế mới đắt hay sao. Giá trị của nghệ thuật vì thế bị định nghĩa và xác định thiên về thông qua giá trị bằng tiền của tác phẩm. Như thế thật không đúng và không phải với nghệ thuật và văn hóa đích thực.

Hà An

Ý kiến bạn đọc