Trong thất vọng, ngoài lo lắng

VH- Ở nước Đức, đàm phán thành lập chính phủ liên hiệp mới giữa phe cánh của Thủ tướng Angela Merkel (gồm Liên minh Dân chủ thiên chúa giáo (CDU) và Liên minh Xã hội thiên chúa giáo (CSU), viết tắt là CDU/CSU), Đảng Dân chủ tự do (FDP) và Đảng Xanh đã thất bại.

Do Đảng Xã hội dân chủ Đức (SPD) cho tới thời điểm này kiên định chủ trương không tham gia cùng cầm quyền với phe của bà Merkel nữa nên bà Merkel giờ chỉ còn hai sự lựa chọn là thành lập chính phủ thiểu số và chấp nhận bầu cử Quốc hội mới trong vòng 60 ngày tới. Nước Đức từ năm 1949 đến nay chưa từng lần nào bị sa vào tình cảnh chính trị như vậy và cá nhân bà Merkel trong thời gian trị vì nước Đức suốt từ 12 năm nay cũng chưa từng lần nào lâm vào tình cảnh yếu thế và vị thế cầm quyền bị đe dọa thật sự như hiện tại.
Ở trong nước Đức, người dân không thể không thất vọng khi thấy chính trường bị phân hóa sâu sắc và bất đồng quan điểm trầm trọng đến mức không thể thành lập nổi chính phủ liên hiệp. Như thế đồng nghĩa với mất ổn định chính trị và không ai biết được tương lai tới đây như thế nào. Họ không thể không lo ngại bởi chưa từng lần nào chứng kiến và trải qua tình trạng như thế.
Còn ở bên ngoài nước Đức trên châu lục, EU không thể không lo lắng. Nước Đức là thành viên thuộc diện quan trọng nhất trong EU, có ảnh hưởng và nắm giữ vai trò rất quyết định đối với tương lai và số phận của EU. EU lại đang gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, phải trông cậy rất nhiều vào nước Đức mà nước Đức lại mãi không thành lập được Chính phủ, có nguy cơ Chính phủ mới không ổn định vì không có được đa số trong quốc hội hoặc phải tiến hành bầu cử Quốc hội mới mà kết quả chưa biết thế nào.
Bởi thế, hệ lụy không thể tránh khỏi của tình trạng hiện tại ở nước Đức là cử tri Đức lại phải quyết định trao quyền bính nhà nước cho ai và EU phải tính cách giúp bớt lệ thuộc vào nước Đức.

Lương San

Ý kiến bạn đọc